Hỗ trợ nạn dân từ Ukraine: Trong cơn binh lửa

HỒNG VÂN 04/03/2022 20:00 GMT+7

TTCT - Nhiều cá nhân và nhóm cộng đồng của người Việt Nam đang kêu gọi quyên góp cho người Ukraine tại biên giới Ba Lan và đặc biệt hỗ trợ người Việt Nam trong trường hợp họ muốn và sang Ba Lan, quốc gia được đa số người Ukraine lựa chọn khi di tản khỏi xung đột trong nước.

Công tác cứu trợ này càng quan trọng khi cuộc chiến dự kiến sẽ còn kéo dài.

Lên ngay cửa khẩu

Anh Nguyễn Quốc Phương (sinh năm 1972), người Việt sống tại Ba Lan cho biết ngày 27-2, anh và bạn là Lại Công Tuấn đã có chuyến cứu trợ đầu tiên đến cửa khẩu Dorohusk-Jagodzin - ở phía bên kia, xe chở người Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, xếp hàng dài đến 30km.

Lều để hàng hóa của nhóm cộng đồng Uwaga - người Việt ở Ba Lan tại cửa khẩu Zosin-Uscilug ngày 27-2. Ảnh: NGỌC VŨ

Anh Phương sống ở Ba Lan 24 năm và là chủ một cửa hàng thực phẩm nhỏ, cho biết: “Chỉ trong một phút, tôi quyết định mai (27-2) khởi hành đi viện trợ đến biên giới cho người dân Ukraine, dù lúc đó chưa có kế hoạch gì rõ ràng”.

Phương đăng ý định của mình lên Facebook và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của đông đảo người Việt ở Ba Lan. Sau 2 tiếng, anh đã nhận được hàng chất đầy 2 chiếc xe 9 chỗ. 

“Do không có thời gian nên tôi chỉ nhận hiện vật và xin phép không nhận tiền để tránh phải ghi chép. Chúng tôi đóng gói, mang hàng hóa là bánh mì, bơ, sữa, trà, cà phê, thanh chocolate, chuối, quýt, táo, đường, nước uống đóng chai… Quần áo thì tôi đem đi có 4 kiện quần áo mới. Tôi xếp hàng đầy xe đến muỗi cũng không có cửa chui vào được”, anh Phương cho biết. 

Anh nhờ con gái Trâm Anh Nguyễn (15 tuổi) tìm tất cả các cửa khẩu Ukraine với Ba Lan đang mở cửa. Anh cũng được một người bạn là cô Ewa Grabowska tìm và giúp xác định cửa khẩu nào đang có đông người từ Ukraine sang nhất. 

Trâm Anh tìm ra tất cả 8 cửa khẩu, hướng dẫn đường đi, thông tin cửa khẩu nào có lượng người được dự đoán là đông nhất cho bố. Em cũng in luôn 2 tờ giấy viết “ĐÂY LÀ XE CHỞ ĐỒ CỨU TRỢ CHO NGƯỜI UKRAINE” để dán lên xe. 

4h sáng 27-2, hai người xuất phát, chạy một mạch ba tiếng rưỡi thì đến cửa khẩu Dorohusk-Jagodzin - cửa khẩu có lượng đường tắc bên phía Ukraine dài khoảng 30km.

Khi đến nơi, khoảng 7h30, ở phía Ba Lan, người đến chờ đến đón người thân từ Ukraine sang đã rất đông. Cảnh sát có mặt để hướng dẫn mọi người chờ cách khu vực cửa khẩu khoảng 300m.

Xe của anh Phương, anh Tuấn được hướng dẫn đến các điểm phát đồ từ thiện và nơi có người Ukraine mới sang như nhà văn hóa, sân thể thao, nhà thờ, và một số địa điểm công cộng khác. Hai anh đi thăm gần hết các nơi và thấy nhà thờ là nơi bà con trú ngụ nhiều nhất.

Theo anh, tại các điểm tiếp nhận đồ từ thiện, nơi nào, quần áo và dụng cụ gia đình cũng đều rất nhiều nên những điểm tiếp nhận này ngưng nhận quần áo và đồ dùng gia đình. 

Từ đây, anh Phương được biết quần áo, dụng cụ gia đình nên được phát cho những người đã đi vào sâu hơn trong lãnh thổ Ba Lan, chứ không phải tại cửa khẩu. Người đi di tản ai cũng có quần áo ấm, chỉ có đồ ăn là thiếu vì đã ăn hết trên đường.

“Qua đây tôi thấy giúp đồ ăn là chuẩn nhất. Một ngày một người ăn hết 2 - 3kg đồ ăn và nước uống còn quần áo mặc một năm không rách”.

Anh Phương cho biết bàn giao hàng xong anh quay về. Trong cuộc gặp ngắn ngủi, người quản lý nhà thờ liên tục có điện thoại.

Cũng theo anh Phương, thực tế tại cửa khẩu phía Ba Lan rất yên bình, không náo loạn, không chen lấn, không có cảnh người đi tị nạn nheo nhóc… “Nhiều người từ Ukraine sang có thân nhân đến đón, họ đẩy vali có bánh xe kéo, túi du lịch nhỏ gọn mỗi người một cái, như xuống máy bay, không nhiều đồ như tôi về Việt Nam, toàn quá cân thôi”.

Cứ khoảng vài chục phút thì có một chuyến xe buýt hoặc xe con do phụ nữ tự lái từ phía Ukraine sang. Được biết, thủ tục cho người từ Ukraine sang hiện đã được đơn giản nhất có thể. 

Chỉ cần khai hải quan và giữ tờ giấy khai này. Sau khi sang cửa khẩu Ba Lan, nếu đói thì đề nghị công an hoặc người phụ trách hướng dẫn vào nơi ăn uống tạm. Sau đó, nếu không có ai đón thì thông báo nơi cần đến, ví dụ thủ đô Warsaw thì có xe hoặc tàu hỏa đưa đi miễn phí.

Với người đi xe buýt, xe cho họ xuống ở bãi, những người này đa số có người nhà đón ngay. Một số xe chạy thẳng đến các điểm tập trung như nhà văn hóa, nhà thờ, sân thể thao…

Chia sẻ với TTCT, anh Phương cho biết hiện anh đã vận động được nhiều bạn bè có nhà trống hoặc phòng dư để giúp chỗ ăn, ở miễn phí cho người Việt di tản từ Ukraine sang, riêng gia đình anh có một phòng đủ cho một gia đình nhỏ.

Anh cho biết: “Bên này đang là mùa đông, ban đêm lạnh âm 2 - 3 độ C, phải có chăn đệm đàng hoàng cho mọi người. Gia đình ăn gì thì mời mọi người như thế”.

Trước mắt, số lượng phòng và nhà đủ cho khoảng 100 người, nhưng mới có 3 người Việt Nam đã khai xong hải quan và đang chờ giúp đỡ để lên Warsaw.

Lều cứu trợ tại cửa khẩu Zosin-Uscilug

Chị Hà Thị Huệ Chi cho biết chị làm nội trợ, nhưng những ngày qua đã tham gia làm điều phối, giúp mua đồ, tìm tình nguyện viên chở đồ cứu trợ lên cửa khẩu. Chị cho biết qua công việc thiện nguyện này, chị cảm nhận được sự đoàn kết của các dân tộc khác. 

2. Hàng hóa tập kết tại sân nhà anh Phan Châu Thành để mang lên đến cửa khẩu ủng hộ người từ Ukraine sang. Ảnh: Phan Châu Thành

“Riêng người Việt cũng rất đáng ngưỡng mộ. Hiện chúng tôi nhận được sự hỗ trợ không chỉ từ người Việt ở Ba Lan mà cả cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Czech, Thụy Điển, các cá nhân từ Việt Nam, Áo, Ý và Canada”.

Theo chị Chi, ban đầu quần áo gửi về rất nhiều nhưng nhu cầu không cao nên hiện nhóm đang ngưng tiếp nhận. 

Theo khảo sát nhu cầu tại cửa khẩu, các đồ dùng cần thiết là thực phẩm ăn liền, xúc xích đóng gói, bánh quy, trái cây đóng hộp, bánh kẹo ngọt, bánh mì, túi đựng đồ, cà phê uống liền, nước uống, vớ mang mùa đông, chăn, túi ngủ, quần áo lót, tã cho trẻ em. 

Thời tiết ở cửa khẩu khắc nghiệt, các lực lượng làm nhiệm vụ cũng ngỏ lời cần thêm vớ nam, quần lót nam, khăn tắm, túi ngủ và áo ấm mùa đông.

Theo anh Ngọc Vũ, một tình nguyện viên của nhóm Uwaga - người Việt ở Ba Lan, một trong ba người Việt đã lái xe mang đồ đi cứu trợ lên cửa khẩu Zosin-Uscilug, ngày 27-2 người đi đón người nhà tại cửa khẩu rất đông, xếp hàng cả 3km các ngả đường, dù trời rất lạnh. 

Đêm lạnh nên ly cà phê G7 là thứ rất đắt hàng vì giúp mọi người tỉnh táo.

Tại đây, có lực lượng cảnh sát hỗ trợ bố trí chỗ đậu xe cho các đoàn đến cứu trợ. Anh Vũ chứng kiến có nhiều nam thanh niên Ukraine mang balô về nước trong khi ở phía bên kia, phụ nữ và trẻ em chờ sang biên giới. Phía Ba Lan bố trí xe buýt chở họ sang, khoảng 30 phút hoặc có khi lâu hơn mới có một chuyến.

 
 Lều để hàng hóa của nhóm cộng đồng Uwaga - Người Việt ở Ba Lan tại cửa khẩu Zosin-Uscilug ngày 27-2. Ảnh: NGỌC VŨ

Zosin-Uscilug là một cửa khẩu hẻo lánh ở Ba Lan, người xếp hàng qua cửa khẩu này mất khoảng 20 giờ. Trong bán kính 16km cách cửa khẩu không có nhà cửa gì, người đi đón đều phải đứng hoặc ngồi trong xe. 

Phía bên kia cửa khẩu người đông, nên chính quyền và tình nguyện viên đang tìm cách gửi đồ tiếp tế sang phía Ukraine. 

Có một số về Ukraine và họ giúp mang đồ về. Anh Vũ cho biết người Ukraine không nghĩ là có người Việt Nam ở cửa khẩu, “nên họ chụp ảnh chíu chíu và làm hết mọi thứ. Việc của chúng tôi là tiếp tục mang thêm đồ đến vì cửa khẩu này tuy bé nhưng quá đông”.■

Một gia đình người Việt gồm 4 người lớn và 1 bé gái 6 tuổi đã sang được Ba Lan cho biết hiện nay, dù đến biên giới nào thì cũng rất đông người, ôtô tắc đến 15km hoặc hơn nên nếu đi thì phải thật kiên trì và quyết tâm không bỏ cuộc vì chờ đợi. 

Dọc đường đi ở Ukraine có người trợ giúp về đồ ăn, nhưng vẫn cần mang theo đồ ăn nước uống và thuốc cơ bản đủ dùng trong 2 - 3 ngày. Đến gần biên giới Ukraine, phụ nữ và con nhỏ sẽ được ưu tiên lên xe buýt ra cửa khẩu trước. 

Nếu đi ôtô thì chờ 1 - 3 ngày. Thủ tục tại cửa khẩu hai bên đều rất đơn giản nhưng thời gian xếp hàng rất lâu. Qua được biên giới thì có thể vào trại tị nạn hoặc lên xe lửa đi tiếp đến nhà người quen.

Anh Phương kể: “Tôi vào làm việc với người quản lý nhà thờ, họ tiếp đón chúng tôi và gọi người đến tiếp nhận đồ. Chúng tôi được chuyển đồ ăn vào một phòng chứa của nhà bếp, quần áo để riêng. Người quản lý nhà thờ nói: “Chúng tôi cảm ơn người Việt Nam các ông. Lần trước các ông cũng giúp chúng tôi, giờ các ông cũng giúp chúng tôi (lần trước là lần ủng hộ trong đại dịch COVID-19 - anh Phương giải thích). Tôi cười nói tôi giúp người Ukraine, ông là người giúp tôi chuyển cho họ, tôi cảm ơn ông. Hai người cười tươi vui vẻ”. 

“Tôi hỏi chuyện với một người Ukraine: 

- Ông đón vợ à?

- Tôi đón vợ và con gái 2 tuổi. Vợ tôi ở thành phố Rivne (tên cũ Rovno) cách đây 300km mà đi 2 ngày 2 đêm. Hiện họ đang cách cửa khẩu 900m. Một lúc sau vợ gọi nói hết xăng và không đổi được tiền, người này xin công an chạy sang giúp vợ và công an cho vào rất thoải mái”. 

Theo Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ngày 3-3, hơn một triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra ngày 24-2. 

Một số người phải đi bộ nhiều dặm trong đêm trong khi những người khác chạy trốn bằng tàu hỏa, ôtô, xe buýt và tất cả tạo thành những hàng dài nhiều km tại các cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng Ba Lan, Moldova, Hungary, Romania và Slovakia. Một số thậm chí còn trốn sang Belarus.

Những người ra đi chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Nam thanh niên 18 - 60 tuổi ở Ukraine thì đã được lệnh tổng động viên. 

UNHCR dự đoán có thể có đến 4 triệu người Ukraine phải tị nạn nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Ba Lan tuyên bố mở cửa biên giới cho người tị nạn từ Ukraine, kể cả người không có giấy tờ. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận