28/03/2020 09:24 GMT+7

Hỗ trợ lao động tự do sống qua mùa dịch

T.LONG - T.LÊ - Đ.BÌNH
T.LONG - T.LÊ - Đ.BÌNH

TTO - Ngày 27-3, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết về một số chế độ chính sách chi cho phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.

Hỗ trợ lao động tự do sống qua mùa dịch - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Bích Phương, giáo viên Trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ (Q.12, TP.HCM), cùng đồng nghiệp nấu nước sâm, chanh sả, cam vắt bán để kiếm thêm thu nhập từ lúc nghỉ dạy sau tết đến nay do dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, TP.HCM sẽ chi 2.700 tỉ đồng hỗ trợ chống dịch COVID-19, trong đó dành 1.800 tỉ giúp các đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh, cùng với đó là rất nhiều giải pháp cụ thể để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hỗ trợ người không có trợ cấp thất nghiệp 1 triệu/tháng

Theo nghị quyết, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. 

Thời gian hỗ trợ tối đa không quá ba tháng, tính từ tháng 4-2020. Dự kiến 600.000 người, bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ sẽ được hưởng chính sách này.

Người bị cách ly y tế, kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung (không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú - NV) và người điều trị COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh TP.HCM được hỗ trợ mức 90.000 đồng/người/ngày. 

Công an, quân đội và lực lượng tham gia phòng chống dịch 90.000 đồng/người/ngày. Nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch mức 120.000 đồng/ người/ngày.

Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập và công nhân vệ sinh trực tiếp tham gia chống dịch được hỗ trợ 3 cái khẩu trang/người/tháng.

Dự kiến tổng nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động, chế độ hỗ trợ công tác phòng chống dịch khoảng 2.700 tỉ đồng.

Hỗ trợ lao động tự do sống qua mùa dịch - Ảnh 2.

Dữ liệu: TIẾN LONG - Đồ họa: T.ĐẠT

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Báo cáo tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 27-3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết theo đánh giá của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu COVID-19 kéo dài thêm 6 tháng nữa, 60% doanh nghiệp (DN) giảm doanh thu 50%; gần 74% DN được khảo sát cho biết có nguy cơ phá sản. Việc DN đóng cửa sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu hộ gia đình.

Tuần tới, TP sẽ thành lập tổ công tác để nghiên cứu ban hành cẩm nang "Kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh" nhằm hướng dẫn, hỗ trợ DN. 

Làm cầu nối giúp DN, tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi các gói hỗ trợ của Chính phủ như: hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng; hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỉ đồng... Tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của DN để tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ DN và người lao động gặp khó khăn.

Trước mắt, TP thực hiện ngay việc hỗ trợ gia hạn nộp thuế, nộp hồ sơ khai thuế. Xem xét việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, gia hạn nộp hồ sơ khai thuế và gia hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 đến ngày 30-6-2020 (kéo dài thêm 3 tháng so với quy định). 

Các hộ, cá nhân phải tạm ngưng kinh doanh do quyết định của cơ quan nhà nước được cơ quan thuế hướng dẫn nộp thông báo và ban hành quyết định miễn giảm thuế tương ứng với thời gian tạm ngưng kinh doanh. Số tiền thuế khoán được miễn giảm thuế được tính trọn tháng bị ảnh hưởng của việc tạm ngưng kinh doanh.

UBND các quận, huyện, hội đồng tư vấn thuế phường, xã và ban quản lý chợ phối hợp với cơ quan thuế khảo sát thực tế doanh thu của các hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đánh giá chính xác mức sụt giảm để đề xuất mức điều chỉnh giảm thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh. 

Điều chỉnh ngay doanh thu khoán cho hộ, cá nhân kinh doanh theo tỉ lệ giảm thực tế. Thực hiện tốt việc kết nối ngân hàng với DN, ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ DN đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi hết dịch. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Lao động tự do được vay 30 triệu đồng với lãi suất thấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-3, ông Đào Ngọc Dung - bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho biết đang thống kê số liệu về lao động tự do, lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh... bị ảnh hưởng, để giúp họ vượt khó.

Theo đó, về chính sách tín dụng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: đối với người lao động, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với thời hạn vay tối đa là 12 tháng, lãi suất 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

"Việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/người và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở. Số tiền huy động cần khoảng 20.000 tỉ, do vậy kinh phí cấp bù lãi suất khoảng 800 tỉ đồng" - ông Dung cho biết.

Còn theo lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nhóm lao động tự do, phi chính thức chưa thể đánh giá hết, hiện cơ quan này cùng các địa phương vẫn đang khẩn trương khảo sát để đánh giá mức độ ảnh hưởng, từ đó mới họp bàn để đưa ra các chính sách hỗ trợ trúng và đúng, bởi "nguồn lực thì cũng có hạn, nên chính sách hỗ trợ cần trúng, đúng và công bằng".

Ông Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Nên giảm 50% tiền điện, nước, thẻ cào cho người nghèo

Hiện có hàng vạn người lao động đang mất việc bị giảm hoặc mất thu nhập do dịch COVID-19, nhưng không được hỗ trợ như người đi làm công ty, hưởng lương ngân sách. Vì vậy, cần có ngay chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để họ tạm thời duy trì cuộc sống cho qua mùa dịch.

Nhiều nước cũng đã có trợ cấp trực tiếp cho người mất thu nhập, bên cạnh gói hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế. Như Chính phủ Mỹ cấp 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em, tức mỗi gia đình 4 thành viên nhận được 3.400 USD để người dân có thể sống qua ngày. Singapore cũng cấp 800 USD trong ba tháng cho người mất việc.

Chúng ta chưa đủ điều kiện trợ cấp trực tiếp và việc thực hiện cũng phức tạp vì phần lớn người nghèo không có tài khoản ngân hàng, trong khi chi bằng tiền mặt phức tạp và không phù hợp cho chống dịch.

Vì vậy Nhà nước nên có chủ trương giảm bớt khó khăn cho họ bằng cách giảm trực tiếp 50% hóa đơn tiền điện, tiền nước, Internet trong những tháng mất việc do dịch COVID-19.

Mất việc, không có thu nhập, phải ở nhà lên mạng, dùng điện, rửa tay nhiều hơn nên hóa đơn tiền điện, nước, thẻ cào sẽ cao hơn các tháng khác. Giảm được khoản này, cộng với chủ nhà trọ giảm hoặc miễn tiền thuê nhà là rất có ý nghĩa cho người nghèo.

Ông Lê Quang Trung (nguyên phó cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH):

Cần quan tâm tới người lao động tự do

Chính phủ cần có ngay các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó quan tâm tới những lao động phi chính thức, lao động tự do. Việc hoãn hay miễn đóng các loại bảo hiểm cho lao động chính thức là rất cần.

Còn lao động phi chính thức cũng phải có các gói hỗ trợ riêng, chẳng hạn như cho vay với lãi suất thấp, thậm chí lãi suất bằng không để người lao động có phương án chuyển đổi nghề.

Khi được vay vốn, địa phương sẽ phải hỗ trợ họ việc định hướng sản xuất, kỹ thuật, quản lý vốn vay, thị trường... để họ phát triển sản xuất, gắn bó với địa phương, hạn chế được tình trạng lao động di cư, giảm áp lực lên các thành phố lớn.

ĐỨC BÌNH ghi

Các nước hỗ trợ lao động tự do như thế nào?

khu am thuc

Một khách bộ hành đi ngang qua khu phố ẩm thực Chinatown vắng hoe ở Singapore hôm 24-3 - Ảnh: Bloomberg

Anh: Người lao động tự do sẽ được hỗ trợ đến 80% thu nhập trung bình mỗi tháng trong 3 năm gần nhất, tối đa 2.500 bảng Anh, theo gói hỗ trợ khẩn cấp của chính quyền.

Singapore: Lao động tự do đủ điều kiện sẽ nhận được 1.000 đôla Singapore mỗi tháng bằng tiền mặt trong 9 tháng.

Đức: Hỗ trợ người lao động tự do (doanh nghiệp 1 người) 2.500 euro.

New Zealand: Lao động tự do được hứa hỗ trợ nhưng chưa rõ chi tiết.

Hà Lan: Lao động tự do có thể đăng ký nhận trợ cấp sinh hoạt trong 3 tháng. Chính phủ sẽ hỗ trợ thu nhập của họ theo mức lương tối thiểu, không cần hoàn trả.

Pháp: Hỗ trợ 1.500 euro cho doanh nghiệp nhỏ, người lao động tự do nhưng chưa rõ chi tiết.

Mỹ: Dự kiến mỗi người Mỹ trung lưu và thu nhập thấp sẽ được nhận 1.200 USD trong gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ vừa được thượng viện thông qua. Dự kiến gói cứu trợ 2.000 tỉ USD cũng sẽ được hạ viện và Tổng thống Donald Trump thông qua.

Canada: Người lao động có thể được trợ cấp từ 1.375 đôla Canada hoặc tối đa 25.000 đôla Canada cho doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, cho đến nay nước này chưa có thông báo nào về việc hỗ trợ cho lao động tự do.

HỒNG VÂN tổng hợp

Người lao động cách ly vì COVID-19 vẫn được hưởng lương Người lao động cách ly vì COVID-19 vẫn được hưởng lương

TTO - Người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch COVID-19, như phải đi cách ly, thì vẫn được hưởng lương bình thường.

T.LONG - T.LÊ - Đ.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên