Phóng to |
Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ để đưa sản phẩm mới ra thị trường. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất xúc xích tiệt trùng công nghệ Nhật Bản của Công ty Vissan tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Bà Vũ Kim Hạnh - Ảnh: T.Đạm |
* Cần hiểu công nghệ trong dự án này như thế nào?
- Chúng ta vẫn cứ ám ảnh rằng công nghệ là thiết bị, là kỹ thuật và đổi mới công nghệ là đổi mới thiết bị. Nhưng nếu đứng trên quan điểm công nghệ là quản trị theo kiểu mới, là sự phối hợp chung của nhiều yếu tố, từ phần cứng, phần mềm, quy trình, dây chuyền... thì thấy nó bao trùm hết hoạt động sản xuất, kể cả kinh doanh. Như vậy thay vì làm xúc tiến thương mại, chúng ta giải quyết vấn đề căn cơ hơn của cạnh tranh đó là đổi mới công nghệ và quản trị.
Từ những lý do đó, chúng tôi bắt đầu manh nha ý tưởng xây dựng đề án để giúp doanh nghiệp tiếp cận được với công nghệ và quản trị kiểu mới. Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao và Bộ Khoa học & công nghệ đã cùng hợp tác thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ và quản trị trong doanh nghiệp. Bước đầu tiên là sẽ khảo sát thực trạng, chụp lại tất cả những vướng mắc, tìm cách tháo gỡ bằng các chính sách. Vẫn đặt trước là công nghệ, vì không có công nghệ thì khó có sản phẩm mới. Sản phẩm mới cạnh tranh được hay không tùy thuộc rất nhiều vào công nghệ.
* Cuộc khảo sát đối với 180 doanh nghiệp trong tháng 9-2013 của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy chưa đến 20% doanh nghiệp có tổ chức bộ phận R&D đúng nghĩa. Bà nghĩ gì về kết quả này?
- Khảo sát nào cũng có giới hạn. Cuộc khảo sát được thực hiện vào bối cảnh doanh nghiệp đang ở trong cơn lốc để giải quyết những vấn đề của họ nên có khá nhiều doanh nghiệp bị lúng túng khi nhóm khảo sát đặt câu hỏi về một vấn đề quan trọng: đổi mới công nghệ. Ai cũng hiểu đổi mới công nghệ sáng tạo là vấn đề căn cơ, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp và họ muốn phát triển bền vững nhưng lại đang mắc kẹt trong tầm nhìn ngắn hạn với việc chật vật xoay đồng vốn từng ngày, làm sao để bán được hàng... Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp đủ tĩnh tại để nói rằng “Chết sống gì cũng phải dành kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học”. Con số doanh nghiệp như vậy không nhiều.
* Với những thực trạng đó, dự án sẽ được triển khai như thế nào cho phù hợp, thưa bà?
- Chúng tôi sắp ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đã có gần 100 doanh nghiệp đăng ký. Câu lạc bộ sẽ thực hiện những chương trình truyền thông, đi tìm những doanh nghiệp triển vọng để giới thiệu, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đó trong quá trình đổi mới công nghệ, quản trị. Ít nhất hai tháng các viên chức, chuyên gia của cơ quan quản lý các cấp về khoa học và công nghệ sẽ gặp gỡ doanh nghiệp, hỗ trợ, giải đáp những vấn đề tư vấn, thủ tục..
Khi hội ký thỏa thuận khung với bộ, dự án đã quyết định sẽ tập trung hỗ trợ ngay cho một số doanh nghiệp về vốn, hỗ trợ công nghệ cũng như tư vấn nhiều mặt. Hiện nay một số doanh nghiệp đã bắt đầu được tiếp cận sự hỗ trợ này.
* Kết quả cuối cùng mà chương trình hướng đến là gì?
- Chúng tôi mong nhất doanh nghiệp có thể cho ra những sản phẩm nhờ những ứng dụng công nghệ mang lại, trước là cho doanh nghiệp, sau đó là người tiêu dùng. Vị giám đốc Minh Long 1 nói với chúng tôi nếu không có công nghệ thì không thể hạ giá thành sản phẩm được. Doanh nghiệp này đã dùng công nghệ để có thể tiết kiệm phế phẩm sản xuất, có năng suất vượt bậc, từ đó cho ra những sản phẩm có giá thành bình dân hơn trước đây. Sắp tới năm 2015, VN mở cửa thị trường, các sản phẩm ASEAN sẽ tràn vào VN, thị trường nội địa và quốc tế lúc đó là một, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn nữa.
Thông qua khảo sát, lâu nay doanh nghiệp vẫn lặng lẽ đầu tư cho công nghệ. Chỉ có 10% doanh nghiệp có quan hệ với các trường học, viện nghiên cứu để đặt hàng hay mua những công nghệ, thường doanh nghiệp thích mua công nghệ có sẵn và ưu tiên chọn của nước ngoài. Do đó phát sinh vấn đề mua xong thì việc vận hành gặp khó khăn, không có nhiều thông tin về công nghệ. Những thông tin này nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu rất nhiều. Bên có thông tin không biết đưa cho ai, trong khi bên tìm lại không biết tìm ở đâu. Dẫn đến doanh nghiệp dễ bị mua hớ giá vì không ai biết định giá công nghệ, mua nhầm đồ cũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận