Người lao động khu vực quận 9, Thủ Đức (TP.HCM) tham dự buổi tư vấn tuyển sinh cao đẳng, đại học hệ vừa học vừa làm tại Nhà văn hóa Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Vũ Thủy |
Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi (Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động):
Từng bước cải thiện mức lương
Theo số liệu khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn (thuộc Tổng liên đoàn Lao động VN) năm 2016, tiền lương cơ bản trung bình của người lao động tại TP.HCM là 4,664 triệu đồng. So với mức lương đủ sống được chúng tôi tính toán theo phương pháp nghiên cứu Anker là 6,435 triệu đồng/tháng, người lao động tại TP.HCM muốn sống ở mức đàng hoàng tối thiểu thì phải cần thêm xấp xỉ 1,8 triệu đồng, tương đương 30%.
Kết quả nghiên cứu mức lương đủ sống của chúng tôi không phải là nhằm đưa ra mức lương tối thiểu mới, bắt ép doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động đủ sống ở mức này.
Chúng tôi muốn cho thấy khoảng cách giữa lương đủ sống và lương thực tế của người lao động, từ đó có thể đưa ra những khuyến nghị cho giới chủ, trước hết là những nhãn hàng toàn cầu thấy được trách nhiệm của mình để từng bước cải thiện mức sống của người lao động thông qua việc xác định đơn giá gia công, sản xuất hợp lý hơn, có những phúc lợi ngoài lương dành cho người lao động và gia đình họ.
Các cấp công đoàn cũng nên coi mức lương đủ sống là một căn cứ tham khảo để đàm phán, thương lượng với giới chủ nâng dần mức lương trả cho người lao động.
PGS.TS Vũ Quang Thọ (viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - Tổng LĐLĐ VN):
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Hội đồng tiền lương quốc gia của Nhà nước, trong đó có đại diện của Tổng LĐLĐ VN, đã đặt ra lộ trình từ nay đến năm 2018, tiền lương công nhân sẽ tiếp cận mức sống tối thiểu. Nhưng từ thực tế đấu tranh cho lương tối thiểu lâu nay, chúng tôi thấy để tăng lương đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động vẫn là thách thức.
Vì vậy trước mắt, người lao động vẫn chưa có giải pháp nào hơn là bán sức lao động của mình càng nhiều càng tốt để tăng thu nhập thông qua việc làm thêm giờ, tăng ca. Nhưng hiện việc làm thêm giờ đang bị chặn bởi quy định của Luật lao động sửa đổi khống chế thời gian làm việc thêm giờ của người lao động bình quân không được quá 200 giờ/năm, đối với những ngành đặc thù không quá 300 giờ/năm.
Do đó, nhiều người lao động mong muốn là nếu doanh nghiệp có việc làm, có nhu cầu thì hãy tạo điều kiện cho người lao động tạo ra thu nhập chính đáng bằng sức lao động của mình.
Chúng tôi kiến nghị trong điều kiện chưa thể tăng lương đồng loạt với lý do doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả thì Nhà nước, doanh nghiệp, chính quyền địa phương tại các nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải thực hiện được những giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân và con cái họ, cũng là thực hiện những chính sách an sinh xã hội như có chính sách hỗ trợ tiền xe hoặc phương tiện giao thông công cộng cho công nhân đi làm; xây dựng đủ trường học, nhất là trường mầm non, nhà trẻ để đón nhận con em công nhân vào học.
Bên cạnh đó, phải cải thiện ngay chất lượng bữa ăn giữa ca cho công nhân, ít nhất cũng phải đảm bảo mức quy định tối thiểu là 15.000 đồng/người.
Một giải pháp cực kỳ quan trọng và có tầm nhìn lâu dài là Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương phải cùng phối hợp xây dựng những khu nhà trọ, chung cư giá rẻ cho người lao động thuê. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách thuế, cho vay vốn ưu đãi, địa phương cấp đất và cùng với doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng.
Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ phải dành đất xây dựng các khu phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của công nhân như có nhà văn hóa, sân tập thể thao...
Chú trọng đào tạo để tăng năng suất Để xoay xở cuộc sống trong đồng lương eo hẹp, đại đa số người lao động phổ thông phải chấp nhận cắt giảm những nhu cầu thiết yếu như thu hẹp không gian sống, bỏ qua nhu cầu vui chơi giải trí, thậm chí là hạn chế các cuộc thăm viếng người thân... Bên cạnh đó, không ít người lao động đã tìm cách tăng thu nhập bằng làm thêm ngoài giờ, làm cả ngày nghỉ. Lý do rất đơn giản: “Không tăng ca sao đủ sống?”. Về phía doanh nghiệp, khi nhận ra lương tối thiểu mỗi năm đều tăng trong khi năng suất lao động không tăng tương ứng, bài toán chi phí nhân công được đặt ra: thay vì thuê 3 lao động làm việc theo giờ tiêu chuẩn, chỉ cần tuyển 2 lao động chấp nhận làm thêm 50% thời giờ làm việc hằng ngày, lượng công việc giải quyết là như nhau với chi phí tối ưu hơn. Với cường độ làm việc cao, cộng thêm điều kiện sống kham khổ, người lao động bị vắt kiệt sức lao động, không còn thời gian học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề... và sớm bị đẩy từ nhóm lao động được chào đón sang nhóm lao động phải chấp nhận bất cứ công việc nào khi bước vào độ tuổi trung niên. Như vậy, sự nỗ lực của lao động trẻ thay vì vượt qua được giai đoạn khó khăn lại khiến họ gặp khó khăn nhiều hơn khi sức khỏe và năng suất lao động theo hướng ngược chiều với tuổi tác. Vậy giải pháp nào cho người lao động đang có thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức sống tối thiểu hiện nay? Trước hết, phải xác định: tăng lương tối thiểu không phải là giải pháp để nâng cao mức sống, bởi khi lương tăng thì doanh nghiệp đều tính vào giá thành sản phẩm và vì thế giá cũng tăng theo. Thứ đến, phải tìm cách tăng năng suất lao động mà không phải là tăng cường độ lao động, nói đơn giản hơn là tìm giải pháp nâng cao trình độ lao động để cùng một thời gian làm việc nhưng lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn chứ không phải tăng hao phí sức hoặc kéo dài thời gian làm việc để có nhiều sản phẩm hơn. Muốn như vậy, phải chú trọng công tác đào tạo tại doanh nghiệp. Nhà nước cần xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp đặc thù của từng ngành nghề và có chính sách hỗ trợ để người lao động được tham gia. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý những doanh nghiệp cố ý huy động làm thêm giờ vượt tiêu chuẩn, để người lao động có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Và cuối cùng, công tác xác định, dự báo nhu cầu đào tạo cần chính xác nhằm định hướng nghề nghiệp trong thanh niên, tránh tình trạng học xong rồi cất bằng cấp, đi làm công việc không liên quan, vừa lãng phí cho xã hội vừa làm thui chột tinh thần học tập trong cộng đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận