10/03/2022 08:44 GMT+7

Hỗ trợ 1 tỉ đồng cho giáo sư về trường chuyên

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Ngày 9-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Chương - phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - xác nhận đã trình dự thảo nghị quyết chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên lên HĐND tỉnh.

Hỗ trợ 1 tỉ đồng cho giáo sư về trường chuyên - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) trong giờ trình diễn thí nghiệm khoa học - Ảnh: WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Ông Chương cho biết dự thảo nghị quyết được trình với nội dung có chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên về trường THPT chuyên đối với GS, PGS là 1 tỉ đồng/người; tiến sĩ là 300 triệu đồng/người, cam kết công tác trong 10 năm.

Không đãi ngộ phù hợp không thu hút được

"UBND tỉnh đã trình lên HĐND tỉnh và đang chờ kỳ họp tháng 6, 7 tới để HĐND xem xét. Khi được HĐND tỉnh thông qua, UBND sẽ thể chế thành chính sách chung của tỉnh" - ông Chương thông tin. 

Chia sẻ thêm về mục đích đề xuất, ông Chương nói: "Xuất phát từ mục tiêu muốn đưa giáo dục mũi nhọn cũng như giáo dục đại trà của tỉnh tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế tại địa phương. Tỉnh Hòa Bình nằm sát thủ đô Hà Nội, là nơi cần nguồn nhân tài ở đô thị lớn. 

Nếu mình không có chính sách đãi ngộ tương đối phù hợp với điều kiện phát triển xã hội thì không thu hút được".

Trước đó, báo cáo của Sở GD-ĐT Hòa Bình (về đánh giá tác động của nghị quyết HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù với trường THPT chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực) nêu ra 5 chính sách. 

Trong đó, chính sách số 5 là chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên.

Sở này nêu ra bất cập là hiện số giáo viên tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dạy các môn chuyên và tham gia ôn luyện đội tuyển quốc gia còn hạn chế. 

Đồng thời, nhiều sinh viên xuất sắc đang theo học, đã tốt nghiệp ở các trường đại học sư phạm trên cả nước nhưng không lựa chọn công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh. 

Đặc biệt, trường chuyên chưa có giáo viên trình độ GS, PGS gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực.

Theo đó, Sở GD-ĐT đề xuất giải pháp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hệ chính quy nhận công tác tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ được hỗ trợ đi học nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước, với mức hỗ trợ: 100 triệu đồng/người, cam kết công tác ít nhất 10 năm tại trường sau khi hoàn thành khóa học...

Quan trọng là năng lực

PGS.TS Nguyễn Văn Dửng - nguyên trưởng khoa báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền - nhận định: "Có chính sách như vậy là điều tốt, đặc biệt các tỉnh miền núi khó khăn. Nhưng có nhiều chính sách đặt ra câu hỏi khó giải đáp và băn khoăn là nó có thật. 

Người có học hàm nhưng chưa đi dạy bao giờ, dạy đại học chưa chắc đã hay đã giỏi chứ đừng nói là trường chuyên. Và bằng tiến sĩ cũng thế".

Theo ông Dửng, những giáo viên dạy trường này, trường kia, ngành này kia họ có năng lực thật sự cứ mời về. "Việc gì phải đưa ra bằng cấp, trong khi bằng cấp ở nước ta cũng rất lắm chuyện. 

Người tuyển thu hút về là người có năng lực tốt, hành nghề 3-5 năm trở lên, ở trung tâm đô thị giờ về hành nghề ở tỉnh cũng là giải pháp. Đưa ra học hàm học vị khiến xã hội đặt câu hỏi. Bằng cấp phải học thật nghiên cứu thật thì đi dạy mới thật sự giỏi. 

Điều này khiến tôi cũng nghi ngờ. Không phải tôi nghi ngờ về lòng tốt mà nghi ngờ về chính sách thả mồi bắt bóng" - ông Dửng nói thêm.

Trong khi đó, ông Châu Thế Hữu, giảng viên môn tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, cho rằng dạy học hiệu quả xuất phát từ quá trình truyền đạt kiến thức từ người dạy sang người học, dựa trên phương pháp phù hợp. 

"Trong khi đó chức danh, học hàm, học vị... của người dạy giống như "chiếc áo" khoác thêm bên ngoài. Có được "chiếc áo" ấy là kết quả của việc đào sâu chuyên môn, nghiên cứu của một người nhưng điều đó không thể chứng minh rằng người đó có phương pháp dạy học phù hợp với người học. 

Vì vậy, việc lựa chọn người đứng lớp không nên chỉ căn cứ vào chức danh, học hàm, học vị của họ. 

Các cơ sở giáo dục cần dựa vào thâm niên công tác, kinh nghiệm đứng lớp và những thành tựu đạt được của họ trong giảng dạy; chẳng hạn như đã đứng bao nhiêu lớp, hiệu quả các lớp ra sao (điểm số, thành tích của người học trong các cuộc thi qua các năm, đánh giá của người học...)" - ông Hữu nói.

* Ông NGÔ VĂN HUẤN (nhà nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM):

Đột phá trong thu hút nguồn nhân lực

Đây là một trong những chính sách và cách làm mang tính đột phá rất lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực, góp phần nâng cao phần nào chất lượng giáo dục phổ thông của địa phương. Tuy nhiên, đề xuất này nếu phân tích ở góc độ chi phí lợi ích sẽ còn rất nhiều hoài nghi về mức độ hiệu quả và thành công.

Thứ nhất, phần lớn những người học vị GS, PGS, TS hiện nay ở VN đang làm việc trong các trường đại học.

Vì vậy sẽ không thực tế nếu cho rằng khi đội ngũ này về giảng dạy ở các trường chuyên cấp tỉnh. Đội ngũ này còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Chính vì vậy khi họ làm việc trong môi trường ở trường phổ thông thì thế mạnh nghiên cứu khoa học sẽ không có cơ hội để phát huy.

Và như thế chúng ta có thể đang không khai thác hết tiềm năng nhân lực chất lượng cao từ các nhà khoa học. Đặc biệt, chính sách này rất có thể sẽ bị phản tác dụng, đó là tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục "mượn tên" các nhà khoa học để quảng bá và nâng cao danh tiếng.

Hòa Bình hỗ trợ 1 tỉ đồng cho giáo sư, phó giáo sư về dạy ở trường chuyên Hòa Bình hỗ trợ 1 tỉ đồng cho giáo sư, phó giáo sư về dạy ở trường chuyên

TTO - Ông Nguyễn Văn Chương, phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, xác nhận đã trình dự thảo nghị quyết chế độ thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên lên HĐND, đợi kỳ họp sắp tới để thông qua.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên