Hàng trăm ha hoa màu, cây trồng có nguy cơ mất trắng do dự án tích nước khi chưa bồi thường - Ảnh: TR.TÂN
Đến sáng 21-8, nhiều khu dân cư, trồng hoa màu, lúa của người dân xã Cư San (huyện M'Đrắk, Đắk Lắk) vẫn chìm trong biển nước trắng xóa.
Dự án chậm tiến độ vẫn rối trong giải phóng mặt bằng - VIDEO: TR.TÂN
Tích nước bất ngờ
Nguyên nhân của sự cố là vì đầu tháng 3-2020, hồ thuỷ lợi Krông Pách thượng thi công đập chắn chính nhưng các diện tích đất của người dân chưa bồi thường, hỗ trợ di dời. Nay mưa xuống bất ngờ, tất cả chìm trong biển nước, làng xóm bị cô lập.
Đỉnh điểm của sự việc xảy ra vào sáng 17-8, hàng chục hộ dân bị ngập đất, hoa màu đã kéo lên khu vực đập chặn dòng số 1 yêu cầu chủ đầu tư giải quyết việc ngập úng. Trước tình huống có thể dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh trật tự, ban ngành địa phương đã vào cuộc, đưa ra các giải pháp tạm thời để yên lòng người dân...
Ngụp lặn trong nước lũ cắt từng nắm lúa non, ông Giàng Seo Chúng (thôn 11, xã Cư San) xót xa vì nước lũ đã cướp mất mùa thu hoạch do hồ thủy lợi Krông Pách thượng đắp đập, chặn dòng mà chưa bồi thường, hỗ trợ dân di dời.
Chặn dòng để tích nước - Ảnh: TR.TÂN
"Nước dâng bất ngờ, cả làng bị ngập, cô lập. Thu hoạch cũng chỉ để vớt vát chứ lúa còn non lắm nhưng không thu thì mất trắng", ông Chúng nói.
Theo thống kê của UBND xã Cư San, hiện đã có 40ha cây trồng của 3 thôn trong vùng lòng hồ Krông Pách thượng bị nhấn chìm.
Còn ông Trương Đình Liên, giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện M’Đrắk, xác nhận việc chặn dòng khiến 2 xã bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ của thủy lợi Krông Pách thượng. Thời gian ngắn tới đây, diện tích sẽ bị ngập khoảng 800ha với 700 hộ dân với 4.000 người sinh sống.
Việc ngăn dòng khi chưa bồi thường khiến nhiều diện tích cây trồng của dân bị mất trắng. Không những vậy, việc kiểm kê sau này sẽ rất khó khăn - Ảnh: TR.TÂN
11 năm chưa giải phóng xong mặt bằng
Cũng theo ông Liên, việc để hoa màu, tài sản dân bị ngập nước là do việc bồi thường giải phóng mặt bằng quá chậm. Tuy nhiên lỗi này không phải do huyện mà vì Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) không làm hết chức trách.
Đây là hồ thủy lợi 4.400 tỉ đồng hơn 11 năm chưa giải phóng mặt bằng gây bức xúc tại địa phương nhiều năm qua. Theo ông Liên, đến nay Ban A vẫn chưa hoàn thành việc thuê tư vấn để đo vẽ trích lục, bản đồ giải thửa phục vụ lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng tại địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Quang Vượng - giám đốc Ban 8, chủ đầu tư dự án - cho biết các giải pháp đưa ra trong tình huống nước đã ngập hoa màu, tài sản của dân là khơi thông cống dẫn dòng, làm cầu tạm... để rút bớt nước, cứu hoa màu tài sản của dân.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là giải pháp tạm thời, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể, tổng thể...
Người dân phải dầm mình gặt lúa non vì công tác bồi thuường có tắc trách - Ảnh: TR.TÂN
Ông Vượng cho rằng rủi ro với người dân vùng lòng hồ sẽ còn khó lường hơn nữa trong thời gian tới mưa còn kéo dài với lưu lượng lớn hơn nhiều hiện nay. "Khi mùa mưa đến sẽ ngập cả nhà dân, lúc bấy giờ chỉ có trời cứu", ông Vượng lo lắng.
Theo ông Vượng, để dân phải đối mặt với nguy hiểm như hiện nay là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của tỉnh Đắk Lắk tại vùng lòng hồ Krông Pách thượng quá chậm. Ông Vượng nói thêm tháng 3-2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phê duyệt kế hoạch chặn dòng, thi công vượt lũ công trình đập chính của dự án.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cam kết trước tháng 11-2020 phải hoàn thành toàn bộ diện tích phải bồi thường hơn 800ha... tại khu vực lòng hồ nhưng nay đề đất đai, hoa màu của dân ngập nước khi chưa bồi thường, hồ trợ di dời...
Theo ông Vượng, việc giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện nên đơn vị chỉ còn cách chờ, không biết làm gì hơn...
Suốt những năm qua, đại công trường ngàn tỉ vẫn vừa làm, vừa chờ mặt bằng - Ảnh: TR.TÂN
Về giải pháp, ông Lê Đình Chiến - phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar - cho biết huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng do bí thư huyện ủy làm trưởng ban để hỗ trợ Ban A.
Theo đó, 5 tổ công tác sẽ về các địa phương nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để có tham mưu hợp lý. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 100ha chưa bồi thường, nhiều diện tích đã bị ngập nên công tác kiểm kê sẽ gặp khó khăn.
"Tuy nhiên Ban chỉ đạo của huyện sẽ bằng mọi cách kiểm kê như chờ nước cạn để kiểm đếm, nơi nào ngập vĩnh viễn thì lội xuống kiểm tra để đảm bảo quyền lợi của dân nhưng không bị trục lợi việc bồi thường", ông Chiến nói.
Dự án hồ chứa nước Krông Pách thượng (Đắk Lắk) là công trình đặc biệt quan trọng với mục tiêu sẽ tưới tiêu cho 14.900ha, cấp nước cho gần 73.000 hộ dân ở địa phương.
Dự án được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 2.993 tỉ đồng, chiếm gần 2.300ha đất, 663 hộ dân phải di dời.
Dự án nghìn ti gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng - Ảnh: TR.TÂN
Dự án gồm hai công trình là hồ chứa nước Krông Pách thượng (công trình đầu mối) và hồ chứa nước Ea Rớt phục vụ di dân, tái định cư.
Dự án được chia làm hai hợp phần gồm xây lắp do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; hợp phần giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư với tổng số tiên đã điều chỉnh hơn 1.800 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận