Phóng to |
Ông Trần Thanh Hoàng và bộ hồ sơ bị xã bỏ quên suốt 17 năm qua - Ảnh: V.TR. |
Ông Lê Ngọc Hưởng - phó bí thư Đảng ủy xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú - kể mới đây trong lúc tìm kiếm tài liệu của tổ chức Đảng, ông tình cờ thấy một xấp giấy mỏng đã ngả màu vàng nằm dưới đáy tủ. “Tôi thấy lạ nên lấy ra đọc kỹ từng tờ. Đọc gần hết thì phát hiện đây là hồ sơ đề nghị công nhận thương binh của ông Trần Thanh Hoàng. Tôi rất bất ngờ và bức xúc vì thời gian qua ông Hoàng liên tục tới gặp tôi và lãnh đạo xã hỏi hồ sơ của ông giờ đang ở đâu mà không ai biết để trả lời” - ông Hưởng kể.
"Tôi đến xã hỏi thì được trả lời đã chuyển lên huyện rồi, cứ chờ từ từ họ sẽ giải quyết. Tôi tiếp tục chờ mấy năm nữa vẫn không thấy tin tức gì nên lại lên xã hỏi thì vẫn được trả lời là đã chuyển hồ sơ của tôi lên huyện. Tức mình, tôi lên huyện hỏi thì họ bảo không thấy hồ sơ của tôi. Đi tới đi lui hoài mệt mỏi quá nên tôi bỏ luôn" |
Từ phát hiện tình cờ này, ông Hưởng chỉ đạo văn phòng đảng ủy mời ông Trần Thanh Hoàng đến để hỏi đầu đuôi câu chuyện về bộ hồ sơ bị bỏ quên này. Ông Hoàng bước vào văn phòng đảng ủy xã với những bước chân rất khó nhọc. Ông kể chân phải ông đã bị gãy ngay khớp gối khi chiến đấu ở địa bàn tỉnh Long An vào năm 1969. Đến ngày 9-5-1996, ông làm tờ khai gửi lên xã, huyện xin được khám để xác định tỉ lệ thương tật và hưởng chế độ chính sách dành cho thương binh. Hồ sơ của ông có hai tờ làm chứng của hai đồng đội ở cùng đơn vị chiến đấu và cùng ở tù chung ngoài đảo Phú Quốc là ông Trần Văn Đường và ông Phạm Minh Chiến (ngụ xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) xác nhận.
Theo đó, ông Hoàng tham gia cách mạng từ năm 1963. Ngày 2-3-1968 ông bị thương ở đầu và đầu gối chân phải trong trận đánh ở xã Hiệp Phước (huyện Cần Giuộc, Long An). Lúc này ông là thượng sĩ, trung đội phó trinh sát thuộc tiểu đoàn D.265. Sau khi điều trị vết thương lành hẳn, ông trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đến ngày 18-2-1969, trong một trận đánh cũng tại xã Hiệp Phước, ông bị thương và bị địch bắt đưa vào trại giam Biên Hòa (Đồng Nai) rồi tiếp tục đưa ra nhà tù ở Phú Quốc. Gần sáu năm sau, tháng 3-1973 ông được trao trả tại Thạch Hãn (Quảng Trị) và được đưa về Hà Nội an dưỡng. Năm 1974 ông về Bến Tre tiếp tục tham gia chiến đấu.
Ông Hoàng chậm rãi kể tiếp: “Tôi gửi hồ sơ lên xã ngày 9-5-1996 thì ngày 10-5-1996 lãnh đạo xã xác nhận xong có thông báo cho tôi biết và bảo tôi chờ. Thế là tôi chờ nhưng chờ hoài không thấy ai nói gì. Tôi đến xã hỏi thì được trả lời đã chuyển lên huyện rồi, cứ chờ từ từ họ sẽ giải quyết. Tôi tiếp tục chờ mấy năm nữa vẫn không thấy tin tức gì nên lại lên xã hỏi thì vẫn được trả lời là đã chuyển hồ sơ của tôi lên huyện. Tức mình, tôi lên huyện hỏi thì họ bảo không thấy hồ sơ của tôi. Đi tới đi lui hoài mệt mỏi quá nên tôi bỏ luôn”. Theo ông Hoàng, lúc đó ông nộp hồ sơ cho cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã là ông Nguyễn Văn Sĩ.
Nghe tới đây, ông Lê Ngọc Hưởng nhớ lại thời điểm ông Hoàng nộp hồ sơ thì cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội ở xã là ông Sĩ. “Lúc đó tôi làm phó chủ tịch xã. Còn ông Sĩ chỉ làm công tác này ba năm và sau đó tự ý nghỉ việc rồi bị kỷ luật Đảng. Ông Sĩ nghỉ luôn từ lúc đó rồi đi ghe buôn bán lu đựng nước khắp các tỉnh miền Tây, hiếm khi gặp được ổng lắm. Có lẽ ông Sĩ đã bỏ hồ sơ này trong tủ và quên gửi đi. Khi bỏ việc, ông Sĩ không bàn giao nên cán bộ sau này không biết là đúng rồi” - ông Hưởng nói.
Đảng ủy, UBND xã chịu trách nhiệm về vụ này Khi chúng tôi đặt vấn đề ai chịu trách nhiệm về bộ hồ sơ của ông Hoàng bị bỏ quên suốt 17 năm qua, ông Hưởng nói những cán bộ thời đó giờ đều đã nghỉ hoặc chuyển công tác. Người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Văn Sĩ cũng đã bị kỷ luật và đi làm ăn xa, giờ cũng không thể truy cứu nữa. “Đảng ủy - UBND xã chịu trách nhiệm với ông Hoàng về sự cố này. Chúng tôi sẽ đứng ra hỗ trợ ông Hoàng làm các thủ tục tiếp theo để ông được hưởng chế độ thương binh. Ở địa phương ai cũng biết rõ ông Trần Thanh Hoàng là một đảng viên đã nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, là một cựu chiến binh bị thương nặng trong kháng chiến chống Mỹ. Những người đi kháng chiến cùng thời với ông Hoàng đều đã được giải quyết chế độ thương binh từ lâu, chỉ còn mỗi ông Hoàng. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho ông Hoàng” - ông Hưởng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận