Sở Y tế An Giang có văn bản gửi Sở Nội vụ tham khảo ý kiến về việc điều chỉnh hồ sơ viên chức của trường hợp trên. Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ giải quyết các vụ việc tương tự nên Sở Nội vụ đành cầu cứu xin hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Hai năm sinh
Theo tường trình của ông Nguyễn Văn Gẩm, hiện là y sĩ của Trạm y tế xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang), ông sinh ra ở Long Xuyên và lớn lên trong thời chiến tranh nên gia đình không bảo quản được giấy tờ tùy thân.
Sau ngày hòa bình, cán bộ xã làm sổ hộ khẩu ghi ông sinh ngày 11-10-1956, lúc đó do không còn giấy nào khác để đối chiếu, so sánh nên cha mẹ ông cứ để vậy. Lớn lên ông theo học bổ túc văn hóa, học xong sơ cấp y tế vào làm ở bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện, rồi học y sĩ đa khoa ở Trường trung học Y tế An Giang, sau đó về công tác tại Trạm y tế xã Vĩnh Hanh cho tới nay.
Vừa qua, lúc sắp tới tuổi về hưu, Trung tâm Y tế huyện yêu cầu ông Gẩm đi trích lục giấy khai sinh bổ sung hồ sơ. Theo bản sao trích lục khai sinh do Phòng tư pháp và UBND TP Long Xuyên (An Giang) cấp thì ông Gẩm sinh ngày 10-11-1960.
Từ bản khai sinh gốc này, công an các cấp lần lượt sửa lại năm sinh của ông Gẩm trong sổ hộ khẩu và CMND. Sở Giáo dục - đào tạo và Trường trung học Y tế tỉnh An Giang cũng sửa lại năm sinh (1960) trong bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp y sĩ đa khoa cho ông Gẩm.
Tiếp đó, ông Gẩm gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng xin điều chỉnh năm sinh trong các giấy tờ liên quan đến viên chức theo giấy khai sinh. Trong khi chờ giải quyết, ông Gẩm yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉnh sửa năm sinh đúng theo giấy khai sinh cấp từ bộ gốc.
Chờ ý kiến bộ
Giám đốc Sở Y tế An Giang Từ Quốc Tuấn cho biết qua đối chiếu hồ sơ gốc còn lưu trữ tại Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện Châu Thành thấy có nhiều điểm không phù hợp nên chưa thể điều chỉnh hồ sơ viên chức cho ông Gẩm.
Cụ thể, trong lý lịch cán bộ viên chức ông Gẩm khai năm 1984 tại Trường trung học Y tế An Giang thì giai đoạn 1966-1968 ông là học sinh Trường trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), nếu điều chỉnh thì ông vào học trường trung học này từ năm 6 tuổi.
Còn theo lý lịch cán bộ công chức, ông Gẩm khai năm 2007 học tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành thì từ năm 1962 - 1967 ông Gẩm là học sinh Trường tiểu học xã Mỹ Phước, Long Xuyên, nếu chỉnh lại sinh năm 1960 thì ông Gẩm vào lớp 1 khi mới... 2 tuổi.
“Mặt khác, nếu căn cứ hồ sơ, lý lịch và các giấy tờ liên quan khác cho thấy vợ ông Gẩm sinh năm 1954, đứa con đầu của ông sinh năm 1976. Như vậy ông Gẩm lấy vợ trước 15 tuổi và có vợ lớn hơn mình tới 6 tuổi. Rõ ràng hồ sơ lý lịch viên chức có một số chi tiết chưa thuyết phục, mâu thuẫn nếu điều chỉnh lại năm sinh” - ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế An Giang, nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Đức Thiện, trưởng phòng cán bộ viên chức Sở Nội vụ tỉnh An Giang, cho rằng quyết định điều chỉnh hồ sơ cán bộ viên chức thuộc thẩm quyền Sở Y tế. Tuy nhiên sau khi xem xét hồ sơ của ông Gẩm thì Sở Nội vụ cũng thấy... phức tạp, chưa có ý kiến gì.
“Văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hộ tịch chưa đồng bộ, trong khi đó các quy định về quản lý hồ sơ viên chức chưa được hướng dẫn cụ thể. Với khả năng sẽ gặp phải nhiều trường hợp phát sinh tương tự nên sở xin ý kiến của Bộ Nội vụ để có cách giải quyết phù hợp cho ông Gẩm và những trường hợp về sau” - ông Thiện cho hay.
Phải căn cứ khai sinh gốc
Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn luật sư tỉnh An Giang) cho biết Luật hộ tịch quy định giấy khai sinh là giấy hộ tịch gốc của mỗi cá nhân nên mọi hồ sơ, giấy tờ có nội dung của mỗi người phải căn cứ và đúng nội dung theo giấy khai sinh.
Trong trường hợp này khai sinh của ông Gẩm được pháp luật thừa nhận, qua đó chứng minh rằng năm sinh ghi trong các giấy tờ trước đây đều sai. Vì vậy khi ông xin điều chỉnh thì các cơ quan phải chấp nhận cho điều chỉnh đúng theo nội dung bản trích lục khai sinh.
Còn về hồ sơ, lý lịch cán bộ viên chức trước đây cá nhân thường khai năm sinh không chính xác vì lý do không giữ được giấy tờ cá nhân cũ để so sánh, đối chiếu. Sở Y tế An Giang không thể cho rằng nếu điều chỉnh năm sinh sẽ không phù hợp các mốc thời gian, sự kiện để không công nhận, giải quyết cho ông Gẩm là không thỏa đáng.
Căn cứ các quy định hiện hành, Sở Y tế và Sở Nội vụ cùng có ý kiến thống nhất điều chỉnh hồ sơ viên chức cho ông Gẩm theo khai sinh gốc. Nếu căn cứ theo năm sinh đó (1960) thì ông Gẩm chưa đến tuổi nghỉ hưu.
Theo luật sư Phước, lâu nay sai sót về chính tả, năm sinh... trong giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, hộ khẩu, CMND thường gặp khá nhiều. Lỗi này do trình độ cán bộ làm hộ tịch và cả nhận thức của người dân còn hạn chế.
Nếu giấy tờ gốc sai dẫn đến nhiều loại giấy tờ khác bị sai theo. Việc điều chỉnh vừa mất thời gian vừa gây ra nhiều phiền toái, phức tạp cho người sử dụng. Do đó, khi cá nhân phát hiện sai sót thông tin trong hồ sơ cần sớm xin điều chỉnh ngay, tránh bị thiệt thòi, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Được điều chỉnh Ông Cao Thanh Sơn, giám đốc Sở Tư pháp An Giang, cho biết theo điều 6 nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật hộ tịch thì về giá trị pháp lý của giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ có nội dung liên quan của một người phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó. Nếu trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân có nội dung khác với giấy khai sinh thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh hợp pháp. “Với bản sao khai sinh đúng quy định pháp luật thì trường hợp này sẽ được điều chỉnh năm sinh trong các giấy tờ liên quan, trong đó có hồ sơ cán bộ viên chức” - ông Sơn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận