Hồ Natron nằm ở phía bắc Tanzania, cách thành phố Arusha hơn 100km về phía tây bắc. Hồ có chiều dài 56km, trải dài từ bắc xuống nam và rộng 24km. Một phần phía bắc của hồ thuộc biên giới phía nam Kenya.
Hồ Natron chứa lượng muối, và các khoáng chất như natri cacbonat và magnesit cao, khiến nước hồ trở thành môi trường phát triển mạnh của một loại vi khuẩn gây hại cho cơ quan nội tạng của các loài sinh vật lỡ uống nước hồ.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hàm lượng khoáng chất trong hồ tăng cao đến từ núi lửa Ol Doinyo Lengai, còn có tên gọi là Núi của Chúa ở Tanzania. Đây là ngọn núi lửa đang hoạt động duy nhất phun ra natri carbonatite - một loại dung nham cacbonatite hiếm.
Nước hồ Natron từ đó sản sinh ra một lượng lớn vi khuẩn lam (tảo lam). Đây là loại tảo tiết ra chất hóa học gây tổn hại đến tế bào, hệ thần kinh và gan của hầu hết các sinh vật tiêu thụ phải. Nhiều loài chim và động vật đã chết sau khi uống nước từ hồ Natron.
Lượng muối trong nước khiến nước hồ Natron có độ pH trên 10.5. Theo các báo cáo, nước này ăn da đến mức có thể làm bỏng da và mắt của những động vật rơi xuống hồ nếu chúng không có sự thích nghi đối với đặc điểm này của nước.
Ngoài ra, các loài sinh vật chết trong nước hồ đều bị vôi hóa và biến thành xác ướp.
Tuy hồ Natron được coi là một trong những hồ nước nguy hiểm nhất thế giới, cũng là nỗi kinh hoàng đối với hầu hết các loài sinh vật ở khu vực này, nhưng đối với chim hồng hạc thì không.
Chim hồng hạc không bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn ở hồ Natron. Thậm chí, đây còn là nơi sinh sản duy nhất của loài hồng hạc nhỏ ở Đông Phi.
Tuy là một trong những vùng nước chết chóc nhất hành tinh, hồ Natron vẫn quyến rũ du khách với vẻ đẹp kỳ ảo. Thỉnh thoảng, nước hồ chuyển sang màu đỏ đậm (hoặc cam đỏ hồng) vì tảo phát triển mạnh trong môi trường có lượng muối cao. Thậm chí màu đỏ rực của hồ Natron còn quan sát được từ ngoài không gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận