Bạn nghĩ rằng tác giả những dòng này, nhà báo Paul Johnson đang nói về ban nhạc nào? BlackPink hay BTS?
Không, ông đang nói về The Beatles. 60 năm trước, khi The Beatles mới chỉ là những nghệ sĩ tuổi đôi mươi như BlackPink giờ đây, họ đã bị một số người thủ cựu coi là rác rưởi, và chỉ những đứa trẻ thiếu giáo dục mới hâm mộ họ.
Trong bài viết tai tiếng nhất lịch sử tạp chí New Statesman (Anh), tác giả so sánh thế hệ đầy học thức của ông với những fandom (cộng đồng người hâm mộ) của The Beatles thời ấy, mà ai cũng biết chủ yếu là các fangirl (người hâm mộ nữ), ông mô tả họ là "một thế hệ bị nô lệ hóa bởi cỗ máy thương mại" và sự tồn tại của họ là "bản cáo trạng đáng sợ đối với hệ thống giáo dục của chúng ta, mà 10 năm đi học cũng khó mà xóa mù chữ".
Nửa thế kỷ là khoảng cách đủ dài để ta thấy sự ấu trĩ của bài báo, nhưng sự thực là những lời gay gắt tương tự nhắm đến văn hóa thần tượng vẫn nhan nhản, chỉ là không nhắm vào fan The Beatles nữa, mà vào những Blinks (fan hâm mộ của BlackPink), Army (fan hâm mộ của BTS), hay ở Việt Nam là Sky (fan hâm mộ Sơn Tùng M-TP).
Người ta vẫn thốt lên cụm từ "fangirl não tàn" mỗi khi những người hâm mộ bày tỏ sự say mê với những thần tượng của mình: khi Sky cày lượt xem YouTube cho Sơn Tùng, khi fan BlackPink đổ xô mua những món đồ xa xỉ mà các thành viên nhóm này đại diện, khi một cô gái dựng tượng nơi Harry Style từng nôn mửa, khi người hâm mộ Big Bang đau khổ vì bê bối của "cậu út" Seungri...
Họ bị coi là những người không có tương lai và những con rối của chủ nghĩa tiêu thụ.
Trong tác phẩm Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan, một tác phẩm kinh điển về nữ quyền, tác giả đã mô tả những thiếu nữ đầu thập niên 1960 là một "thế hệ mới trống rỗng, mộng du", "những đứa trẻ phải làm những thứ bị bắt làm", và nhiều năm sau, nhà hoạt động xã hội Barbara Ehrenreich đã dựa trên nghiên cứu đó để tìm hiểu về nguồn cơn khiến những cô gái trẻ mê mệt The Beatles. Họ đơn giản là muốn tự do, như thần tượng của mình.
Thậm chí Ehrenreich khẳng định văn hóa thần tượng là "cuộc nổi dậy đầu tiên và ấn tượng nhất của cuộc cách mạng tình dục của phụ nữ".
Được gào thét, nhảy múa mỗi khi thấy thần tượng là cách những cô bé này tìm thấy niềm vui trong chính cơ thể chính mình, điều mà họ hiếm khi được tận hưởng trong môi trường giáo dục luôn hướng đến hình mẫu phụ nữ dễ bảo và tuân phục.
Và trở thành một fangirl không chỉ là thú vui nhất thời, đó đôi khi là một sự cam kết. Khi các thành viên của BTS đóng góp 1 triệu USD cho phong trào Black Lives Matter bảo vệ người da đen, các fan cũng lên chiến dịch #MatchAMillion gây quỹ số tiền tương đương cho phong trào ấy. Ai cũng muốn tên của thần tượng mình gắn với những điều tốt đẹp trên thế giới.
"Những cô cậu bé sẽ trở thành lãnh đạo và nhà kiến tạo thực thụ của xã hội tương lai chẳng bao giờ bén mảng tới một buổi hòa nhạc pop. Họ, nói đơn giản, là quá bận", đó là một phần trong lời kết của nhà báo Paul Johnson khi viết về The Beatles mấy chục năm trước.
Nhưng chẳng phải một người hâm mộ nữ của The Beatles về sau đã trở thành thủ tướng Đức? Hãy nhìn bà Angela Merkel, một phụ nữ vừa có thể làm một người hâm mộ, vừa làm những điều to lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận