Phản xạ bảo vệ cơ thể nhưng không thể chủ quan
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên viện trưởng Viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết ho khi thay đổi thời tiết (ho dị ứng thời tiết), ho gió, ho do nhiễm lạnh, cảm lạnh… là những chứng ho rất thường gặp.
Chứng ho này thường tái phát vào các thời điểm giao mùa, hoặc mùa lạnh. Người bệnh dễ bị kích thích tại vùng họng gây ngứa rát họng và ho. Ho không chỉ tái phát nhiều lần mà còn kéo dài trong nhiều ngày khiến cơ thể mệt mỏi, tức ngực, bụng, đau đầu, mất ngủ, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt và làm việc.
Những đối tượng hay bị ho thường có cơ địa nhạy cảm hoặc sức đề kháng kém khiến tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công. Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Riêng ở trẻ con rất dễ bị ho do dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, dễ bị các bệnh tai mũi họng đưa đến cơ quan thụ cảm ho bị kích thích.
Ngoài ra, ho cũng có thể do dị ứng với khói thuốc lá hoặc do ô nhiễm từ môi trường không khí (khói, bụi, ô nhiễm…). Đặc biệt ở trẻ nhỏ, chúng ta cần phải lưu ý kỹ hơn vì khả năng bảo vệ và miễn dịch của trẻ kém hơn so với người lớn.
Những triệu chứng báo hiệu cơ thể có thể bị tác động của thời tiết như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt sống; ho khan hoặc ho khò khè; cảm giác ớn lạnh, rùng mình.
Ở trẻ nhỏ thông thường khi thay đổi thời tiết, trẻ hay bị ho hoặc cảm lạnh. Triệu chứng thường gặp là hắt hơi, chảy mũi, sốt nhẹ và ho, nguyên nhân chính là do siêu vi.
Bệnh chuyển nặng có thể do điều trị sai
Trước hết ta cần biết ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ ho, biểu hiện bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.
Có một số trường hợp như bị hen phế quản, viêm phế quản cấp, cần ho để tống xuất đàm nhớt mà lại dùng thuốc ức chế phản xạ ho là không có lợi, chỉ có hại.
Vì thế trường hợp này không nên sử dụng kháng sinh để điều trị cho trẻ. Cách tốt nhất là làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý Natri clorua 0,9% trước khi bú, ăn và trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp trẻ bú tốt, ngủ ngon và giảm ho.
Để đề phòng các trường hợp ho do dị ứng thời tiết, nên chú ý những vấn đề sau: Hạn chế tác nhân gây dị ứng bằng việc chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là vào buổi sáng khi mới ngủ dậy hoặc buổi tối khi đi ngủ.
Khi ra ngoài lúc trời lạnh nên mặc ấm, đeo khẩu trang, quàng khăn kín cổ. Không nên uống nước lạnh, ăn đồ ăn nguội lạnh… Bồi bổ sức khỏe, sinh hoạt điều độ để có được thể chất tốt, nâng cao sức đề kháng là yếu tố quan trọng để phòng bệnh nói chung và đề phòng ho nói riêng.
Nơi ở phải thông thoáng, tránh gió lùa, xa các nhà máy, công trường. Khi hút thuốc lá không được đến gần các cháu nhỏ, nên hút ở phòng riêng. Bồng bế trẻ ở tư thế dễ ho, khạc nhổ, chảy nước mũi có thể tăng sức đề kháng bằng nhiều biện pháp: cho trẻ uống thuốc bổ, vitamin cần thiết ngăn ngừa cảm cúm, tiêm phòng bệnh cúm cho trẻ, cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu...
Nấu cho trẻ ăn những món tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh như các món cá, rau trái... Khi thấy những dấu hiệu bất thường như trẻ sốt, ho, sổ mũi nhiều nên đưa ngay đến phòng mạch bác sĩ để kịp thời điều trị.
"Đặc biệt là các bậc phụ huynh lưu ý không nên tự chữa bệnh cho con. Khi thấy con ho, sốt, không ít người đã tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về điều trị. Mỗi thể viêm có phác đồ điều trị riêng, có loại bệnh dùng kháng sinh này, có loại dùng kháng sinh khác, cũng có loại bệnh không nên dùng kháng sinh. Thực tế có nhiều trường hợp trẻ vào viện trong tình trạng bệnh nặng do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ khi dùng thuốc bừa bãi" - PGS Dinh nhấn mạnh.
Ho do bị cảm lạnh không cần dùng thuốc trị ho mà chỉ cần chăm sóc đúng cách: giữ ấm, nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ chất, cho uống nước nhiều hơn (đặc biệt cho uống nước cam, nước chanh), trẻ có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần và không ảnh hưởng nhiều đến trẻ.
Khi trẻ ho kèm theo thở mệt, sốt cao, biếng ăn... cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để xác định và điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh.
Biện pháp dân gian như dùng tần dày lá, gừng, quất, chanh hoặc quýt chưng đường phèn có tác dụng trong điều trị, nhưng nếu triệu chứng ho vẫn không giảm có thể kết hợp thêm các thuốc ức chế ho theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Nếu triệu chứng ho kéo dài hơn 4 tuần cần đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho và điều trị kịp thời, không nên tự ý mua thuốc uống vì có thể làm chậm trễ quá trình điều trị, gây nhiều biến chứng và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Hầu hết những người dị ứng đều phải dùng nước muối để rửa mũi. Dung dịch nước muối sẽ rửa trôi mọi chất bẩn, tống khứ các chất nhầy làm thông thoáng mũi.
Có thể dùng dầu khuynh diệp nguyên chất, lấy 2-3 giọt thoa vào ngực, vùng cổ và thoa gan bàn chân mỗi khi bé đi ngủ sẽ có hiệu quả giảm các cơn ho.
Nếu ho có đờm thì cần tạm thời loại bỏ đường và các sản phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn. Trà với một chút gừng và món xúp gà sẽ tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận