18/07/2009 19:19 GMT+7

Hồ điều tiết - giải pháp mềm cho bài toán chống ngập

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTCT - Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn, mưa nhiều hơn, nước triều dâng cao hơn, hệ thống cống thoát nước trở nên quá tải. Ngập lụt sẽ trầm trọng thêm, kéo theo môi trường sống bị ô nhiễm... Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo như vậy tại hội thảo về tác động của Biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị vừa diễn ra ở TP.HCM.

QVUN9iBF.jpgPhóng to
Nhiều nhà khoa học đề nghị sử dụng hồ nước trong công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) làm hồ điều tiết chống ngập cho khu vực xung quanh

Tại hội thảo trên, thạc sĩ Hồ Long Phi, phó ban điều phối Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đề xuất ngoài các giải pháp cứng - xây dựng hệ thống cống thoát nước thì phải kết hợp giải pháp mềm là xây dựng các hồ điều tiết. Đây được coi là một trong những giải pháp hiệu quả cho công tác chống ngập và cải thiện môi trường được nhiều nhà khoa học đồng thuận. Trao đổi với TTCT, ông Phi cho biết:

- Hồ điều tiết có nhiệm vụ giữ lại một lượng nước khi mưa quá lớn, hệ thống cống không thể tải hết trong một thời điểm. Như vậy, hồ điều tiết chia sẻ khả năng thoát nước cùng với cống thoát nước khi quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra rõ nét. Điều này có vẻ còn xa lạ ở Việt Nam nhưng tại các đô thị lớn ở Nhật Bản, Hà Lan người ta đều xây dựng các hồ điều tiết để chống ngập và sử dụng cho nhiều mục đích khác.

Ngoài mục đích chống ngập, hồ điều tiết còn được xem là giải pháp cải thiện môi trường, tạo mỹ quan đô thị cho TP. Thời gian qua, quá trình đô thị hóa đã biến địa hình TP thành những khối bêtông thu nhiệt, làm cho nhiệt độ nóng hơn bình thường. Hơi nước, cây xanh quanh các hồ điều tiết sẽ giúp giảm sự nóng bức, thoáng mát hơn cho nhiều khu vực của TP. Chưa hết, nếu biết tận dụng, nguồn nước từ các hồ điều tiết này còn phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, cấp nước, tưới nước cho cây xanh và bổ sung nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức như hiện nay.

TP.HCM hiện đang triển khai các dự án thoát nước lớn như dự án vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), đại lộ đông tây và cải thiện môi trường nước TP (lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ), dự án nâng cấp đô thị lưu vực (Tân Hóa - Lò Gốm), dự án thoát nước rạch Hàng Bàng.

Năm 2010, dự án vệ sinh môi trường cơ bản hoàn thành giúp giảm 18 điểm ngập thuộc các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Nhiều hạng mục của dự án thoát nước rạch Hàng Bàng (nâng cấp cống thoát nước đường Nguyễn Thị Nhỏ, Minh Phụng...) cũng hoàn thành trong năm 2010 sẽ giúp giảm ngập khu vực được coi là “rốn ngập” của TP - khu vực bùng binh Cây Gõ, bến xe Chợ Lớn. Sau đó, dự án nâng cấp đô thị giúp giảm ngập cho khu vực quận 6, 8, 11 và Tân Phú.

* Nhưng với điều kiện đất chật người đông như ở TP.HCM thì làm hồ điều tiết có khả thi không, thưa ông?

- Theo tính toán của chúng tôi, chỉ cần xây dựng hồ điều tiết chiếm 2-3% trong tổng diện tích đất là có thể giải quyết được. Theo tôi biết, trong quy hoạch đô thị hiện nay TP dành tới 18% cho diện tích công viên cây xanh. Vì vậy, TP nên nghiên cứu sử dụng một phần nhỏ trong 18% này để xây dựng các hồ điều tiết kết hợp với công viên cây xanh. Nếu được TP nên cụ thể hóa bằng quy định hoặc đưa vào chỉ tiêu quy hoạch đô thị.

Việc xây dựng hồ điều tiết không nhất thiết tại một địa điểm nhất định, nhất là điều kiện quỹ đất của TP hạn hẹp mà nên xây dựng tại nhiều khu vực. Hãy bắt đầu từ những khu vực mới đô thị, mới phát triển tại các vùng ven.

Còn tại những khu vực lụp xụp, vùng trũng trong nội thành thì TP mạnh dạn giải tỏa để xây dựng hồ điều tiết kết hợp công viên cây xanh tương ứng và dành một phần diện tích xây chung cư tái định cư tại chỗ. Ngoài ra, TP có thể vận động nhà dân, công sở có điều kiện (diện tích rộng) xây dựng hồ chứa nước nhỏ, nhiều nhà cộng lại sẽ được một hồ chứa nước lớn. Ý nghĩa hồ điều tiết là quá rõ và cũng không quá khó để thực hiện, vấn đề là có quyết tâm làm hay không mà thôi.

* Được biết TP đã bỏ ra cả tỉ USD cho các dự án thoát nước lớn, chừng nào các dự án này mới phát huy tác dụng khi chưa có hồ điều tiết?

- Theo tính toán của các nhà tư vấn nước ngoài, với diện tích đô thị lên đến 600km2 thì cần 5-6 tỉ USD, phát triển thêm 5.000km cống thoát nước mới mong giải quyết cơ bản bài toán về ngập. Hệ thống cống thoát nước hiện đang thi công trở nên lạc hậu. Những dự án thoát nước đang triển khai chỉ giúp giảm 50% điểm ngập tại TP trong khoảng năm năm tới. Nhưng nếu không đầu tư thì TP sẽ còn ngập nặng nề hơn, môi trường ô nhiễm hơn vì hệ thống cống hiện tại chỉ giải quyết được những trận mưa có lượng mưa 30-40mm. Đó là lý do ngay lúc này phải quy hoạch xây dựng các hồ điều tiết.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên