13/04/2013 10:51 GMT+7

Họ đi "ngậm ngải tìm trầm"

QUỐC NAM - LÊ ĐỨC DỤC
QUỐC NAM - LÊ ĐỨC DỤC

TT - Vì cuộc mưu sinh và hi vọng đổi đời, nhiều năm qua hàng trăm phu trầm đã bỏ mạng nơi rừng thẳm, nhiều người chết mất xác trong những cánh rừng nhiệt đới của Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia... hay ngồi tù trong các trại giam xứ người.

Kỳ 1: Vừa thoát chết, vẫn quay lại rừng

Phóng viên Tuổi Trẻ đã lần theo những “thân phận đời trầm” để thực hiện hồ sơ này.

thAGMejm.jpgPhóng to
Săn trầm trong rừng sâu - Ảnh: CTV

Có thể giờ này năm thợ trầm quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình) là Đinh Xuân Thân, Trần Văn Trị, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Sáu, Trương Thanh Hiền - những người vừa bị giết dã man vào ngày 23-3 vừa qua - đã không... chết.

Có thể họ vẫn còn lang thang tìm trầm đâu đó trong những cánh rừng biên giới, nếu như một ngày trước đó những kẻ thủ ác Hồ Văn Công, Hồ Văn Thành, Hồ Văn Nguyên (La Khon) đã không để sổng ba “con mồi” là Hoàng Lê Dũng, Nguyễn Thanh Liêm,Trần Minh Tuấn ở thôn Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Những thợ trầm “cao số”

Chúng tôi tìm về thôn Minh Lệ (Quảng Bình) tìm gặp những thợ trầm may mắn đã từng bị chính nhóm Công - Thành - Nguyên bắt giữ đúng một ngày trước khi chúng ra tay sát hại nhóm năm thợ trầm vào hôm sau.

Con đường vào làng rất vắng, cứ nghĩ sẽ khó gặp đủ cả ba thợ trầm rất “cao số” đã thoát khỏi tay những kẻ thủ ác kia, nhưng thật bất ngờ, tại nhà Nguyễn Thanh Liêm chúng tôi gặp được đầy đủ cả ba anh em Liêm - Dũng - Tuấn.

Càng ngạc nhiên hơn nữa khi dư âm vụ sát hại dã man năm “đồng nghiệp” của mình vẫn còn rúng động làng quê thì cả ba người đều đang “đóng gùi” để chuẩn bị cho chuyến trở lên rừng vào ngày mai. Căn nhà gạch bé nhỏ của Liêm chất ngổn ngang gạo, dầu ăn, mì gói, bột ngọt, cá khô, mỡ heo...

Đó là số lương thực thực phẩm họ sẽ phải gùi theo trong những chuyến săn trầm dài ngày. Trong số ba anh em, Liêm là thợ trầm thâm niên nhất, anh sinh năm 1969, còn Dũng sinh năm 1983 và Tuấn sinh năm 1985, cả ba đều đã có gia đình vợ con.

Nhìn cả ba đang chăm chú đóng hàng, chúng tôi không dám hình dung rằng vào buổi sáng định mệnh ngày 22-3, nghĩa là chỉ hai tuần trước đây thôi, nếu “kịch bản” của nhóm thủ ác diễn ra đúng như chúng tính toán, thì giờ đây chính ngay chỗ anh đang đứng kia sẽ là nơi đặt chiếc bàn thờ như chúng tôi đã gặp ở gia đình năm phu trầm xấu số nọ.

Buông vội chiếc bao đang đóng hàng - loại bao gai đựng thức ăn hỗn hợp cho cá ấy sẽ chứa đủ khẩu phần ăn cho cả nhóm đi trong một tháng, cả ba thợ trầm ngồi bệt xuống nền nhà tiếp chúng tôi.

Câu chuyện may mắn thoát khỏi bàn tay nhóm trấn cướp dường như chưa đủ để các anh từ bỏ cái “nghiệp trầm”, dù nó đã bao lần khiến họ suýt bỏ mạng nơi núi rừng xanh thâm u. Và ngay bây giờ chính các anh cũng không ngờ mình còn có thể trở về với gia đình vợ con...

0KpTQwgB.jpgPhóng to
Ba thợ trầm Hoàng Lê Dũng, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Minh Tuấn lại đóng hàng chuẩn bị chuyến đi tìm trầm mới - Ảnh: Quốc Nam

Thoát chết trong gang tấc

Nhớ lại giây phút kinh hoàng ấy, anh Nguyễn Thanh Liêm rùng mình. Chưa bao giờ giữa rừng xanh anh lại có cảm giác sợ hãi đến thế bởi hành vi của nhóm người này khác hẳn lời kể của những người đi rừng trước đó về những nhóm bắt cóc đòi tiền chuộc.

Cả nhóm tìm trầm nhìn nhau gần như phó mặc cho số phận. “Cả ba người bị chúng bắt về lán lục soát lấy hết điện thoại, lương thực, tiền bạc. Sau đó chúng dẫn qua phía đất Lào định hành quyết...” - anh Liêm kể.

Vượt qua biên giới được khoảng mấy trăm mét, cả nhóm bắt cóc lẫn nạn nhân đều mệt lả nên chúng buộc ba người vào gốc cây, còn chúng ngồi nghỉ, bật điện thoại vừa cướp được lên nghe nhạc. Câu chuyện chúng nói với nhau mở ra một thông tin rằng cả ba con tin sẽ bị giết. Ai nấy đều lạnh gáy. “Không thể chết. Vợ con còn nheo nhóc ở nhà, mình chết đi thì ai nuôi. Phải tìm đường sống” - anh Liêm tự nhủ.

Đúng lúc đó, ba người ngồi quay lưng sát vào nhau, ngón tay trỏ của anh Liêm bấm chặt vào múi dây trói của anh Tuấn. Lần mò một lúc anh Liêm phát hiện đầu dây. Tuy nhiên vì dây trói quá chặt, anh Liêm cố sức dùng ngón tay đẩy đầu dây đến mấy lần vẫn không được.

“Dây này người đi rừng thường dùng để buộc thú lớn như nai, hoẵng, heo rừng. Đã mắc vào rồi thì đừng hòng thoát ra. Có khi vùng vẫy cả ngày, dây trói càng siết chặt vào da thịt tứa máu, huống chi ngón tay của mình” - anh Liêm nói.

“Không có cơ hội khác đâu” - cả ba người thầm thì với nhau. Anh Tuấn phải gồng mình nhích người lên một khoảng, dây trói nhả ra vài centimet. Anh Liêm cố sức đưa ngón tay ấn vào đầu dây. Anh Tuấn rướn mình lên che cho mấy bàn tay phía sau đang thao tác.

Múi dây đầu tiên bật ra cũng là lúc cả nhóm giật mình vì nhóm bắt cóc nghe có động xông tới ngó nghiêng. Chỉ trong tích tắc chưa đầy hai phút, dây trói của anh Dũng đã được anh Liêm mở xong. Anh Dũng quay qua che người vừa mở dây trói cho anh Liêm và anh Tuấn. Múi dây cuối cùng tuột ra cũng là lúc cả ba vùng chạy thục mạng vào giữa những đám cây rừng.

fZ04G15s.jpgPhóng to
Hố chôn năm phu trầm tại nơi bọn thủ ác ra tay gần biên giới Việt - Lào - Ảnh: Nguyễn Biên Phòng

Nhóm bắt cóc cũng giật mình ôm súng đuổi theo. Cả ba nháy nhau chia ra chạy theo ba hướng để khỏi bị bắn trúng. Không ai kịp nói với ai điều gì nhưng cả ba đều nhắm thẳng hướng đường biên giới mà lao tới. “Về được đất mình đã rồi tính”.

Chạy suốt hai giờ giữa rừng, cả ba người mới gặp lại nhau trên đất Việt Nam. Biết vừa thoát ra từ cõi chết, cả ba thất thểu cắt rừng tìm đường về nhà. Trên đường về, nhóm ba người gặp một nhóm tìm trầm bảy người khác. Nhóm bảy người cho cả ba ăn cơm và một ít lương thực để về.

Không ai nghĩ ngay hôm sau, chính nhóm bảy người này lại đụng chính nhóm bắt cóc cũ. Và kịch bản cũng như cũ. Cả năm người trong số đó đã bị hành quyết dã man.”Chỉ có nhờ may mắn chúng tôi mới thoát chết. Giữa rừng già cũng chỉ có may mắn mới cứu được mạng sống con người trước hiểm nguy” - anh Liêm kết luận.

Nhưng đâu phải ai cũng có thể may mắn như thế? Không chỉ bỏ mạng trong những cánh rừng trên biên giới Việt - Lào, nhiều thợ trầm đã theo tiếng gọi “đổi đời” lên đường sang tận Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar... - những cánh rừng nhiệt đới xứ lạ chưa có dấu chân người là một hấp lực mà chỉ “trình độ” của những thợ trầm người Việt mới đủ tài năng để khám phá những “bận trầm” bạc tỉ.

Tuy nhiên những thợ trầm này cũng chỉ là những người làm thuê cho những ông chủ bí mật. Chúng tôi đã về nhiều làng quê với đội ngũ thợ trầm xuất ngoại lên tới hàng trăm người và số thợ trầm bỏ mạng, ngồi tù ở xứ người cũng lên tới con số hàng chục. Chết mất xác, thương tích tàn tật, ngồi tù..., vậy mà dường như với những thợ tìm trầm, mùi hương của trầm kỳ đã là nghiệp dĩ...

___________

Kỳ tới: Phu trầm “xuất ngoại”

QUỐC NAM - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên