Phóng to |
Các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp xuất sắc khoa cơ khí và điện tử của ĐH Khoa học máy tính và kỹ thuật Maseeh, thuộc ĐH Portland, bang Oregon (Mỹ) tốt nghiệp ngày 13-6-2011 - Ảnh: Nguyễn Sỹ Hưng |
Họ là nhóm sinh viên được đào tạo theo chương trình “Học giả Việt Nam của Intel “(IVS), hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới ra đời năm 1968. IVS là chương trình duy nhất mà Intel thực hiện để đưa sinh viên từ một nước hãng đến đầu tư đi đào tạo ở nước ngoài. Hai năm trước, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Việt Nam khi đó - đã nhận định họ sẽ “là sự đóng góp vô cùng quý báu trong chiến lược đào tạo lớp nhân tài trẻ về khoa học kỹ thuật trong tương lai của Việt Nam”.
Điểm số trung bình của 28 sinh viên chuyên ngành cơ khí và điện tử này là 3.8/4.0 - thuộc dạng xuất sắc, trong đó năm sinh viên có điểm số trung bình 3.9-4.0/4.0.
Giải bài toán nhân sự cao cấp
“Tôi cho rằng họ đã rất tập trung và nghiêm túc trong học tập cùng với sự thông minh vượt trội - tiến sĩ Rengjeng Su nói với Tuổi Trẻ - Các bạn ấy khiến chúng tôi ngạc nhiên, và cảm thấy rất khó khăn khi cho điểm các sinh viên khác vì điểm của họ quá cao”. Ông đã không quá lời khi được biết tại Mỹ, điểm số 2.0 là đủ để tốt nghiệp ra trường.
Ông Rick Howarth, tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, vẫn còn nhớ cảm giác lo lắng khi vào năm 2007-2008, trong số 2.000 sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ thuật của Việt Nam tham gia tuyển chọn vào nhà máy do Intel đầu tư 1 tỉ USD tại Việt Nam chỉ có chưa đến 1% đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh và kỹ thuật.
“Chúng tôi cần nhân sự lành nghề, và Việt Nam cũng vậy” - ông Rick Howarth nhớ lại ý tưởng táo bạo và tốn kém trị giá 4 triệu USD trong hai năm để đào tạo 50 kỹ sư ngành điện - điện tử và hai quản lý kinh doanh của Intel Products Việt Nam, nhằm phát triển nhân lực cho lĩnh vực vẫn còn rất mới mẻ ở đất nước có phần lớn dân số trẻ, đầy hoài bão và khao khát tiến bộ. “Giờ đây, tôi tin trong vài năm tới sẽ có người trong số họ đảm nhiệm những vị trí quản lý cao cấp”. Ông Wim Wiewel cũng nhận xét: “28 sinh viên đã trở thành những tài sản thật sự cho Việt Nam”.
Khi đang theo học năm 3 và 4 tại Việt Nam, các sinh viên này đã được đưa tới Portland, và ở đây, họ đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu mà Intel đặt hàng. Trần Ngọc Anh Đức, cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết Đức và bốn sinh viên Việt Nam cùng một sinh viên Mỹ đã nghiên cứu thành công một chiếc hộp có khả năng thay đổi nhiệt độ bên trong giúp kiểm định các thiết bị điện tử.
Ông Rick Howarth cho biết, Intel Products Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2010, đã tuyển dụng hơn 900 nhân sự, trong đó có 74 chuyên gia nước ngoài. Các kỹ sư Việt Nam của chương trình IVS sẽ về làm việc tại Intel Products Việt Nam trong ba năm, sau đó họ có thể tìm công việc ở nơi khác theo nhu cầu. Mỗi năm Intel Products Việt Nam sẽ tiếp tục tuyển dụng khoảng 500 người cho tới khi có đủ nhân sự vận hành toàn bộ nhà máy là 3.000 nhân sự. Theo ông, nếu ở Mỹ hiện chỉ cần phỏng vấn trung bình 5 kỹ sư mới ra trường, thì Intel có thể tìm được 1, trong khi đó ở Việt Nam tỉ lệ này là 100/1. “Dù chúng tôi không còn gặp quá nhiều khó khăn như những ngày đầu”, nhưng theo ông, trong tương lai gần, khi các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam, nguồn nhân lực lành nghề “có thể không đủ cho tất cả trong tương lai”.
Mến thương hai chữ đồng bào
Tổng chi phí của Intel cho việc đào tạo một sinh viên Việt Nam trong hai năm tại nước ngoài vào khoảng 90.000 USD, nhưng tiền có thể không hoàn toàn đảm bảo cho thành tích học tập vượt trội của họ.
“Họ đã dành cả trái tim và khối óc cho các em, trở thành một cộng đồng thống nhất, và thật sự có vai trò lớn để các sinh viên yên tâm học tập và có được thành tích tốt” - hiệu trưởng Rengjeng Su nhắc tới vai trò của những “mentor” (người hướng dẫn) gốc Việt đã tình nguyện giúp đỡ các sinh viên Việt Nam khi theo học tại Portland.
Bree Sibbel, người đã làm việc tại Intel Oregon 11 năm qua, hiện là giám đốc đào tạo tại Nhà máy Die Prep và cũng là chủ tịch Hội những người gốc Việt làm việc tại đây, cho biết có 12 “mentor” tham gia chương trình. Từng là đứa trẻ mồ côi tại một trại tế bần ở Biên Hòa, người phụ nữ này nói: “Tất cả chúng tôi chỉ mong muốn trở thành một mái ấm cho các em khi các em xa gia đình, muốn trở thành người thân của các em khi các em xa người thân”.
“Đó là sự kết nối hai chiều - một “mentor” xúc động nói trong bữa tiệc chia tay cuối cùng với các sinh viên - Các em đã giúp chúng tôi được kết nối với những gì thuộc về Việt Nam mà chúng tôi nhớ nhung, kỳ vọng và mong mỏi đóng góp”.
Đợt sinh viên thứ hai gồm 24 sinh viên theo học điện tử, cơ khí và kinh doanh sẽ tốt nghiệp vào năm 2012, “và họ đã chứng minh tiếp tục lực học vượt trội của mình tại đây” - đại diện của Trường Maseeh cho biết.
Được chắp cánh từ học bổng Vươn lên tầm cao của Tuổi Trẻ...
Tại ĐH Portland, Tuổi Trẻ đã gặp sinh viên Hoàng Minh Tâm, 23 tuổi, từ Phú Ninh, Quảng Nam hiện đang theo học ngành điện tử, thuộc nhóm IVS thứ hai và sẽ tốt nghiệp năm 2012. Năm 2008, Tâm đã nhận được học bổng Vươn lên tầm cao của báo Tuổi Trẻ. Đây là chương trình của báo kết hợp với một số doanh nghiệp để trao học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và đạt thành tích học tập xuất sắc. Với số tiền 1.200 USD học bổng dành cho việc học tiếng Anh, sau một năm Tâm đã tự tin vượt qua các vòng xét tuyển để có được học bổng của IVS. “Học bổng của báo Tuổi Trẻ đã mở ra cơ hội để tôi có được học bổng của Intel” - Tâm nói và cho biết gia đình em làm nông, từng phải vay tiền của Nhà nước để cả hai chị em có thể đi học đại học. Chàng trai từng là sinh viên của ĐH Bách khoa TP.HCM này vẫn nhỏ bé nhưng không còn rụt rè như xưa, sẽ có bằng kỹ sư điện tử vào khoảng tháng 6-2012. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận