29/04/2011 08:55 GMT+7

Họ chưa từng thôi hi vọng...

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Chiến tranh đã qua đi từ 36 năm qua, nhưng ở đâu đó vẫn còn bao người luôn mãi tìm kiếm, ngóng trông một phần ruột thịt của mình tại quê hương Việt Nam mà trò đùa của số phận đã vô tình để họ lạc mất nhau trong quá khứ...

72I0FxEh.jpgPhóng to
Katie Nixon (trái) bên người chồng ở Canada nhưng chị chưa bao giờ thôi mong ngóng về quê hương - Ảnh do nhân vật cung cấp
blOrHScG.jpgPhóng to

Chị Tiffany Nguyệt (phải) cùng mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trích thư ông James L. Copeland

...Chiến tranh kết thúc, tôi nhiều lần quay trở lại Việt Nam để cố hết sức tìm kiếm hai mẹ con nhưng vô vọng. Tôi giờ chỉ hi vọng họ vẫn còn sống và đang sống vui. Tôi nghĩ hai mẹ con có lẽ đã không còn muốn nhớ tới người cha này.

Dẫu sao, tôi vẫn muốn nói với đứa con của mình rằng tôi thật lòng muốn gặp lại con, và con không phải là kết quả của “mối tình một đêm”. Con chính là kết quả của một tình yêu đẹp và tôi rất tự hào, rất trân trọng sự hiện diện của con trên đời.

Tôi biết mình không nên dùng từ “cha” vì đâu chắc con đã tha thứ và chấp nhận mình. Nhưng tôi vẫn mong sẽ sớm tới ngày chúng tôi được gặp lại nhau, để tôi có cơ hội bù đắp lại bao nỗi đau mà hai mẹ con đã chịu bấy lâu nay.

Và để tôi có thể nói: “Cha xin lỗi con, con ơi!”.

Tái bút: Tôi chỉ còn biết nuôi niềm hi vọng cuối cùng với lá thư và những dòng chữ này thôi. Và tôi đang cầu nguyện...

Chị Tiffany Nguyệt định cư tại Corinth, Mississippi, Mỹ vào năm 1990 theo diện con lai Mỹ cùng mẹ và chồng con. Chị vừa cùng ông James L. Copeland - một cựu binh Mỹ tại Việt Nam - đi thử ADN sau khi ông đã cất công đi tìm kiếm người con rơi của mình bao năm ở Việt Nam.

Kết quả ADN vừa được trả vào ngày 26-4: không có quan hệ ruột thịt. Dẫu vậy, chị Nguyệt vẫn nói với ông trong nước mắt: “Dù sao thì cháu cũng xin được phép làm con nuôi của bác bởi cháu khát khao có một người cha hơn bao giờ hết”. Ông James cũng không khỏi bất ngờ và đau lòng với kết quả này. Ông đã nuôi bao hi vọng về cơ hội lần này, nhưng cuối cùng, trước lời đề nghị của chị Tiffany, ông hứa sẽ coi chị như con ruột mình.

Từ lâu, chị Tiffani luôn ấp ủ ước nguyện tìm lại người cha mà chị chưa bao giờ được biết mặt kể từ khi chào đời... Nhưng mơ ước nhỏ nhoi này mãi trở nên xa tầm với của chị. Vào một ngày đầu tháng 4-2011, chị mừng đến nghẹn ngào khi được người thân ở Việt Nam báo cho biết có một người đàn ông nước ngoài tìm đến nhà để xin tìm hiểu về chị. Mong ước ngày nào của chị sẽ thành sự thật?

Những câu chuyện kiếm tìm như thế còn nhiều lắm. Và chưa ai thôi hi vọng về một cuộc đoàn tụ.

Đau đáu với quê hương

Đã gần 40 năm qua, chị Katie Nixon và anh James Thilo Wolsey vẫn chưa bao giờ nguôi mong nghĩ về nguồn gốc của mình. Katie và James là hai trong số hàng trăm trẻ babylift được đưa qua Canada vào năm 1975.

Rời Việt Nam khi chỉ mới vài tháng tuổi, Katie (tên Việt là Kiều Duyên) lớn lên trong một gia đình cha mẹ nuôi ở Canada. Sợi dây gắn kết duy nhất giữa chị với quê hương chỉ là một tờ giấy khai sinh giờ đã ố vàng cùng những thông tin ít ỏi: sinh ở Khanh Hung, Ba Xuyen vào tháng 1-1975. Khi mới ra đời, chị được nuôi dưỡng tại nhà trẻ mồ côi của các xơ dòng Chúa quan phòng (Cần Thơ), sau đó được chuyển lên nhà trẻ Hi Vọng tại Sài Gòn.

Những con chữ ấy ngắn gọn nhưng là tất cả hi vọng trong Katie từ bao năm qua. Cuộc sống ở Canada yên ả vẫn không sao khiến Katie nguôi ngoai khi thấy khóe mắt mình lại đẫm ướt mỗi lần tỉnh dậy sau những giấc mơ có tên “đoàn tụ”.

Katie nói với giọng đượm buồn: “Đã đi gần nửa cuộc đời mà tất cả những thứ tôi hiện có chỉ là mảnh giấy này, nhưng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm...”.

Còn James (tên Việt là Lê Bá Phúc) từ bao năm qua đã cùng cha mẹ nuôi Canada rong ruổi trên con đường tìm kiếm cội rễ của mình. Bà Donna Wolsey (mẹ nuôi của Phúc) tâm sự: “Tận sâu trong thâm tâm, tôi luôn mong muốn, cầu nguyện để họ (cha mẹ ruột và Phúc) tìm thấy nhau sau 36 năm thất lạc”.

Bà Wolsey từng nhiều lần cùng Phúc đến Việt Nam, lặn lội khắp các ngõ hẻm ở Cần Thơ để dò tìm tông tích người thân... Bà và chồng miệt mài làm cầu nối với quê hương Việt cho đứa con nuôi mà họ rất yêu quý dẫu biết điều này cũng đồng nghĩa họ có thể sẽ mất anh ngày nào đó.

Ước vọng cuối đời

Một ngày đầu tháng 3-2011, chúng tôi nhận được email của ông James L. Copeland. Ông là một cựu binh Mỹ tại Việt Nam, hiện đang sống ở Corinth, Mississippi. Thông qua sự giới thiệu của ông Brian Hjort (người sáng lập trang web http://www.fatherfounded.org/, nhân vật từng xuất hiện trên Tuổi Trẻ Xuân, 15-2-2010), ông James đã liên lạc với chúng tôi để mong nhận được sự hỗ trợ cho nguyện ước cuối đời của mình.

Email được viết với phông chữ in hoa đậm, trong đó ông cho biết bản thân là một người lính được gửi đến Việt Nam tháng 8-1969. Ông đóng quân ở ban cố vấn 95, phái bộ viện trợ quân sự Mỹ tại Biên Hòa (MACV). Do duyên số run rủi, ông đã gặp và làm quen với một phụ nữ có tên Tu. Chỉ vài tháng sau, ông được lệnh về nước. Ngày bước chân lên máy bay, ông thấy lòng trĩu nặng bởi biết rõ người yêu đang mang thai giọt máu của mình...

Khi ông đã về Mỹ, hai người vẫn giữ liên lạc với nhau. Mỗi lá thư ông nhận là một lần Tu nhắc về đứa con bé nhỏ cứ khóc đòi cha bên cạnh những lời phiền muộn. Sau đó, ông xin trở lại Việt Nam nhưng phận đời trớ trêu, ông lại được điều tới Đức. Cơ hội gặp lại coi như không còn. Ông viết thư để mong cô hãy quên ông. Lá thư không có hồi âm, từ đó ông mất dần liên lạc, nhưng đâu đó trong những giấc mơ ông vẫn như thấy một đứa trẻ đang nhìn mình đầy ngơ ngác lẫn trách móc...

Giao lưu hội ngộ babylift tại báo Tuổi Trẻ

Nhằm hỗ trợ các gia đình có con, em thất lạc ở thời điểm trước và trong năm 1975, cũng như giúp đỡ kết nối cho hơn 3.000 thành viên babylift bị đưa ra nước ngoài trở về tìm kiếm cha, mẹ ruột, tổ chức “Chiến dịch hội ngộ” (Operation Reunite) sẽ tổ chức buổi giao lưu vào 14g ngày 2-5-2011 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận) để các bên có cơ hội gặp gỡ, và đặc biệt là để lấy mẫu ADN.

Việc lấy mẫu ADN do Trista Goldberg, nữ doanh nhân Mỹ gốc Việt và cũng là người sáng lập tổ chức “Chiến dịch hội ngộ”, khởi xướng. Chuyến trở về lần này, Trista mang theo 200 bộ hồ sơ chứa các dữ liệu về ADN trong ngân hàng dữ liệu ADN mà cô và “Chiến dịch hội ngộ” đã chính thức lập nên từ cuộc họp báo mà Tuổi Trẻ đã hỗ trợ tháng 4-2010, để tạo cơ hội đoàn tụ cho những gia đình bị chia lìa trong suốt 36 năm qua.

Trista cũng cho biết hiện cô đã tìm ra ADN của một thành viên babylift trùng khớp với ADN của một trong những người mẹ mà cô đã thu thập tại trường quay VTV hồi tháng 4 năm ngoái trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

MINH HUỲNH

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên