31/07/2024 08:54 GMT+7

Hồ chứa là nguyên nhân động đất: Tỉnh nói 'chưa có kết luận'

Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất liên tục ở Kon Tum là động đất kích thích gây ra bởi hồ chứa. Nhưng cơ quan chức năng tỉnh này nói tới nay vẫn chưa có kết luận cụ thể.

Hồ chứa là nguyên nhân động đất: Tỉnh nói 'chưa có kết luận'- Ảnh 1.

Từ sau trận động đất 5 độ trưa 28-7, gia đình chị Y Diên tại thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, bỏ căn nhà xây chuyển qua sống trong gian bếp gỗ vì lo sợ sập nhà - Ảnh: TẤN LỰC

Người dân huyện Kon Plông (Kon Tum), nơi xảy ra hàng chục vụ động đất lớn nhỏ trong mấy ngày qua, đang nóng lòng chờ làm rõ nguyên nhân động đất và các giải pháp xử lý triệt để từ chính quyền và các cơ quan chức năng để ổn định cuộc sống.

Không biết hồ nào gây ra động đất

Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, vùng động đất huyện Kon Plông đang có 6 công trình thủy điện, trong đó 3 thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re.

Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW với 2 tổ máy, dung tích trữ 145,52 triệu m3. Thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125MW với 2 tổ máy, dung tích trữ 248,51 triệu m3. Thủy điện Đăk Re có công suất 60MW với 2 tổ máy, dung tích trữ 10,35 triệu m3.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Nhất - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum - nói hiện tại chưa có kết luận nào về việc hồ chứa nước gây ra động đất tại Kon Tum. Tỉnh này đang đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu để ra kết luận cuối cùng.

"Giả định hiện nay là phương án tích nước của hệ thống hồ chứa gây ra động đất kích thích. Còn để nói hồ nào là nguyên nhân chính gây ra động đất ở Kon Plông thì chưa ai dám khẳng định. Các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, có bằng chứng khoa học và kết luận việc này", ông Nhất nói.

Theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, phải xác định được đơn vị cụ thể gây ra động đất mới có cơ sở yêu cầu bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi xảy ra hậu quả động đất, đồng thời có giải pháp xử lý tình trạng động đất. Thời gian qua cơ quan này phải động viên các thủy điện phối hợp cùng địa phương hỗ trợ cho người dân trong vùng ảnh hưởng từ nguồn an sinh xã hội của doanh nghiệp.

Ông Nhất cho biết thêm qua rà soát các hồ thủy điện tại huyện Kon Plông tới nay vẫn an toàn, chưa phát hiện hư hại gì.

Hồ chứa là nguyên nhân động đất: Tỉnh nói 'chưa có kết luận'- Ảnh 2.

Nguồn: Viện Vật lý địa cầu - Đồ họa: TUẤN ANH

Các thủy điện nói gì?

Ông Lê Năng - phó giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh - cho hay những trận động đất vừa rồi không ảnh hưởng tới an toàn hồ đập công trình này. Sau động đất đơn vị đã kiểm tra tất cả các vị trí bằng thiết bị đo và bằng quan sát thực tế thì chưa thấy có gì bất thường.

Theo thông số thiết kế, hồ Đăk Đrinh chịu được động đất trên 7 độ với hệ số an toàn khoảng 1,3 - 1,5 lần. Thủy điện cũng đã lắp đặt nhiều loại thiết bị quan trắc động đất tại hồ chứa như thiết bị đo áp lực thấm, lưu lượng nước thấm...

Kết quả cho thấy các giá trị trong mức bình thường sau các trận động đất vừa qua. Thủy điện này xây dựng quy trình phòng chống bão lũ, thiên tai và có phương án ứng phó khi xảy ra sự cố.

Ông Năng nói hiện tại hồ đang mùa kiệt, lượng nước trong hồ chỉ đạt 40% dung tích thiết kế. Do đó, nói rằng động đất kích thích nguyên nhân là do thủy điện, theo ông là không phù hợp. Ông Năng dẫn chứng hiện nay động đất dày đặc dù các hồ đang ở mức nước thấp nhất, trong khi giai đoạn Tết nước đầy hồ thì không thấy động đất.

Trong khi đó, ông Trần Công Đàm - giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum - cho hay thủy điện này được thiết kế chống động đất 7 độ.

Theo ông Đàm, động đất kích thích luôn có cường độ nhỏ hơn những trận động đất tự nhiên. Khi thiết kế công trình thường áp dụng cường độ lớn nhất của động đất tự nhiên để đưa vào thiết kế.

Đại diện thủy điện này nói trước đây có được Viện Vật lý địa cầu đề nghị cho lắp đặt một số trạm quan trắc để nghiên cứu. Ngoài ra đến nay đơn vị chưa nhận được bất cứ kết luận gì về nguyên nhân gây ra động đất tại khu vực là do hồ chứa.

Nhìn từ thủy điện Sông Tranh 2

Năm 2011, hồ thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bắt đầu tích nước cũng là lúc khu vực này xảy ra nhiều trận động đất kích thích. Tần suất động đất giảm dần theo thời gian và đến khoảng năm 2016 thì chấm dứt.

Một cán bộ nhiều năm công tác tại công trình này cho biết giai đoạn đó tần suất động đất nhiều nhất một ngày từ 2 - 3 trận, đa số là cường độ nhỏ, trận lớn nhất hơn 4 độ.

Theo cán bộ này, bản chất của động đất kích thích là sự sụt lún các cấu trúc hang động, khoang rỗng sâu dưới lòng hồ, là hiện tượng sắp xếp lại vị trí các kết cấu dưới lòng đất sau khi tích nước để làm ổn định lòng hồ.

Từ kinh nghiệm tại hồ Sông Tranh 2, cả khi nước hồ tích đầy và rút kiệt đều có khả năng xảy ra động đất nhiều hơn, không nhất thiết tích đầy hồ mới có động đất. Động đất kích thích sẽ giảm dần và chấm dứt theo thời gian, không ảnh hưởng nhiều tới an toàn công trình.

Yêu cầu các thủy điện đánh giá tình hình động đất

Sau những trận động đất liên tục những ngày qua, ông Lê Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - đã đề nghị Công ty thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty thủy điện Đăk Đrinh và Công ty thủy điện Thiên Tân theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, kịp thời thông tin tới chính quyền và người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Trong khi đó, ông Trần Phước Hiền - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cũng ký công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, yêu cầu chủ động ứng phó với động đất ở Kon Tum ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh này và có giải pháp hợp lý để bảo vệ người dân, tài sản nhà nước.

Cần đánh giá nghiêm túc tác động của dự án thủy điện

Lý giải về việc động đất xảy ra dồn dập tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) trong hai ngày 28 và 29-7, ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết thông thường sau các trận động đất lớn thì sẽ có những trận động đất có cường độ nhỏ hơn kèm theo.

Hiện tượng này kéo dài trong vài ngày, sau đó sẽ giảm dần. Sau đó tích tụ một thời gian (thời kỳ yên tĩnh) thì lại xảy ra những trận động đất liên tiếp như vậy. Do vậy dự báo thời gian tới động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục xảy ra.

Theo ông Anh, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích. Động đất xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.

"Việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động địa chấn kiến tạo, thủy văn, cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được.

Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Nhưng việc ảnh hưởng đó có thể là sau vài tháng, vài năm khi nước ngấm đủ xuống bên dưới mới gây ra động đất", ông Anh nói.

Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, động đất do hồ thủy điện tích nước gây ra vậy nên cần đánh giá một cách nghiêm túc về tác động của các dự án thủy điện tại đây. Phải cân nhắc về hiệu quả kinh tế so với tác động của nó đối với sinh thái môi trường, sinh thái địa chất, phản ứng xã hội khu vực.

Trường hợp hiệu quả kinh tế không đạt, không đáp ứng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ thì nên xả đập hồ thủy điện và trả lại rừng tự nhiên vốn có của Tây Nguyên. Với những thủy điện nhỏ công suất không nhiều nhưng diện tích để làm cũng rất lớn đã làm mất đi độ che phủ của rừng. Việc đánh đổi này không cân xứng và cần thiết.

Đối với các công trình thủy điện tại huyện Kon Plông cũng cần có khảo sát, đánh giá xem trận động đất vừa qua có gây các khiếm khuyết gì không. Với cường độ 5 độ làm rung chuyển nhà cửa, công trình ở những địa phương rất xa thì các công trình tại chỗ không thể nào không bị tác động. Cần phải kiểm tra gấp để tránh các thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

"Nếu xét về nhu cầu thiếu điện thì Kon Plông có địa hình đón gió gần như quanh năm. Do đó có thể phát triển điện gió thì tốt hơn. Chúng ta nên ưu tiên phát triển những năng lượng xanh chứ không nên cấp phép thủy điện vô tội vạ", ông Thuận nhận định.

Sống trong vùng động đất: Bình yên trở lại, dân vẫn nơm nớp loSống trong vùng động đất: Bình yên trở lại, dân vẫn nơm nớp lo

Sau những ngày động đất liên tiếp, cuộc sống của người dân trong các buôn làng tại Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã trở lại nhịp thường ngày, nhưng ai cũng nơm nớp lo...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên