TTCT - Nửa đầu thế kỷ trước, ở Sài Gòn - Chợ Lớn làm ăn, Huỳnh Văn Hoa và Quách Diệm được thương giới nghiêng mình nể phục, liệt vào hạng thượng thừa “Bạch thủ thành gia” (tay trắng nên nhà). Khách sạn Majestic, Bảo tàng Mỹ thuật hay chợ Bình Tây mà nay còn thấy chỉ là một phần nhỏ trong thành tựu kinh doanh của họ. Thật trớ trêu là họ và tên hai đại gia này trước giờ bị gọi sai bét!Nhà Chú Hỏa - Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện nay - do ông Huỳnh Văn Hoa xây xong năm 1934 - Ảnh: Minh ĐứcChú Hỏa, họ và tênNgười Sài Gòn nhiều thế hệ vẫn hay nhắc đến nhân vật “Chú Hỏa” - một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa mà dân gian đúc kết “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (*) với những giai thoại ly kỳ cả về tài sản và đời riêng.Hiện nay, tại tòa nhà tiêu biểu của “Chú Hỏa” - nơi đang là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97 Phó Đức Chính), ở tấm biển inox ghi lược sử tòa nhà đặt trang trọng ngay lối đi bên trái cửa chính viết: “Hui Bon Hoa tên thật là Hứa Bổn Hòa”. Cách xác định Hui Bon Hoa là Hứa Bổn Hòa cũng thấy trên Wikipedia và rất nhiều bài viết.Thế nhưng hồi năm 1960, ông già bác cổ Vương Hồng Sển đã tỏ ra cẩn thận khi viết trong Sài Gòn năm xưa: “Hui Bon Hoa, tục danh “Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi “Ông Hỏa” bao giờ. Sớm nhập Pháp tịch nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?” (bản in 1997, tr.284).Xưa hơn nữa là hồi năm 1924, Đào Trinh Nhất viết: “Trong bọn Hoa kiều bây giờ, duy chỉ có Hoàng Trọng Tán là giàu nhất, tư bản có đến 3.000 vạn, trong Nam kỳ đã suy tôn lên làm ông vua tiền bạc, hay là ông vua nhà cửa, vì Hoàng có nhiều nhà cửa đất cát lắm”. Hoàng (Huỳnh) Trọng Tán là con thứ ba của Chú Hỏa, là người kế nghiệp lãnh đạo Công ty Hui Bon Hoa.Hồi ấy, Đào Trinh Nhất đã gọi đúng họ (Hoàng/Huỳnh) của gia tộc này nhưng do không gắn kết mối liên hệ cha con giữa Chú Hỏa với Huỳnh Trọng Tán nên người sau không lưu ý.Phần viết về Hoa kiều Việt Nam trong Hoa kiều chí cho biết Hui Bon Hoa tên chữ Hán là Huỳnh Văn Hoa (). Họ Huỳnh cũng có thể đọc/viết là Hoàng, nhưng theo thói quen của người Hoa ở miền Nam, khi tự phiên âm họ này sang chữ Việt thì người ta đều viết là Huỳnh.Hui Bon Hoa là cách phiên âm từ tên gốc Hán theo âm Hạ Môn (Trung Quốc) có ảnh hưởng bởi cách phiên âm của người Anh vào cuối thế kỷ 19. Còn Hứa Bổn Hòa là cách đoán mò của người Việt khi nhìn thấy chữ Hui Bon Hoa mà không thấy mặt chữ Hán, thêm câu chuyện mê tín “Con ma nhà họ Hứa” không biết nguồn cơn ra sao lại xuất phát từ nhà cũ của Chú Hỏa rồi lan truyền khắp Sài thành khiến nhiều người tin chắc ông này họ Hứa.Lược sử một số cơ sở phúc lợi của cộng đồng người Hoa ghi nhận hai anh em Trọng Huấn và Trọng Tán là sáng lập viên của nhiều nơi, tiêu biểu như Phước Thiện y viện (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Thành Chí học hiệu (nay là Trường THCS Minh Đức, đường Nguyễn Thái Học, Q.1), hiến đất xây Bệnh viện Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (đường Nguyễn Công Trứ, Q.1).Đầu thế kỷ 20, người con thứ hai của Chú Hỏa là Huỳnh Trọng Huấn trở về Hạ Môn (Trung Quốc) mở Công ty địa ốc Huỳnh Vinh Viễn Đường (). Khu nhà trụ sở công ty này ngày nay là một trong 10 di tích kiến trúc danh tiếng ở đảo Cổ Lãng, năm 2002 được liệt hạng di tích lịch sử kiến trúc trọng điểm của thành phố Hạ Môn, vừa là trường biểu diễn nghệ thuật, vừa là địa chỉ du lịch, phong cách xây dựng gần giống Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.Hồi tháng 5-2009, một đoàn công tác điền dã từ quê hương “Chú Hỏa” gồm các nghiên cứu viên thuộc Học hội lịch sử Hoa kiều và Bảo tàng lịch sử Hoa kiều Tuyền Châu đã đến Sài Gòn, thăm Bảo tàng Mỹ thuật và nhiều di tích kiến trúc khác cùng khu mộ gia tộc Huỳnh Văn Hoa ở Bình Dương. Mục đích của đoàn công tác này là nhằm thu thập tư liệu để bổ sung cho các hồ sơ di tích kiến trúc nghệ thuật có liên quan gia tộc Huỳnh Văn Hoa ở Hạ Môn, Tuyền Châu, một mặt nhằm phục vụ các nghiên cứu về lịch sử Hoa kiều.Tên đúng của Quách ĐàmCũng tương tự những lầm lẫn trong tên gọi “Chú Hỏa”, ông Quách Đàm - người mà nay bức tượng vẫn được đặt ở chợ Bình Tây (Q.6) - lại không phải tên là Đàm. Tên thật ông này là Diệm (cũng đọc Diễm).Về sự lầm lẫn này có thể từ một trong hai nguyên nhân: một là nhìn lầm mặt chữ, có thể là do người Việt đầu tiên đã sơ ý nhìn chữ Diệm ra chữ Đàm rồi phiên âm sai, vì chữ Diệm dễ lầm với mấy chữ Đàm như sau: (đàm, viết lối hành thư), (đàm), (đàm), (đàm); hai là nghe lầm âm, việc này có thể do người Pháp ký âm và viết tên Quách Diệm là Quach Dam (Quach-dam) bởi nghe người Triều Châu phát âm Diệm là “iam”, gần như âm Đàm.Trên những văn bản chữ Hán do các học giả Hoa kiều ở Chợ Lớn như Lý Văn Hùng, Thi Đạt Chí... viết trong khoảng 1950-1960 đều viết Quách Diệm, trong Hoa kiều chí - Việt Nam (Đài Bắc, 1958) và Quảng Đông tỉnh chí - Hoa kiều chí (1996) đều viết tên là Diệm, tiểu sử nhân vật này trong các sách kể trên đều không nói Quách Diệm còn có tên khác là Đàm.Kẹt một nỗi là tên Quách Đàm đã trở nên rất phổ biến, từ cửa miệng cho đến tất cả các bài viết bằng tiếng Việt gần 70 năm qua, đến như Tsai Maw Kuey trong luận văn bằng Pháp ngữ Les Chinois au Sud-Vietnam (1968) cũng viết tên người này theo chữ Việt là “Quách - Đàm” (tr.37, tr.283).Gần đây, trong một nghiên cứu về Đồng Minh Hội, Thomas Engelbert cũng viết tên hai nhân vật Quách Đàm và Hứa Bổn Hòa bằng chữ Việt, điểm sai này có lẽ do tác giả chủ quan khi tham khảo tài liệu tiếng Việt.Vấn đề điều chỉnh tên riêng Quách Đàm cho đúng là Quách Diệm coi ra phức tạp hơn tên Huỳnh Văn Hoa rất nhiều, bởi trước giờ nhân vật này chỉ được người Việt biết đến chỉ độc nhất một cái tên, bao nhiêu bài viết, bài nghiên cứu đã ghi nhận, bây giờ sửa lại thành ra lạ lẫm.Cách xử lý vấn đề này của ban biên tập công trình Southeast Asian Personalities of Chinese Descent - A Biographical Dictionary khá linh hoạt và đáng để chúng ta tham khảo, khi tác giả Việt Nam gửi phần viết về Quách Đàm, người biên tập vẫn giữ vậy và ghi tiêu đề là Quách Đàm, nhưng phần tên chữ Hán lại viết (Guo Yan/Quách Diệm), và chú thêm “also known as Quách Đàm” (còn được biết với tên Quách Đàm), đây là cách chấp nhận sai lầm một khi sự sai lầm đã trở thành thói quen và ảnh hưởng rộng đến xã hội.Viết sai tên người bình thường đã là chuyện rất vô duyên, Quách Diệm và Huỳnh Văn Hoa lại thuộc hàng có tên có tiếng mà sự nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến lịch sử kinh tế và văn hóa vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.Mặt khác, họ là những nhân vật thường xuyên được nhắc đến bởi các học giả nước ngoài nghiên cứu lĩnh vực Hoa kiều Đông Nam Á, việc ghi sai tên họ đối tượng dẫn đến tình trạng “từ khóa” (keyword) trong nghiên cứu bất thông, đương nhiên sẽ cản trở học giới trong nước tiếp cận và khai thác những vấn đề hoặc thành tựu nghiên cứu mới.Các quan hệ giao lưu văn hóa trên bình diện quốc tế ngày càng mở rộng, việc ghi sai họ tên của một nhân vật lịch sử gần đây phần nào sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt văn hóa - du lịch của một thành phố lớn.Chú Hỏa tên Tây là Jean Baptiste Hui Bon Hoa, tên thật là Huỳnh Văn Hoa (1848-1901), còn có tên Tú Vinh, hiệu Tình Nham, nguyên tịch Hạ Môn, Phước Kiến. Tuổi thanh niên sang Sài Gòn làm công cho hiệu buôn, sau hùn hạp một số thương vụ, lần hồi tích góp được số tiền vốn mở riêng tiệm cầm đồ bình dân, sau nhờ quan hệ với những người Pháp có thế lực mới mở thêm việc mua bán nhà đất.Trở thành đại phú gia, thành lập Công ty Hui Bon Hoa, tài sản của công ty ở Sài Gòn - Chợ Lớn ước khoảng 30.000 căn nhà phố, 13 tiệm cầm đồ. Huỳnh Văn Hoa có 4 con trai, 11 con gái. Sau Thế chiến thứ nhất, Công ty Hui Bon Hoa lần lượt mở chi nhánh tại Hạ Môn, Thượng Hải, Hong Kong, Đài Loan.Sau Thế chiến thứ hai mở chi nhánh tại các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Canada, kinh doanh địa ốc, tiền tệ, mậu dịch quốc tế. Năm 1956 chuyển văn phòng chính sang Paris, năm 1974 gia tộc hầu hết di cư sang Pháp và các quốc gia khác. Tại Sài Gòn thời Pháp thuộc, tên Hui Bon Hoa được đặt tên cho một con đường (nay là đường Lý Thái Tổ).Tượng ông Quách Diệm ở chợ Bình Tây hiện nay - Ảnh: Minh ĐứcQuách Diệm (thường được gọi là Quách Đàm, 1863-1927), tự Thiệu Trí, hiệu Nhược Ngu, nguyên tịch Long Khê, huyện Triều An, Quảng Đông. Năm 14 tuổi sang Chợ Lớn mua bán phế liệu, da trâu, sau mở xưởng thuộc da, lập Công ty Thông Hiệp, kinh doanh xuất nhập khẩu hóa vật, thổ sản, xưởng rượu, xưởng dệt.Trong thị trường lúa gạo có mạng lưới thu mua khắp Nam kỳ, là cổ đông chính nhà máy xay lúa Di Xương, sau lại mở thêm ba nhà máy Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên (ở Mỹ Tho).Lập nhà máy đường Tây Ninh, mở hãng Thông Nguyên thu mua bông vải ở Campuchia. Lập hãng tàu biển Nguyên Lợi hoạt động vận tải các tuyến Sài Gòn - Singapore, Hong Kong, Quảng Châu, Sán Đầu (cũng là những nơi có phân hãng của Thông Hiệp và Di Xương). Năm 1902, Quách Diệm góp 1/5 tổng số tiền trùng tu Hội quán Nghĩa An, năm 1924 xây chợ Bình Tây.___________(*): Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa. Tags: Chú HỏaQuách ĐàmHuỳnh Văn HoaQuách DiệmJean Baptiste Hui Bon Hoa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.