Các chuyên gia cho rằng chỉ nên vận động các hộ kinh doanh quy mô lớn, thay vì ép tất cả hộ kinh doanh lên doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các chuyên gia, thay vì "ép" các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp (DN), nên có chính sách riêng với hộ kinh doanh, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển, giải quyết công ăn việc làm và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Bán nồi phở cũng phải làm "giám đốc"?
Chị Thủy (bán phở trong một con hẻm tại quận Bình Thạnh, TP.HCM đã hơn 10 năm nay) cho biết chỉ bán buổi sáng chừng vài chục tô, tiền lời đủ chi tiền chợ mỗi ngày, vẫn nộp thuế khoán và chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ lập doanh nghiệp và làm giám đốc vì quy mô quá nhỏ. "Hơn nữa, tôi cũng không biết làm sổ sách kế toán" - chị Thủy nói.
Mở tiệm làm tóc nhỏ tại nhà từ hơn 17 năm qua, chị Đào (Phú Nhuận) cho hay chỉ thuê thêm một thợ phụ, mỗi tháng dư ra khoảng 10 triệu đồng sau khi trừ các chi phí như thuê nhà, tiền công thợ, điện, nước, tiền mua dầu gội, mỹ phẩm...
"Xưa nay tôi chỉ tính toán và ghi chép đơn giản trong cuốn sổ tay để tổng kết doanh thu vào cuối ngày, chứ không hiểu gì về sổ sách kế toán" - chị Đào cho hay.
Nhiều hộ kinh doanh khác cũng cho biết nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ phải thực hiện chế độ kê khai, cần có nhân sự kế toán, phải nộp thuế theo hình thức kê khai, rất phức tạp so với sự am hiểu của hộ kinh doanh.
Bà Nguyễn Thanh Nga, chủ cửa hàng bán quần áo trên phố Đội Cấn (Hà Nội), băn khoăn nếu chuyển sang DN sẽ không biết hoạt động kinh doanh như thế nào.
Theo bà Nga, cửa hàng chỉ hoạt động túc tắc trong tám tháng, doanh thu cả năm đạt 150 triệu đồng nhưng chủ yếu là ba tháng cuối năm, tiền thuế nộp 2,5 triệu đồng/năm.
"Nếu bị ép thành lập DN, các chi phí sẽ đội lên như phải thuê kế toán làm sổ sách... Việc buôn bán ngày càng khó khăn. Nếu chính sách thay đổi mà không phù hợp với điều kiện thực tế sẽ gây bất lợi, thậm chí cản trở hoạt động kinh doanh của hộ cá thể" - bà Nga lo lắng.
Chỉ nên vận động hộ kinh doanh quy mô lớn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Minh, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng ngay cả các nước phát triển vẫn duy trì mô hình hộ kinh doanh chứ không xóa bỏ. Trong trường hợp xóa bỏ 5 triệu hộ kinh doanh, số lượng DN sẽ rất lớn và như vậy người buôn bán nhỏ như bán nồi bún riêu, bún bò cũng phải lập DN, làm giám đốc.
"Với những hộ buôn bán nhỏ tại nhà, bán đồ ăn sáng, hiện cơ quan thuế vẫn thu thuế khoán với mức phổ biến 200.000 - 300.000 đồng/tháng tùy quy mô. Theo tôi, quy định như hiện nay thì vận động những hộ kinh doanh có quy mô lớn và sử dụng 10 lao động thường xuyên trở lên lập DN là phù hợp, chứ không nên xóa bỏ hộ cá thể và yêu cầu tất cả phải lên DN" - ông Minh nói.
Trong khi đó, một số chi cục thuế cũng cho rằng cơ quan quản lý chỉ vận động những hộ kinh doanh có quy mô lớn lên DN và vẫn có tình trạng đối phó. Chẳng hạn có hộ miễn cưỡng lập DN nhưng không đóng cửa hộ kinh doanh cũ, dẫn đến tại một địa chỉ kinh doanh tồn tại một hộ kinh doanh và một DN.
Trong quá trình kinh doanh, trường hợp nào yêu cầu xuất hóa đơn hộ này mới "đẩy" sang DN, còn nếu không vẫn ghi nhận doanh thu cho hộ kinh doanh và không xuất hóa đơn. Như vậy, vẫn có DN thành lập mới nhưng không đúng mục đích của cuộc vận động là thúc đẩy hộ cá thể lên DN.
Một số khác lên DN một thời gian lại giải thể, cho thành viên khác trong gia đình đứng tên thành lập hộ kinh doanh và hoạt động như cũ. "Do vậy, nếu ép tất cả 5 triệu hộ lên DN có khả năng họ lại tìm cách đối phó và việc quản lý sẽ thêm phần khó khăn" - một cán bộ thuế khuyến cáo.
Đừng "giết" hộ kinh doanh
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ cho rằng đề xuất xóa hộ kinh doanh là rất vô lý và không khả thi. Nếu tư duy cứ kinh doanh là DN và các hộ sẽ trở thành DN là không phù hợp với điều kiện thực tế của VN cũng như hoạt động sản xuất của DN.
Nhiều hộ kinh doanh lớn đã chuyển đổi thành các DN là chủ trương đúng, nhưng trong số hộ kinh doanh của cả nước thì phần lớn hộ kinh doanh có quy mô siêu nhỏ, doanh số rất bé vài chục triệu đồng/năm.
Cũng theo ông Thụ, bản chất hoạt động của hộ kinh doanh là các cá nhân kinh doanh. Nếu bắt các hộ kinh doanh phải thành lập tổ chức kinh tế dưới hình thức DN có nghĩa là họ phải có bộ máy gồm giám đốc, kế toán... Như thế chi phí kinh doanh sẽ rất lớn, tạo gánh nặng cho các hộ kinh doanh và phần lớn hộ kinh doanh sẽ phá sản hàng loạt.
Cùng quan điểm, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng hộ kinh doanh cá thể gắn liền sản xuất trong hộ gia đình với tài sản của chính họ và doanh thu siêu nhỏ.
Nếu buộc phải lên DN nghĩa là phải có hợp đồng khi sử dụng lao động, có sổ sách kế toán, có chứng từ hóa đơn... như DN thì ngay trong một vài năm tới thực sự sẽ là gây khó khăn, thậm chí xóa sổ loại hình kinh doanh này.
"Nếu áp dụng hình thức quản lý các hộ kinh doanh cá thể như DN khác gì bắt người béo, người gầy, người cao, người thấp mặc chung một bộ quần áo cùng cỡ.
Trong khi điều quan trọng nhất là cơ chế quản lý đối với hộ kinh doanh phải phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển mới mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Nếu như thiết lập quan hệ quản lý không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, mà ở đây là sẽ làm kinh tế hộ chết đứng" - ông Thụ khuyến cáo.
Phải có chính sách riêng với hộ kinh doanh
Cả nước có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và có đóng góp tới hơn 30% GDP. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN, có nhiều chính sách khuyến khích như thuế thu nhập DN đối với DN siêu nhỏ chỉ 17%, thấp hơn DN vừa và lớn 3% nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn ngần ngại chuyển đổi lên thành DN.
Như vậy, điều đặt ra là cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán... để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng DN tư nhân đủ mạnh. Có thể thực hiện thuế khoán, còn chế độ kế toán phải đơn giản, dễ sử dụng và phù hợp với trình độ quản lý của các hộ kinh doanh. Bởi không thể bắt các DN siêu nhỏ cũng thực hiện các quy định, thủ tục hành chính hay các gánh nặng thuế như DN quy mô lớn.
Do đó, Luật DN sửa đổi lần này cần phải có những quy định để công nhận hộ kinh doanh là một loại hình DN. Và trong luật này cũng cần thiết kế lại toàn bộ hệ thống pháp lý của nước ta đối với các DN siêu nhỏ - tức là các hộ kinh doanh gia đình. Đã tới lúc các hộ kinh doanh cần một khung khổ pháp lý riêng, một chương riêng trong Luật DN, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong nghị định hướng dẫn Luật DN như hiện nay.
Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI)
DN siêu nhỏ có chế độ kế toán riêng
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư 132 hướng dẫn chế độ kế toán theo hướng rất đơn giản, phù hợp với hoạt động kinh doanh của DN siêu nhỏ.
Theo đó, đối với sổ kế toán, DN siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán, biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình, hoặc có thể áp dụng biểu mẫu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính nếu không tự làm được.
Trong thông tư, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết chế độ kế toán đối với hai đối tượng. Một là đối với DN siêu nhỏ nộp thuế theo tỉ lệ doanh thu (giống như thuế khoán hiện nay - PV), chỉ cần ghi sổ sách doanh thu bán hàng vào sổ để biết được tổng doanh thu theo tháng hay theo năm là bao nhiêu và thông báo cho cơ quan thuế trên địa bàn.
Còn với DN siêu nhỏ nộp thuế thu nhập DN theo phương pháp doanh thu trừ chi phí, tức là nộp thuế theo mức thuế thu nhập DN siêu nhỏ, chỉ cần ghi sổ sách doanh thu, lưu lại hóa đơn, chứng từ như hóa đơn mua hàng, bán hàng, tiền lãi vay ngân hàng... để được trừ trước khi tính thuế.
Nếu DN có nhiều nghiệp vụ phát sinh như trích lập các khoản dự phòng (tổn thất đầu tư tài chính, dự phòng giảm giá chứng khoán hay trích trước chi phí, đầu tư tài chính...), có thể thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư 133 năm 2016 của Bộ Tài chính.
Ông Vũ Đức Chính (cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận