Sau bài viết "Mức doanh thu chịu thuế quá thấp làm khó người kinh doanh nhỏ", hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi. Trong đó đa phần cho rằng ngưỡng doanh thu chịu thuế với hộ kinh doanh hiện nay quá bất hợp lý.
Doanh thu tưởng to, nhưng phần lớn là giá vốn
Bạn đọc tài khoản Hủ Tiếu cho biết từ sau dịch COVID-19 đến giờ vật giá cái gì cũng tăng, có cái tăng gấp đôi. Bán 1 tô hủ tiếu, 1 tô phở giá 40.000 đồng trừ nguyên liệu, điện, nước, gas, mặt bằng nhân viên... ra thì lời được 5.000 đồng, 6.000 đồng/tô.
Bạn đọc Thủy Vũ đặt câu hỏi: "Bán 7 tô phở 280.000 đồng vậy mỗi tô họ chi phí bao nhiêu, lợi nhuận thực tế vào túi họ là bao nhiêu, chứ giờ tôi bán 10 thùng bia thu về 2,6 triệu đồng nhưng tiền gốc đã bỏ ra 2,55 triệu đồng rồi, lãi có 50.000 đồng thì đóng thuế như thế nào?".
Bạn đọc NTPhương đưa ra ví dụ, cửa hàng tạp hóa doanh thu một ngày khoảng 1 triệu nhưng thực tế lợi nhuận chưa chắc được 100.000 đồng.
Cùng ý kiến, bạn đọc tên Anh Hai cho rằng doanh thu hộ kinh doanh có thể lên đến 200 - 300 triệu đồng/năm nhưng trừ đi tiền mặt bằng, tiền điện, nước, nhân công, khấu hao máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất… sẽ không còn bao nhiêu.
Cũng mặt bằng khu vực đó nếu chủ nhà kinh doanh thì có lãi nhưng người khác thuê kinh doanh thì lãi ít hoặc không lãi.
Bạn đọc tên Vân chia sẻ: "Tôi bán online trên app kiếm thu nhập sinh hoạt, ngoài 20 - 25% chiết khấu cho app, chi phí quảng cáo, khuyến mãi để có khách còn phải gánh thêm mấy loại thuế nhưng không thể bán giá cao vì khách muốn rẻ".
Một độc giả cho rằng nếu doanh thu 300 triệu đồng một năm, tương đương 820.000 đồng/ngày, trừ các khoản còn lời tầm 250.000 đồng/ngày là nhiều.
Điều chỉnh ngưỡng chịu thuế hợp lý
Đa số ý kiến đều mong mỏi cơ quan quản lý điều chỉnh ngưỡng chịu thuế với hộ kinh doanh cho phù hợp.
Ngưỡng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm như hiện nay mà hộ kinh doanh đã phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu là quá lạc hậu và không công bằng, vì hộ kinh doanh không được giảm trừ gia cảnh như cá nhân làm công ăn lương.
Theo bạn đọc tên Minh, nếu chỉ tính thu nhập mà không quan tâm đến lợi nhuận thì khác nào ép hộ kinh doanh nhỏ phải đóng thuế, dù lời hay lỗ.
"Mong cơ quan chức năng hiểu nỗi khổ của người kinh doanh nhỏ mà tính toán hợp lý. Tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường đều đã qua nhiều lần thuế. Nếu hộ kinh doanh làm ăn hiệu quả thì lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng nhiều lần, thuế sẽ không mất đi", độc giả Minh nêu ý kiến.
Một bạn đọc khác phản hồi: "Trên thực tế, đa phần hộ kinh doanh chỉ gồm vợ chồng, con cái phụ nhau buôn bán cải thiện thu nhập. Thu nhập có được trang trải nhiều chi phí, trong đó lo cho con cái tiền ăn học mệt đứt hơi. Chưa kể lúc ốm đau bệnh tật.
Nên có giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để họ khá dần lên".
Bạn đọc Nguyễn bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nên nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ cho đối tượng hộ kinh doanh. Trong đó có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
"Điều chỉnh quy định sao cho phù hợp với thực tế chứ áp dụng theo mức hiện tại không phù hợp, thiệt quá cho người lao động", độc giả Võ Hiền bày tỏ.
Một bạn đọc khác gợi ý nên căn cứ theo mức giảm trừ với cá nhân người làm công ăn lương và người phụ thuộc, từ đó tính ra ngưỡng thu nhập chịu thuế với hộ kinh doanh. Như vậy sẽ hợp lý hơn cách tính hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận