27/03/2013 19:25 GMT+7

Hồ Baikal - viên ngọc của vùng Siberia

HOÀNG HÀ MAI
HOÀNG HÀ MAI

TTO - Nằm trong vùng thiên nhiên hoang dã thuộc Siberia, hồ Baikal là hồ sâu nhất thế giới, cũng là nơi sinh sống của những cộng đồng cư dân đông đúc, thịnh vượng, bất chấp thời tiết khắc nghiệt nơi này.

1. Hồ sâu nhất thế giới

fIv6kdiW.jpgPhóng to

Là một trong số các kỳ quan tự nhiên của thế giới, hồ Baikal vốn là một khe nứt lớn của Trái đất, hình dáng tựa mảnh trăng lưỡi liềm. Dài gần 640km, rộng hơn 80km, hồ Baikal nằm hoàn toàn trong vùng Siberia rộng lớn và giữ kỷ lục là hồ nằm ở nơi hoang vu nhất: cách bờ Thái Bình Dương gần 3.200km về phía tây, cách Matxcơva 5.100km về hướng đông và cách biên giới Mông Cổ 200km về phía bắc.

Với chiều sâu hơn 1km, đây cũng là hồ sâu nhất thế giới với trữ lượng 23 tỉ m3 nước, nhiều hơn toàn bộ số nước trong hệ thống ngũ hồ lớn ở Bắc Mỹ. Có hơn 300 nhánh sông đổ vào hồ Baikal, tuy nhiên chỉ có duy nhất sông Angara đưa nước ra khỏi hồ, đổ vào Bắc Băng Dương. Nước hồ trong đến mức bạn có thể nhìn được sâu xuống đáy tới hơn 40m.

2. Con đường băng

DQSnuYIf.jpgPhóng to

Lớp băng dày bắt đầu phủ dần, viền quanh hồ từ tháng 12 đến đầu tháng 1 hằng năm. Toàn bộ mặt hồ phủ một lớp băng dày đặc, đóng chặt cho đến tháng 4, đôi khi sang cả đầu tháng 5. Lớp băng dày đến mức mọi người có thể di chuyển như trên đường cao tốc. Đủ các loại xe, từ những chiếc Lada thuần Nga cho tới những chiếc xe kéo chạy hàng đoàn như đang chạy trên đất liền.

Đặc biệt, một tuyến đường sắt tạm đã từng được xây dựng trên mặt hồ đóng băng vào mùa đông năm 1904 sang xuân năm 1905, thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Trong ảnh là một chiếc tàu được kéo lên bờ ở Listvyanka, thị trấn du lịch nổi tiếng nhất vùng hồ.

3. Giao thông

ghrkwght.jpgPhóng to

Thành phố Irkutsk nằm khoảng 70km về phía tây bắc so với phần đuôi phía nam hồ Baikal là điểm giao thông thuận lợi nhất để di chuyển đến đây. Các chuyến tàu Trans-Siberian chạy từ Matxcơva với hành trình 5 ngày, Vladivostok 2-3 ngày, từ Ulan Bato 30 giờ và từ Bắc Kinh 60 giờ.

4. Kiến trúc Nga hoàng

QiI3DuaD.jpgPhóng to

Rất nhiều du khách dành hẳn 1-2 ngày để khám phá những ngôi nhà thờ có nóc tròn kiểu củ hành đặc trưng ở Irkutsk. Đây là kiểu kiến trúc đặc trưng thời kỳ các Nga hoàng với tiền sảnh mang phong cách cổ điển, nhiều tầng và hoàn toàn bằng gỗ.

5. Viên ngọc vùng Siberia

en47cnZS.jpgPhóng to

Jack Sheremetoff, ông chủ nhà nghỉ Baikaler, đồng thời kiêm cả hướng dẫn viên, nói: “Đối với người dân Nga, hồ Baikal là viên ngọc của vùng Siberia. Hầu hết những hồ trên thế giới chỉ khoảng 20.000 năm tuổi. Riêng hồ Baikal ít nhất cũng 25 triệu năm. Ở đây có hệ sinh thái độc đáo với hơn 1.000 loài động vật không có ở nơi đâu trên thế giới”.

Nhà nghỉ và văn phòng du lịch này của ông Jack là địa điểm được rất nhiều du khách biết đến.

6. Nerpa - loài vật có nguy cơ biến mất

4JGGneBv.jpgPhóng to

Nổi tiếng nhất trong vùng hồ là loài hải cẩu Baikal nerpa. Được cho đã di chuyển đến đây từ Bắc Bắc Dương hơn 800.000 năm trước, những chú hải cẩu nhỏ da trơn này đã trở thành biểu tượng của vùng di sản thiên nhiên Baikal diệu kỳ.

Sự ô nhiễm và nạn săn trộm đã làm giảm phần lớn số lượng nerpa. Hiện chỉ còn khoảng 60.000 con đang sinh sống trong hồ, giảm hơn 100.000 con so với vài năm trước. Hải cẩu Baikal hay ẩn náu nên rất khó quan sát. Du khách đến đây thường chọn cách đến thăm vườn nuôi hải cẩu nerpa ở Irkutsk hoặc Listvyanka.

7. Cộng đồng người thiểu số đông nhất ở Nga

5E070B4R.jpgPhóng to

Nerpa vốn không có kẻ thù tự nhiên nào nên số lượng lẽ ra phải tăng không ngừng. Tuy nhiên, chúng đã bị săn bắt trong nhiều thập kỷ bởi người Buryat, những cư dân bản xứ vùng hồ Baikal (các nhà thám hiểm người Nga mới chỉ bắt đầu đặt chân đến Baikal từ năm 1643).

Có dân số khoảng 350.000 người, ngày nay người Buryat là cộng đồng người thiểu số đông nhất ở Nga. Họ tập trung sinh sống chủ yếu ở nước Cộng hòa Buryatia. Trong ngôn ngữ của người Buryat, hồ Baikal được gọi là Dalai-Nor, nghĩa là vùng biển thiêng.

8. Dấu tích của Shaman giáo

GSxyVBEl.jpgPhóng to

Tôn giáo chính từng là Shaman giáo (đạo bùa chú), rất nhiều người Buryat đã dần chuyển sang đạo Phật giống như những người hàng xóm Mông Cổ. Dù trong thời kỳ Xô viết, các hoạt động bài trừ tôn giáo được thực hiện rộng khắp, nhưng những dấu tích của Shaman giáo vẫn còn tồn tại khắp nơi ở Buryatia.

Những nơi có dấu tích này được gọi là ovoo, là những điểm đến rất thu hút khách hành hương. Họ treo lên các cành cây những dải ruy băng hay những miếng vải nhỏ để thể hiện lòng thành kính cũng như gửi lời cầu nguyện tới các linh hồn.

9. Khu nghỉ dưỡng

r5dRuw2u.jpgPhóng to

Nằm ngay phần đuôi phía nam của hồ Baikal, cách Irkutsk 200km về phía tây, Arshan là khu nghỉ dưỡng mùa hè rất nổi tiếng. Nơi đây có suối nước nóng thiêng và một ngôi đền thờ Phật bé nhỏ mang tên Badkhirkharma Datsan (trong ảnh).

Khách nghỉ dưỡng không đến đây vào mùa đông, tuy nhiên một khu chợ nhỏ của người Buryat gần suối nước nóng vẫn mở cửa. Mọi người đến để mua và bán các loại thuốc cổ truyền, giày dép cùng một loại kẹo cao su độc đáo làm từ nhựa thông.

Theo BBC

HOÀNG HÀ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên