Cuối tháng 12 năm ngoái, ông Vũ Tiến Thành được mời về Hoàng Anh Gia Lai làm giám đốc kỹ thuật. Đến đầu năm nay, ông được giao thêm nhiệm vụ HLV trưởng để thay Kiatisak Senamuang. Chỉ trong vài tháng ít ỏi, ông Vũ Tiến Thành đã giúp cho đội bóng từ chỗ ngụp lặn ở nhóm trụ hạng vươn lên đứng hạng 10 với 22 điểm, kém vị trí rớt hạng 12 điểm khi V-League chỉ còn 10 vòng.
Tại vòng 18 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục giữ vững phong độ khi cầm hòa đội đầu bảng Nam Định. Sau đó, HLV Vũ Tiến Thành đã có cuộc trò chuyện với một số phóng viên tại Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
* Theo ông, sự khác biệt giữa Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai và JMG trước đây?
- Học viện JMG từng đào tạo lứa cầu thủ như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… đã được đổi tên thành Học viện bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai. Định hướng của JMG nói cho dễ hiểu là "đào tạo gà nòi", nghĩa là mang đến những cầu thủ xuất sắc.
Đây là một trong những chương trình được HLV Arsene Wenger khuyến khích và được mang sang châu Á áp dụng tại Thái Lan, Việt Nam… Bây giờ đã hơn 10 năm, sự thay đổi là rất lớn. Bóng đá bây giờ được cập nhật và được xem là nền bóng đá công nghiệp.
Việc đào tạo, huấn luyện vì vậy cũng có sự thay đổi lớn. Thời gian qua Hoàng Anh Gia Lai gặp khó khăn nên việc đầu tư cho học viện cũng chỉ ở một mức độ. Trong năm vừa qua, nhận được sự tiếp sức, chúng tôi muốn hướng đến việc đào tạo theo hướng giống với học viện PVF, một trong những học viện lớn của châu Á.
Trong 4 tháng vừa qua, sự thay đổi ở học viện là rất lớn. Chúng tôi lựa chọn con đường đào tạo theo hướng học viện. Chương trình mới sẽ phù hợp và cung cấp lực lượng kế thừa cho CLB Hoàng Anh Gia Lai.
* Khi ông đến với Hoàng Anh Gia Lai, triết lý trong lối chơi của đội bóng có thay đổi?
- Triết lý của tôi rất rõ ràng. Đầu tiên là trong bản sắc, với tôi, Hoàng Anh Gia Lai phải là đội bóng có văn hóa chiến thắng. Đó là điều không thể thay thế. Tôi phải dạy cho các cầu thủ khát khao chiến thắng thì họ mới có thể mang đến chiến thắng.
Điều này trước đây không được thể hiện rõ ràng. Thời gian trước, Hoàng Anh Gia Lai tuy thi đấu với tinh thần tốt nhưng thiếu khát khao. Phải từ cái khát khao, HLV mới truyền đạt cho họ tinh thần thi đấu như một chiến binh.
Sự thay đổi về triết lý cần phải được thực hiện đầu tiên ở đội một. Có rất nhiều cách để làm. Trước đây ở JMG, nguyên tắc đào tạo cầu thủ chơi phòng ngự không được rõ ràng. Vì vậy nhiều người khi lên đội một không nắm bắt được điều đó. Họ có kỹ thuật tốt, ban bật hiệu quả nhưng lại thiếu kỹ năng phòng ngự.
Do đó trong quãng thời gian từ 2015 khi lứa Xuân Trường, Công Phượng ra chơi ở V-League, gần như chỉ có mùa 2021 họ chơi tốt, ở gần chức vô địch nhưng đáng tiếc giải bị hủy vì COVID-19. Còn lại thì thành tích không đạt.
Khi ra đấu trường như V-League mà thiếu khát khao chiến thắng thì rất khó. Đó là điều mà tôi nghĩ Hoàng Anh Gia Lai cần thay đổi. Do đó khi tái cấu trúc học viện, tôi phải truyền đạt điều đó rất nhiều lần. Trong khoảng 4 tháng qua khi tôi làm việc tại đây, Hoàng Anh Gia Lai có sự thay đổi lớn đặc biệt ở đội một.
* Với lực lượng như hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai không được đánh giá cao. Thế nhưng CLB lại đang gây ấn tượng với chuỗi 9 trận bất bại liên tiếp. Điều gì đã dẫn đến kết quả này?
- Điều đầu tiên tôi làm khi đến Hoàng Anh Gia Lai là xem lại tất cả các trận của đội từ mùa giải năm ngoái đến năm nay. Hai mùa vừa qua, nói Hoàng Anh Gia Lai đá đẹp, đá kiểm soát thì cũng không hẳn đúng.
Nền tảng thể lực của các cầu thủ không quá tốt. Tôi đã đề nghị bác sĩ mời chuyên gia y tế, thể thao từ Hà Nội vào để đo chỉ số cơ thể cầu thủ. Và gần như họ đều quá cân. Một số cầu thủ như Minh Vương, Thanh Lâm, Đình Sơn thậm chí béo phì.
Nếu xem lại các trận trước đây sẽ thấy rằng khi xuống sức, các cầu thủ sẽ tự động chuyển sang đá bóng dài. Nhiều người lẫn lộn rằng Hoàng Anh Gia Lai đá kỹ thuật. Nhưng khi nền tảng thể lực không có thì họ chỉ đá được như vậy trong một số thời điểm. Do đó điều đầu tiên tôi làm là cải thiện thể lực.
Điều thứ hai là cải thiện về sự khát khao. Sau này, Minh Vương có kể với tôi rằng trong một lần đá ở V-League, bạn không đủ sức để theo kèm đối phương nên bị Tuấn Anh trách.
Các chỉ số đo được cho thấy trung bình mỗi cầu thủ chỉ có thể di chuyển trung bình 7.500m/trận. Khối lượng vận động như vậy là tương đối thấp. Thời tôi còn làm ở PVF, chỉ số cầu thủ khi đó cao hơn rất nhiều.
Bóng đá ngày nay, thông số nói lên rất nhiều. Tôi nhớ trong 1 tháng đầu tôi đã lên chương trình tập luyện rất khó khăn, vất vả. Nhiều bác sĩ nói với tôi rằng chưa bao giờ cầu thủ phải tập nặng như vậy. Do đó tôi phải động viên họ rằng nếu không tập như vậy thì họ không thể đá với ai được. Đặc biệt khi ở năm nay nhiều trụ cột của CLB ra đi.
Gần như các buổi tập, họ cũng không tranh cướp bóng. Tôi nói với họ rằng đá kiểu này rất khó thắng. Bóng đá ngày nay không phải chỉ cầm bóng mà đá, mà khi mất bóng thì phải đoạt lại bóng để triển khai tấn công.
Đó là điều mà tôi quyết tâm làm. Sau 1 tháng đó, chúng tôi trải qua trận thua Hồng Lĩnh Hà Tĩnh rồi tiếp theo là 2 trận hòa. Nhưng chúng tôi vẫn kiên định vì giải đấu là đường dài chứ không chỉ có vài trận.
* Triết lý của ông ở CLB Hoàng Anh Gia Lai là gì?
- Đó là đảm bảo sự chắc chắn. Tôi hay lấy ví dụ về một con tàu bị thủng và đang chìm thì chúng ta làm gì.
Chắc chắn nếu ta cố gắng chèo về bờ thì chúng ta sẽ càng chìm. Thay vào đó, ta cần phải vá lỗ thủng và tát nước ra ngoài. Khi đó, tàu của ta vững chãi rồi thì ta mới có thể tiến lên phía trước. Với triết lý đó, từng bước chúng tôi thay đổi. Chuỗi 9 trận bất bại đã qua thì chưa thể gọi là kỳ tích mà chỉ có thể gọi là "liệu cơm gắp mắm".
Tôi hay nói với cầu thủ rằng tôi cần những chiến binh chứ không phải hoa hậu thân thiện. Khi nền tảng thể lực được nâng lên thì nó thay đổi rất nhiều. Tôi cũng muốn cho nhiều cầu thủ trẻ được tham gia thi đấu. Gần như vào lúc này, hầu hết mọi người đã được ra sân.
Khi cho cầu thủ thi đấu thì ta đang tạo động lực cho họ. Đặc biệt với tần suất thi đấu cứ 2 ngày/trận như V-League lúc này, việc có một lực lượng dày, ít chênh lệch sẽ tạo ra hiệu quả. Hiện nay Hoàng Anh Gia Lai đang có được điều đó.
* Ông nhìn nhận gì từ một số góc nhìn tiêu cực đến từ truyền thông, người hâm mộ?
- Tôi thấy rằng không chỉ có truyền thông Việt Nam mà trên thế giới cũng khá giống nhau. Nhưng tôi nghĩ những hiệu ứng tiêu cực cũng chỉ là số ít. Tính tôi hay nói thẳng, nói thật và làm những điều tôi cho là tốt. Khi làm việc, tôi luôn toàn tâm toàn ý với CLB.
Ở mùa đầu tiên làm việc cùng CLB Sài Gòn, ban huấn luyện ở đó vẫn giữ cách làm truyền thống là không sử dụng công nghệ. Tôi có góp ý thì mọi người lại không lắng nghe dù tôi là chủ tịch CLB. Tôi thấy phương pháp đó rất cũ kỹ, mà tìm HLV thì khó nên tôi nhảy vào làm luôn. Khi đó tôi làm căng thì có một số người không thích.
Nhưng mùa giải năm đó đội Sài Gòn thi đấu thành công. Các bài tập luôn được xem trước, xây dựng theo triết lý của tôi là phòng ngự phản công. CLB Sài Gòn năm đó cũng giống Hoàng Anh Gia Lai bây giờ: lực lượng không tốt, cầu thủ cũng không phải tên tuổi. Tôi đã xây dựng và thay đổi nhiều. Đến mùa 2022, tôi mạnh dạn thay 21 cầu thủ để tạo ra lối chơi theo triết lý của mình.
Trước khi về Hoàng Anh Gia Lai, tôi cũng nhận được lời mời từ một CLB khác. Khi đó tôi khá lưỡng lự nhưng cuối cùng chọn theo bầu Đức. Khi đó tôi chỉ nghĩ là mình hỗ trợ Kiatisak mà thôi. Tôi cũng yêu bóng đá trẻ nên muốn làm lại để đào tạo trẻ của Hoàng Anh Gia Lai được tốt hơn. Con đường đó cuối cùng đẩy tôi thành HLV trưởng.
Theo tôi, với một người làm bóng đá thì không nên quan tâm quá nhiều về mạng xã hội. Nếu ta quan tâm quá nhiều, nó sẽ ảnh hưởng đến tính kiên trì của bản thân với đội bóng. Khi ta đặt ra mục tiêu, nếu bị phân tâm sẽ rất khó thực hiện.
Vừa qua một số người nói Hoàng Anh Gia Lai đá xấu xí, thật sự không phải. Một số CĐV nói với tôi rằng họ thích cầu thủ vào đá như những chiến binh hơn. Đã là một trận đấu thì phải có người thắng.
Vì vậy nếu không vào sân với tinh thần của chiến binh, ta không thể giành chiến thắng. Bóng đá ngày nay không chỉ có cầm bóng mà đá, không thể chơi theo kiểu tài tử. Ta còn phải tính chuyện khi không có bóng thì phải làm gì.
* Với ông, đâu là ưu đểm của những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai?
- Bóng đá ngày nay không phải chỉ là vào chơi và tận hưởng cho vui. Nó là một cuộc chiến. Khi tôi về Hoàng Anh Gia Lai thì họ chỉ mới có 2 điểm. Tinh thần cầu thủ cũng đi xuống, mất niềm tin.
Tôi thì có kinh nghiệm truyền động lực. Từng ngày tôi trao đổi, động viên họ. Hiện nay chúng tôi hợp tác rất tốt, không chỉ trên sân mà còn là sự ăn ý, thấu hiểu về mặt tình cảm. Tôi cho rằng đó là điều thành công.
Tôi từng nói rằng trong bóng đá nếu không có thành tích, ta sẽ rất khó để nói về những dự án mới. Hoàng Anh Gia Lai là môi trường bóng đá lành mạnh. Nền tảng bầu Đức xây dựng giúp các em được học hành, có nền tảng tốt. Gần như các cầu thủ có thể nói chuyện, đàm thoại bằng tiếng Anh, dễ dàng trao đổi với các ngoại binh như Jairo, Gabriel.
Khi có sự thay đổi, các cầu thủ rất cầu thị và muốn cống hiến. Một trong những yếu tố nữa giúp mang đến thành công là các em rất yêu nơi đây và muốn có nhiều đóng góp cho CLB. Đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của họ.
Từng làm ở Sài CLB Sài Gòn hay CLB TP.HCM, tôi thấy các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai có sự hy sinh lớn hơn nhiều. Buổi tối họ chỉ ăn ở, sinh hoạt loanh quanh đây. Những công việc cần giải quyết riêng thì có thể về Pleiku, cách đây khoảng 15km. Điều đó giúp cho sự thay đổi được thuận lợi.
Lực lượng của Hoàng Anh Gia Lai không phải quá tốt, non kinh nghiệm nhưng vẫn có được thành tích 9 trận bất bại. Nó chưa phải là cái gì quá lớn lao, nhưng vẫn là cơ sở cho đội trụ hạng năm nay và năm sau có mục tiêu lớn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận