Ra mắt mục Góc nhìn chuyên gia trên TTO
Phóng to |
HLV Trần Đức Quỳnh (bìa trái) cùng đội tuyển quần vợt VN chụp ảnh lưu niệm trước khi lên đường đến Tehran, Iran thi đấu Davis Cup 2012 - Ảnh: Vietravel |
Với tư cách là người trong cuộc, HLV Trần Đức Quỳnh đã chủ động gửi bài viết này đến TTO, kể ba câu chuyện không hay dưới đây. Theo anh, đó cũng là dịp để quần vợt VN nhìn lại mình đồng thời qua đó lý giải vì sao quần vợt VN thời gian qua giậm chân tại chỗ.
1 - Bỏ cuộc
"Con ra đánh thử, nếu thấy không thắng thì bỏ cuộc nhé! Đừng để nó thắng mình, nhục lắm!" - đó là những câu từ thường xuyên được các phụ huynh quần vợt chỉ đạo các VĐV trẻ mà tôi hay nghe được. Và được giáo dục như thế, lâu ngày trở thành thói quen mất thôi.
Thật ra, khi chỉ đạo như thế, các bậc phụ huynh này chẳng hiểu tí gì về thể thao!
Là HLV trưởng thành từ VĐV, tôi thấm thía câu nói "thất bại là mẹ của thành công". Nếu sĩ diện, chẳng bao giờ tiến bộ cả. Còn nhớ hồi còn chơi quần vợt cho trường cao đẳng bên Mỹ, dù quần vợt chỉ là môn thể thao trong trường thôi (không phải là môn thể thao chuyên nghiệp) nhưng chúng tôi được giáo dục là không bao giờ bỏ cuộc. Mọi trận đấu điều phải kết thúc, dù bất cứ lý do gì. Và ai vi phạm sẽ có hình thức phạt. Cho nên hai từ ‘’bỏ cuộc‘’ là cái gì nhục nhã và hèn nhát đối với chúng tôi. Nên nhớ, ngay cả ngôi sao quần vợt Roger Federer năm nay dù đã 32 tuổi vẫn vác vợt ra sân thi đấu và rất ít khi bỏ cuộc.
Ngoài ra, còn một điều đáng buồn nữa là không chỉ phụ huynh VĐV, VĐV mà ngay cả trọng tài quần vợt VN cũng không ý thức được tác hại của hai từ “bỏ cuộc".
Tôi từng chứng kiến ông tổng trọng tài tại giải quốc gia nói với chúng tôi là "thôi tụi mày chung đơn vị đánh làm gì, bốc thăm hên xui ai thắng cũng được" hay đại loại những câu như "tụi mày chung đơn vị, định diễn trò gì trước mặt tao vậy!?".
2 - Thiếu hiểu biết về quần vợt
Sự thiếu hiểu biết về quần vợt cũng thể hiện khi tay vợt số 1 U-14 VN là Nguyễn Đắc Tiến tại giải vô địch đồng đội U-14 ở Kuching, Malaysia lại bị ITF Junoir phạt cấm thi đấu một giải vì sau mỗi điểm thắng em tung cú "knock out" vào mặt đối thủ và la lớn hai chữ “come on". Em bị phạt mà vẫn cãi với BTC là Rafel Nadal làm như thế được mà…
Mục Góc nhìn chuyên gia là cầu nối để những nhân vật có tiếng tăm trong làng thể thao chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm của mình hoặc vấn đề đang được dư luận quan tâm, nhằm tìm ra giải pháp đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển. Đây còn là nơi để những chuyên gia, HLV trong các lĩnh vực của thể thao cung cấp cho bạn đọc có một cái nhìn toàn cảnh về thể thao Việt Nam. Mời bạn đọc theo dõi và đóng góp ý kiến để chuyên mục này ngày càng thú vị, hấp dẫn hơn. |
Xin thưa, khi đó Rafel Nadal chỉ tung nấm đấm lên bầu trời, hay anh ta quay lưng lại với đối thủ chứ không phải cư xử thiếu văn hóa như VĐV Đắc Tiến nghĩ đâu. Lẽ ra mấy chuyện này HLV phải phân tích cho VĐV mình biết để tránh, không nên phấn khích như vậy.
Theo luật thi đấu quần vợt ITF thì cấm VĐV không được lăng mạ, xúc phạm trực tiếp hay có hành động gì chạm vào đối thủ của mình. VĐV vi phạm sẽ bị xử thua hoặc nặng hơn là cấm thi đấu.
Nghe câu chuyện của Đắc Tiến, tôi thấy thương em. Với một tinh thần như vậy, nếu em có được sự hiểu biết về quần vợt chắc chắn sẽ không gặp trường hợp đáng tiếc đó.
Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết trong cách áp dụng luật đánh super tie break (10 điểm luân lưu) cũng là một tai hại cho VĐV.
Trong khi tại các giải đơn nhà nghề người ta đánh đủ ba ván thắng hai (cấp cao hơn còn đánh năm ván thắng ba), nhưng quần vợt VN lại học luật super tie-break từ những hệ thống giải quần vợt không chuyên của nước ngoài.
Vô hình trung điều này làm các VĐV VN lười biếng, cứ ráng thắng ván đầu, bỏ ván sau để đánh 10 điểm tie break.
Một điều học hỏi thiếu hiểu biết nữa của trọng tài quần vợt VN là khi các VĐV cùng đơn vị cứ bốc thăm gặp nhau vòng đầu, hay cùng nhánh với nhau. Điều này diễn ra thường xuyên tại các giải quần vợt quốc gia (không phải ngẫu nhiên vì hầu như giải nào cũng vậy, nên chưa bốc thăm thì chúng tôi cũng đoán được kết quả rồi).
Tôi nghĩ trọng tài VN học cách bốc thăm này tại các giải Men Futures. Nhưng họ không suy nghĩ vì sao trọng tài tại các giải Men Futures có cách bốc thăm này, vì mỗi tuần điều có giải Men Futures diễn ra khắp nơi trên thế giới, các VĐV muốn chơi quần vợt chuyên nghiệp thì không đếm nổi, các VĐV đánh đôi với nhau thường gặp nhau vòng đầu để khi vào vòng sau họ không chia điểm, điều này sẽ làm bảng xếp hạng công bằng hơn.
Trong khi tại VN mỗi năm có vài giải đấu VĐV quần vợt chuyên nghiệp đếm trên đầu ngón tay, đánh với nhau cả ngày, mong có giải để gặp VĐV khác đội để được cọ xát, đằng này ra giải còn gặp nhau nữa, vừa tốn tiền di chuyển vừa mất thời gian.
Tôi nghĩ trong trường hợp này trọng tài quần vợt VN đánh cắp thời gian và tiền bạc của các VĐV, HLV quần vợt VN mà họ không biết.
3 - HLV chơi game
Mới đây tôi nhận được email từ đồng nghiệp nước láng giềng kể lại rằng tại giải quần vợt U-14 ở Kuching, Malaysia, thay vì chỉ đạo các tay vợt trẻ của mình, các HLV VN lại chăm chú chơi game trên iPad.
Anh bạn tôi viết: "Có lẽ quần vợt VN đang tiến nhanh đến độ các HLV quần vợt VN không có đủ thời giờ cho việc chơi game trên iPad nên thấy HLV đội tuyển nữ U-14 VN cứ tranh thủ suốt ngày bấm bấm trò chơi trên iPad và cứ để VĐV mình tự thi đấu’’.
Thú thật, khi đọc email này xong, tôi bần thần mấy ngày liền.
Nếu quả thực đúng như vậy thì nghề HLV quần vợt tại VN quá dễ! Dễ nhất là làm HLV đội tuyển quốc gia, khi đó sẽ có nhiều thời gian chơi game hơn.
Cuối cùng, xin trích câu nói của một ủy viên Liên đoàn Quần vợt VN nói với tôi để thay lời kết: “Liên đoàn Quần vợt VN chúng ta rất mạnh. Đó là... mạnh ai nấy làm!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận