12/04/2015 08:04 GMT+7

​Hình phạt và sức răn đe

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - “Một vụ án mà phải tuyên tử hình tới 30 người thì nó giống như thảm sát chứ không còn là hình phạt nữa” - trung tướng Trần Văn Độ bình luận.

40 bị cáo được đưa ra xét xử phúc thẩm trong ngày 16 – 6 - Ảnh: Tiến Thắng
30 án tử hình đã được tuyên trong vụ mua bán 4.400 bánh heroin tại Quảng Ninh - Ảnh: Tiến Thắng

Tại cuộc hội thảo của Ủy ban Tư pháp về gần đây, đại biểu Quốc hội, trung tướng Trần Văn Độ kể rằng hồi xét xử vụ án trùm ma túy Vũ Xuân Trường (vụ án này từng làm rúng động xã hội gần 20 năm trước), tòa tuyên phạt tám án tử hình, lúc đó có vị lãnh đạo đã khoát tay nói “từ nay đố thằng nào dám đi buôn ma túy nữa”.

Nhưng sự thật lại không như vậy. “Hôm nọ gặp lại anh (đã về hưu), tôi nói: Anh ơi bây giờ người ta không buôn 15 bánh nữa, người ta buôn heroin cả tấn” - tướng Độ kể.

Ông Độ ủng hộ việc sửa đổi Bộ luật hình sự ở thời điểm này phải phù hợp với quan điểm và nguyên tắc xử sự của thế giới văn minh, đề cao tính giáo dục, tinh thần nhân đạo của hình phạt và đặc biệt hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.

Lấy ví dụ vụ đại án ma túy được xét xử ở Quảng Ninh vừa rồi, khi tòa tuyên phạt tới 30 án tử hình, ông Độ bình luận rằng “một vụ án mà phải tuyên tử hình tới 30 người thì nó giống như thảm sát chứ không còn là hình phạt nữa”.

Vẫn theo lời kể của ông Độ, có những trường hợp luật quy định quá cứng nhắc khiến thẩm phán rất đau lòng khi đưa ra mức hình phạt, dù đó không phải là tử hình.

Có vụ hai vợ chồng đi ăn cưới, anh chồng có uống rượu và khi chở vợ về đi qua cầu húc xe vào thành cầu làm cả hai vợ chồng rơi xuống sông, vợ chết, chồng bị tòa xử phạt 3 năm tù giam (luật quy định khung hình phạt từ 3-10 năm).

“Luật quy định như vậy nên không thể xử khác được, nhưng vị thẩm phán rất đau lòng. Vợ người ta chết trong trường hợp này đã là hình phạt lớn nhất rồi, người ta còn hai đứa con thơ dại không ai chăm sóc” - ông Độ bùi ngùi.

Dẫn lại quan điểm của Lenin, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng không phải cứ đưa ra hình phạt thật nặng thì một loại tội phạm nào đó trong xã hội sẽ giảm, mà quan trọng hơn là tất cả những kẻ phạm tội đều phải bị trừng trị.

“Khi tôi đến Canada người ta cũng kể nghị viện của họ từng tranh luận rất kịch liệt về việc bỏ hay giữ lại hình phạt tử hình, cuối cùng phải đưa ra trưng cầu ý dân. Nhưng từ khi Canada bỏ hình phạt tử hình thì tội phạm lại giảm” - ông Lưu nói.

Theo TS Nguyễn Văn Luật - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, để ngăn ngừa một loại hành vi phạm tội nào đó trong xã hội thì cần phải thực hiện một cách đồng bộ và hữu hiệu nhiều giải pháp kinh tế, xã hội, văn hóa bên cạnh hình phạt nặng, chứ không thể cứ mãi đầu tư để mở rộng diện tích của nhà tù.

Nhưng làm thế nào để đưa ra được mức hình phạt hợp lý với mỗi loại hành vi phạm tội, với mỗi người phạm tội trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay? Đó chắc chắn là câu hỏi không dễ trả lời dành cho các nhà lập pháp.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên