'Hình như mỗi làng quê Việt Nam đều có một Điện Biên Phủ thu nhỏ', nhà văn, đại tá Đặng Vương Hưng - người sưu tầm, biên soạn cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phát hành) - nói về đóng góp to lớn của các bà, các mẹ nơi hậu phương cho chiến thắng Điện Biên Phủ 69 năm trước.
Trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu của những người lính nông dân
Tại buổi giao lưu Những trang viết từ chiến trường do Trung tâm sách quốc gia (thuộc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 6-5 ở Hà Nội nhân dịp ra mắt cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam, ông Đặng Vương Hưng đã chia sẻ những câu chuyện từ cuộc sống về trận Điện Biên Phủ cũng như cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ông Hưng kể, 69 năm trận Điện Biên Phủ nhưng ông rất tiếc vẫn chưa có điều kiện tập hợp được nhiều thư, trang viết từ những người lính tham gia cuộc kháng chiến này.
Lý do theo ông là vì trong kháng chiến chống Pháp, những chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hầu hết là nông dân, những người có trình độ rất hạn chế.
Vì vậy rất ít có thư, nhật ký, ghi chép từ những người lính nông dân này.
Hầu hết họ không biết chữ, nhiều người chỉ trình độ lớp 3-4, trừ một số ít là người Hà Nội đi kháng chiến.
Chẳng thế mà sau giải phóng, quân đội thành lập Trung đoàn 66 bảo vệ thủ đô nhưng chỉ chọn được những người lính học hết lớp ba, bốn, hiếm lắm mới có người học hết lớp bảy.
Nhưng làm thế nào mà những người lính nông dân ấy đã có thể làm nên được chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu"? Ông Hưng cho rằng một trong những điều góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại này là do thời ấy cả hậu phương đều dồn cho tiền tuyến.
Mỗi làng quê lại có một trận Điện Biên Phủ thực sự
Vùng Yên Thế (Bắc Giang) quê ông Hưng không chỉ những người đàn ông ra mặt trận, mà ở nhà những người phụ nữ cũng tay năm tay mười góp sức cho kháng chiến.
Mẹ ông Hưng - một phụ nữ có đầu óc giỏi tính toán làm ăn - đã cổ vũ bà con trồng rau để bà làm rau khô gửi tới chiến trường.
Gần Tết bà lại kêu gọi bà con gói bánh chưng gửi tới những người lính. Bà cũng tham gia dạy Bình dân học vụ xóa mù chữ ở địa phương.
Bác của ông Hưng có chiếc xe đạp nhãn hiệu Pháp, bình thường rất ít khi dám bỏ ra đi vì giữ gìn xe quý, nhưng khi kháng chiến cần, ông sẵn sàng bỏ xe ra làm xe đạp thồ cho dân quân.
Chuyện mẹ, bác ông Hưng và những người dân Yên Thế hoàn toàn không phải là chuyện cá biệt. Những câu chuyện góp sức cho kháng chiến thế này có ở khắp các làng quê lúc bấy giờ.
"Hình như mỗi làng quê Việt Nam đều có một Điện Biên Phủ thu nhỏ", ông Đặng Vương Hưng nói.
Quê ông Hưng còn có đồi văn hóa kháng chiến trong đó có những nhà văn cách mạng nổi tiếng đã ở đây, tập hợp thành làng văn hóa kháng chiến. Sau giải phóng thủ đô, các nhà văn trở về Hà Nội. Riêng nhà văn Nguyên Hồng vẫn ở lại.
Ông Hưng còn nhớ hình ảnh nhà văn này với chiếc xe đạp không phanh, không chuông… mải miết đạp tới các làng xóm thu thập tư liệu viết sách về nghĩa quân Yên Thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận