Người chơi "Cuộc đua kỳ thú 2019" khi lặn ở Phú Yên đã vô tư nhặt con sao biển. Đây là hành động mà các chuyên gia biển cho biết là không được phép - Ảnh chụp màn hình.
Khi lặn biển, người lặn phải tuân thủ quy tắc bất di bất dịch không được động đến sinh vật biển. Điều đó không chỉ bảo vệ họ tránh phải những động vật có độc mà còn bảo vệ chính các sinh vật biển. Ở nước ngoài, những người nào lặn biển dùng bình dưỡng khí thì phải có chứng chỉ. Ở Việt Nam, du lịch đang phát triển nóng, các công ty thi nhau khai thác rạn san hô, dùng giá rẻ cạnh tranh, không có đủ thiết bị tiêu chuẩn, lại thiếu ý thức và kiến thức nên đã để du khách chưa có chứng chỉ cũng được lặn biển, thậm chí giẫm đạp lên rạn san hô...
Ông Đặng Đỗ Hùng Việt, chuyên gia về sinh học biển
Trên trang fanpage của chương trình, nhà sản xuất đã giải thích lý do vì sao họ ghi hình ở rạn san hô và gửi lời xin lỗi tới khán giả.
"Khi thực hiện tập 6, thử thách ban đầu đưa ra là các bạn thí sinh sẽ bơi qua các dải san hô thật đẹp, rồi sẽ đến dải đá và cát xem đề bài và lên bãi cát thực hiện thử thách.
Tuy nhiên, do tình hình thực tế mực nước thay đổi và nước biển bị đục nên để đảm bảo có thể mang đến những hình ảnh quay phim rõ ràng nhất và để thí sinh quan sát dễ hơn, êkip chương trình đã mắc một lỗi sai khi dời vị trí để đề bài từ khu vực cát và đá dưới biển lên khu vực dải san hô.
Chúng tôi hiểu việc làm đó là sai và xin gửi lời xin lỗi chân thành với khán giả và biển Phú Yên, cũng như xin rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này để những chuyện như vậy sẽ không được phép xảy ra nữa".
Người chơi "Cuộc đua kỳ thú 2019" khám phá rạn san hô Phú Yên - Ảnh chụp màn hình
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với người phụ trách truyền thông của Cuộc đua kỳ thú 2019, vị này đã xác nhận thông tin đăng tải trên fanpage. Theo người phụ trách truyền thông Cuộc đua kỳ thú 2019, êkip đã nhận thức được lỗi sai nghiêm trọng khi đưa vật nặng lên rạn san hô và hứa lần sau sẽ không để xảy ra lỗi sai như vậy nữa.
Từ chương trình , các chuyên gia về môi trường biển cũng có những khuyến cáo đặc biệt về tình trạng khai thác các rạn san hô ở Việt Nam.
Ông Đặng Đỗ Hùng Việt, chuyên gia về sinh học biển đến từ Tổ chức Sinh vật biển Việt Nam (Marine Life Vietnam), cho biết thông qua các chuyến khảo sát ở Nha Trang, tổ chức của anh nhận thấy các rạn san hô ngày càng suy giảm do tác động của con người.
Những đạo cụ của chương trình "Cuộc đua kỳ thú 2019" được đặt trên rạn san hô Phú Yên - Ảnh chụp màn hình
Những vùng biển như Phú Yên, Quy Nhơn chưa có khu bảo tồn biển thì nguy cơ các rạn san hô bị xâm hại rất lớn. Với tốc độ phát triển du lịch rất nhanh như hiện nay, các rạn san hô đang là đối tượng bị khai thác hàng đầu.
Chuyên gia nói trên cho biết san hô là loài động vật cộng sinh với tảo có khả năng quang hợp. San hô vô cùng nhạy cảm. Chỉ một số vùng biển có được điều kiện sinh sống đặc biệt mới có san hô.
San hô phát triển rất chậm, mỗi năm được một vài centimet, chỉ với những tác động rất nhỏ thì san hô có thể bị "stress", thậm chí chết. Khi san hô chết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh vật đang sống dựa vào nó.
Ông Đặng Đỗ Hùng Việt đánh giá tác động mà Cuộc đua kỳ thú gây ra với rạn san hô ở Phú Yên (thông qua chương trình đã phát sóng) chưa quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, về mặt truyền thông thì việc đưa lên sóng truyền hình hình ảnh tác động tới rạn san hô, cũng như hình ảnh người chơi sờ chạm vào các sinh vật biển là chưa đúng vì có thể khiến mọi người hiểu lầm đó là hành vi được phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận