Phiên tòa xét xử đại án tiêu cực tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước được bắt đầu vào sáng nay 18-7 với số lượng người tham gia đặc biệt lớn.
Với 254 bị cáo; gần 300 luật sư; 59 cá nhân, tổ chức là bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; hơn 100 phóng viên đăng ký tác nghiệp cùng các lực lượng bảo vệ an ninh… song phiên tòa vẫn được diễn ra trong trật tự nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ nhiều tháng qua.
Xét xử đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam, 254 bị cáo hầu tòa
Đến khoảng 8h30, hội đồng xét xử bắt đầu vào phòng xử và thẩm phán Huỳnh Văn Trực (phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) bắt đầu làm thủ tục khai mạc phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử và kiểm tra nhân thân các bị cáo.
Hội đồng xét xử thông báo sẽ xét hỏi, thẩm vấn đối với từng nhóm tội danh. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì nhóm bị cáo đó sẽ được trích xuất, dẫn giải đến tòa để thẩm vấn trực tiếp, các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua đường truyền tại Trại giam T30 - Công an TP.HCM.
Hội đồng xét xử lưu ý đối với các bị cáo được tại ngoại phải có mặt tại tòa trong thời gian diễn ra phiên xét tòa.
Nếu các bị cáo này vắng mặt không lí do, hội đồng xét xử có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, có 3 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt vì lí do sức khỏe.
Đại diện viện kiểm sát ý kiến cho rằng 3 bị cáo trên có xác nhận của bệnh viện nên việc vắng mặt này là có lý do chính đáng.
Quá trình điều tra, các bị cáo này đã có lời khai rõ ràng, ngoài ra các bị cáo có luật sư bảo vệ nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Từ đề nghị của viện kiểm sát, hội đồng xét xử đồng ý với đơn xin xét xử vắng mặt của 3 bị cáo
Là người đầu tiên trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Đặng Việt Hà (52 tuổi, cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) chậm rãi khai báo về lý lịch, nhân thân của mình.
Phiên tòa đang tiếp tục thủ tục thẩm vấn nhân thân các bị cáo...
Tiêu cực có hệ thống tại Cục Đăng kiểm
Theo hồ sơ, từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm đến các phòng nghiệp vụ và các trung tâm, chi cục đăng kiểm đã đưa ra chủ trương, chỉ đạo các đăng kiểm viên, nhân viên cấp dưới nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Trong đó, ông Trần Kỳ Hình được xác định khi phát hiện có sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm, chi cục đăng kiểm nhưng không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật.
Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục Đăng kiểm.
Tuy nhiên ông Hà không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm mà còn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi cho mình đối với số tiền tiêu cực, hối lộ phải là cao nhất.
Ông Hà còn chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm - PV) phải tính tiền nộp cho mình căn cứ vào số lượng phương tiện vào đăng kiểm tại mỗi trung tâm.
Từ chủ trương của ông Hà, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới (VAR), giám đốc các trung tâm đăng kiểm khối V đã thực hiện hành vi tiêu cực.
Ông Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "nhận hối lộ" với tổng số tiền là 40,3 tỉ đồng. Trong đó cá nhân ông này được xác định hưởng lợi 8,5 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận