Khám nội soi mũi xoang là một trong những biện pháp chẩn đoán bệnh ung thư mũi xoang - Ảnh: Quang Định |
Xin đề cập sơ lược một loại ung thư trong tai - mũi - họng: ung thư mũi và các xoang cạnh mũi, gọi tắt là ung thư mũi xoang, hi vọng giúp mọi người hiểu để mà bớt lo sợ.
Ung thư mũi xoang là tình trạng bệnh lý mà các tế bào ác tính hình thành và phát triển trong các mô của mũi và xoang. Loại ung thư mũi xoang thường gặp nhất là ung thư tế bào biểu mô vảy (squamous cell carcinoma) vì đây là loại tế bào cấu tạo nên lớp niêm mạc lót bên trong mũi và các xoang. Có tên như vậy vì khi quan sát qua kính hiển vi thì hình dạng các tế bào này mỏng dẹt và chúng xếp lớp với nhau giống như vảy cá.
Ngoài ra còn có các loại ung thư khác ít gặp hơn là:
- Melanoma (u hắc sắc tố): ung thư khởi phát từ các hắc tố bào (melanocyte), là tế bào tạo nên độ sậm của màu da.
- Sarcoma (ung thư mô liên kết): ung thư của các tế bào cơ, xương, da.
- U nhú đảo ngược: đây là các khối u phát triển trong mũi, đại đa số lành tính nhưng có một tỉ lệ nhỏ sẽ biến đổi thành ác tính.
- U hạt vùng giữa mặt.
Những triệu chứng cần lưu ý
Ung thư mũi xoang hầu hết không có dấu hiệu gì ở giai đoạn ban đầu. Thường thì khi khối u to lên mới xuất hiện vài triệu chứng. Do vậy, nên “đi thăm bác sĩ tai - mũi - họng” càng sớm càng tốt nếu bạn thấy có một hoặc vài dấu hiệu sau:
- Cảm giác “căng căng nằng nặng” ở khu vực các xoang.
- Đau đầu hoặc đau ở vị trí các xoang nhưng uống thuốc giảm đau hầu như không có tác dụng bao nhiêu.
- Hay chảy máu mũi.
- Mũi chảy dịch kéo dài và nhất là chỉ bị một bên.
- Xuất hiện khối u trong mũi, ở chân răng hoặc trên mặt.
- Cảm giác châm chích hoặc tê bì trên mặt.
- Mắt bị sưng nề vô cớ hoặc có vấn đề như song thị (nhìn một thành hai), hoặc tự nhiên bị lé.
- Răng hàm trên tự nhiên đau hoặc lung lay nhiều cái.
- Đau hoặc cảm giác nặng trong tai.
Qua khai thác triệu chứng từ người bệnh cùng với các thao tác khám lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm các biện pháp chẩn đoán như nội soi, chụp CT-scan hoặc MRI, làm sinh thiết (chọc hút hoặc cắt một mẩu nhỏ từ khối u để xét nghiệm tế bào) nhằm xác định chính xác thể loại và giai đoạn ung thư, từ đó sẽ quyết định được biện pháp trị liệu tối ưu cho bệnh nhân.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ
Chưa có khẳng định chính xác về nguyên nhân của ung thư mũi xoang, tuy nhiên các yếu tố làm gia tăng nguy cơ đã được công nhận rõ ràng là:
- Tiếp xúc thường xuyên với hóa chất hoặc bụi đặc thù trong các nghề nghiệp như: thợ mộc, nhà máy cưa, thợ làm giày, thợ xi tráng kim loại, thợ sản xuất gia vị hoặc thợ làm bánh.
- Đã bị nhiễm virút HPV (là loại virút gây u nhú và lây qua đường tình dục).
- Nam giới và trên 40 tuổi (tần suất khoảng gấp ba lần so với nữ).
- Hút thuốc lá.
Về căn bản, bệnh nhân ung thư mũi xoang (cũng như ung thư nhiều nơi khác trong cơ thể) sẽ được điều trị bằng ba phương cách (có thể áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp tùy trường hợp) là phẫu thuật (cắt bỏ khối u là điều trị tiên quyết cho các ung thư mũi xoang), xạ trị (dùng tia phóng xạ tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc không cho chúng phát triển), hóa trị (tức là dùng thuốc để giết các tế bào ung thư, hoặc ngăn không cho chúng phân chia tế bào để sinh sôi nảy nở).
Ung thư mũi xoang, cũng như nhiều loại ung thư khác, dù vẫn là bệnh nan y nhưng với những tiến bộ vượt bậc trong y khoa lẫn các ngành khoa học có liên quan như hiện nay, khả năng trị liệu để kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị cho các bệnh nhân ung thư là điều hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề còn lại của người bệnh là hãy bình tĩnh trước bệnh tật, hợp tác và tuân thủ đúng các chỉ định điều trị cùng với thực hiện lối sống lạc quan, lành mạnh... thì chắc chắn mọi thứ sẽ có kết cục tốt hơn là chỉ biết bi quan đau khổ trước bệnh tật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận