TTCT - Thật khó để nhìn ra phần tiêu cực trong dòng phim danh tiếng này của Disney, cho đến khi xuất hiện khái niệm "hiệu ứng công chúa". Các nàng công chúa Disney (còn thiếu Raya) và chị em nữ hoàng Elsa và Anna, xếp theo độ tuổi.Trong hơn 80 năm qua, The Walt Disney Company (Disney) đã mang đến cho nhiều thế hệ trẻ em tổng cộng 13 nàng công chúa. Chị em Elsa và Anna trong Frozen (Nữ hoàng băng giá, 2014) không nằm trong nhóm "công chúa Disney", nhưng đây là bộ phim đánh dấu việc "Nhà Chuột" thay đổi hình tượng các nhân vật nữ phù hợp hơn với mong đợi của cả phụ huynh lẫn lứa khán giả mới.Thật khó để nhìn ra phần tiêu cực trong dòng phim danh tiếng này của Disney. Các bộ phim hoạt hình công chúa được nhiều thế hệ trẻ em nhớ tới với những bài học về sự bền bỉ, nhân hậu và dũng cảm để theo đuổi giấc mơ cổ tích.Cho đến vài thập niên gần đây, khi các lăng kính nữ quyền và lý thuyết phê phán dần được phổ cập, phụ huynh và truyền thông phương Tây mới bắt đầu nhắc đến "hiệu ứng công chúa", hay những ảnh hưởng của hình tượng công chúa kiểu Disney lên thế giới quan của con trẻ, cụ thể là cách trẻ nhìn nhận về cơ thể và vai trò của chính bản thân mình.Khuôn mẫu không thậtTheo góc nhìn "hiệu ứng công chúa", dàn công chúa Disney, dù da trắng hay da màu, đều chui ra từ cùng một khuôn: eo thon, đường nét sắc sảo và tỉ lệ cơ thể phi thực tế, khiến các bé gái bất an về cơ thể của mình khi đem so với những nhân vật hoàn hảo trên màn ảnh. Một nghiên cứu của nhà nhân học Toe Aung thuộc Đại học Pennsylvania năm 2019 đã chỉ ra rằng hình tượng công chúa Disney là bất khả đạt được ngoài đời thực.Không chỉ vậy, các đầu sách bán chạy như Cinderella Ate My Daughter (Lọ Lem đã nuốt chửng con gái tôi) của Peggy Orenstein đã làm dấy lên những lo ngại về thông điệp định kiến giới cài trong các bộ phim Disney. Những kiều nữ gặp nạn kiểu công chúa ngủ trong rừng hay Bạch Tuyết - phải chờ đợi hoàng tử đến cứu - được cho là duy trì những tư tưởng lạc hậu về sự yếu mềm của nữ giới cũng như quyền năng trên cơ của phái nam.Giới học thuật cũng vào cuộc, và một trong những nhân vật nổi bật nhất là Sarah Coyne - nhà nghiên cứu xã hội tại Đại học Birgham Young (Mỹ). Vốn lo lắng về tác động của phim Disney lên chính con gái mình, Coyne đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của "văn hóa công chúa" lên trẻ, với sự tham gia của 307 trẻ từ 4-5 tuổi trong giai đoạn 2012 - 2013. Bạn có thể kể tên hết những nàng công chúa Disney này?Trẻ tham gia được yêu cầu xếp loại các đồ chơi "nữ tính" (bộ ấm chén trà, búp bê), "nam tính" (robot và dụng cụ sửa chữa) và "trung tính" (bộ xếp hình và màu vẽ) theo mức độ yêu thích, đồng thời các dữ liệu về độ yêu thích công chúa Disney của trẻ cũng được thu thập từ bố mẹ. Kết quả thu được sau một năm quan sát: Tiếp xúc nhiều với "văn hóa công chúa" sẽ khiến hành vi của trẻ - cả trai lẫn gái - tiến gần hơn đến kiểu hành vi được xã hội coi là "nữ tính", trong đó có khả năng lắng nghe người khác và nhìn nhận cảm xúc của chính mình.Đây hẳn là tin mừng cho các bố mẹ có con trai thích truyện công chúa - vốn gặp không ít kỳ thị trong xã hội. "Các bé trai tiếp xúc với văn hóa công chúa sớm hơn sẽ làm tốt việc bày tỏ cảm xúc trong các mối quan hệ, hơn là nén chặt chúng và sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề" - Coyne cho biết. Tuy vậy, các phụ huynh có con gái hẳn đứng ngồi không yên vì sự độc lập và mạnh mẽ của con mình có thể bị phim Disney ảnh hưởng. "Chúng ta biết các bé gái chịu ảnh hưởng của định kiến giới nghĩ rằng chúng không thể làm nhiều việc, như học giỏi toán, khoa học hay làm việc chân tay" - Coyne nói thêm trong một bài phỏng vấn năm 2016.Khép lại quá khứCần chú ý rằng nghiên cứu của Coyne được thực hiện từ trước 2014, năm Frozen ra mắt. Bộ phim "bom tấn" của Disney đánh dấu một bước ngoặt khi nàng công chúa Elsa không bỏ tất cả vì tình yêu, thay vào đó ưu tiên người em gái Anna lên trên hết. Frozen là phim đầu tiên có doanh thu phòng vé vượt mốc 1 tỉ USD của Disney, và phần nối tiếp (Frozen 2, 2019) cũng nhanh chóng trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay - 1,326 tỉ USD tiền vé toàn cầu, tính đến tháng 1-2020.Hai chị em Elsa và Anna trở thành cơn sốt chưa bao giờ hạ nhiệt với khán giả nhí, đồng thời xoay chuyển toàn bộ cục diện ngành phim thiếu nhi. Các phim công chúa sau này của Disney như Moana (Hành trình của Moana, 2016) hay Raya (Raya và rồng thần, 2021) cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt: không còn những cô công chúa mảnh mai, bị động, Moana và Raya đều có cả sức vóc lẫn ý chí để theo đuổi mục tiêu của đời mình.Raya và Moana.Cùng lúc khi phim Disney chuyển mình, nhà nghiên cứu Sarah Coyne cũng có một phát hiện gây bất ngờ: nhận thức của các khán giả nhí cũng có sự dịch chuyển theo chiều hướng tốt hơn. 5 năm sau nghiên cứu ban đầu về "văn hóa công chúa", cô tìm lại các trẻ tham gia (nay đã 10 - 11 tuổi) để tiếp tục khảo sát xoay quanh vấn đề định kiến giới và nhìn nhận cơ thể.Cô thực sự bất ngờ khi thấy các trẻ từng mê phim công chúa ở tuổi lên 5 giờ đang có tư tưởng rất tiến bộ về giới (ủng hộ nâng quyền nữ giới, cũng như khuyến khích nam giới chia sẻ cảm xúc), đồng thời cũng không thể hiện nỗi bất an về ngoại hình nào rõ rệt. "Thậm chí, với các trẻ từ gia đình thu nhập thấp, [các công chúa Disney] còn có ảnh hưởng tích cực đến cách các em nhìn nhận cơ thể mình" - Coyne trả lời phỏng vấn tạp chí Time tháng 8-2021.Ở lần nghiên cứu thứ hai này, Coyne cũng đưa ra nhận xét: Các bộ phim Disney, nghĩ cho kỹ, đều nói về việc tìm ra vẻ đẹp bên trong, "chẳng hạn như Người đẹp và quái vật, thông điệp phim là về việc bớt chú ý đến vẻ ngoài để nhìn thấu con người bên trong". Thật vậy, dù có không tưởng đến đâu thì hình ảnh công chúa trong phim Disney vẫn luôn được người ta nhớ tới với sự quyết tâm, lòng thấu cảm, cùng lòng tin sắt đá vào mục tiêu của mình.■ Các "công chúa Disney" có thể là đại sứ để truyền đạt hiệu quả các giá trị tích cực đến các bé gái, và nhiều tổ chức người lớn, trong đó có Hiệp hội Bóng đá Anh (FA), cũng hiểu điều này hơn ai hết. Ảnh sự kiện Disney kết hợp cùng FA.Năm 2017, FA phối hợp với Disney cho ra mắt một chiến dịch truyền thông nhằm khuyến khích các bé gái tham gia tập luyện môn bóng đá. "Ariel trong phim Nàng tiên cá là công chúa Disney tôi thích nhất, bởi cô ấy thực sự dũng cảm - nữ tiền đạo Nikita Parris của tuyển bóng đá Anh phát biểu trong chiến dịch - Tôi cũng đã y như vậy khi chơi bóng đá cùng các cậu trai ở quê hương. Tôi đã phải thực sự bền chí để theo đuổi mục tiêu của mình". Còn với cựu đội trưởng Steph Houghten, những tố chất quan trọng để xây dựng một đối bóng mạnh là dũng cảm, mạnh mẽ và lòng nhân ái, và "đây đều là những thứ mà các cô gái trẻ có thể học được từ công chúa Disney". Mẫu búp bê Barbie mới với hình dáng cơ thể đa dạng, gần gũi thực tế hơn. Ảnh: BarbieNếu chuyện tự ti về cơ thể (vốn đang còn tồn tại) ở các bé gái không phải do phim Disney, thì là do ai? "Barbie. Tôi nghĩ bạn có thể đổ lỗi cho búp bê Barbie", Coyne nói với Time năm 2021.Với tổng doanh thu trên 1,68 tỉ USD từ 150 thị trường trên khắp thế giới năm 2021, Barbie và công ty chủ quản Mattel vẫn có sức mạnh áp đảo trên thị trường búp bê toàn cầu. Theo thống kê, hơn 90% bé gái Mỹ từ 3-12 tuổi từng sở hữu ít nhất một cô Barbie.Với sức mạnh thương hiệu được coi là sánh ngang với chuột Mickey, dòng búp bê tóc vàng, chân thon đến siêu thực đồng thời cũng đã trở thành mực thước của vẻ đẹp phụ nữ Mỹ, theo lời M.G. Lord, một sử gia chuyên về Barbie. Dòng sản phẩm này được thiết kế để "dạy phụ nữ về những kỳ vọng mà xã hội sắp áp lên họ, dù tốt dù xấu" - ông nói.Trong nhiều thập niên, Mattel luôn tuyên bố rằng Barbie không gây ảnh hưởng xấu lên kỳ vọng ngoại hình của trẻ em, đồng thời đổ lỗi lên những người mẫu mình dây và thậm chí là cha mẹ cho nỗi bất an của trẻ. Dù vậy, một số nghiên cứu gần dây đã chỉ ra rằng Barbie có ảnh hưởng nhất định lên hình mẫu cơ thể lý tưởng của trẻ.Một nghiên cứu có sức nặng nhất, được tạp chí Developmental Psychology xuất bản năm 2006, cho thấy trẻ em gái tiếp xúc với Barbie từ sớm dễ hình thành mối lo về cân nặng hơn so với trẻ tiếp xúc với các mẫu búp bê khác.Trước sức ép về việc đa dạng hóa hình ảnh Barbie - cùng với việc sụt giảm doanh thu liên tục trong thập niên 2010 do sự cạnh tranh của Bratz và Disney, Mattel đã phải dần giải hủy hình ảnh siêu thực của búp bê tóc vàng bằng cách đưa thêm các hình mẫu cơ thể sát với thực tế, đồng thời sản xuất thêm búp bê ứng với nhiều màu da hơn.Mattel hiện đang tuyên bố mình có dòng búp bê đa dạng nhất, thậm chí có cả dòng búp bê bạch biến (vitiligo) giúp một bộ phận khách hàng với chứng bệnh hiếm gặp có thể được thấy chính mình trong hình hài búp bê.Nổi bật nhất là dòng búp bê với ba dáng người mới: nhỏ con, cao và "đậm" được ra mắt đầu năm 2020. Trong đó, mẫu búp bê "đậm người", với hình hài "có da có thịt" và bụng không phẳng lì như Barbie thông thường gây nhiều chú ý nhất. Có lẽ giới truyền thông, cha mẹ đều coi đây là một hy vọng giúp con cái mình thoát khỏi sự ám ảnh với một trong những vóc dáng nổi tiếng, và phi thực tế, nhất trên thế giới. Tags: Phim hoạt hìnhDisneyCông chúa DisneyHiệu ứng công chúa
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.