Quang cảnh hội nghị về quy chế dân chủ trong cơ sở GD-ĐT, hội nghị do Văn phòng chính phủ tổ chức vào 24-3 - Ảnh: V.H. |
Các báo cáo của đại diện Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - thương binh & xã hội tại hội nghị khá chung chung trong khi ông Vũ Đức Đam đề nghị cần nói thẳng vào thực trạng, đánh giá thẳng thắn về vấn đề thực hiện dân chủ trong các nhà trường.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đã chạm đến những vấn đề mang tính gốc rễ dẫn tới việc thiếu dân chủ, thậm chí không có dân chủ trong các nhà trường.
Trong đó việc để thực quyền tập trung vào một cá nhân (người đứng đầu cơ sở GD-ĐT) trong khi không có các kênh giám sát, phản biện hoặc có nhưng bộ phận giám sát không thực quyền, mờ nhạt là một vấn đề được thảo luận sâu tại hội nghị này.
Bên cạnh đó có nhiều bất cập khác như cơ chế tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ, các quy định quản lý hoạt động trong các cơ sở cứng nhắc, thiếu linh hoạt và đặc biệt không được xây dựng dựa trên đóng góp của tập thể, không được công khai, minh bạch cũng là những điểm yếu được phân tích, mổ xẻ, xem như nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến việc không có dân chủ trong các nhà trường.
Mất dân chủ dẫn tới nhiều bất cập, tiêu cực tồn đọng, kéo lùi sự phát triển của các cơ sở GD-ĐT, giảm chất lượng dạy học…
Theo ông Vũ Đức Đam, những trường đại học kéo dài việc kiện tụng, những trường phổ thông gây bức xúc dư luận vì cái sai bị bưng bít, hiệu trưởng ép giáo viên xác nhận bằng chứng chối tội là những điển hình của việc mất dân chủ trong nhà trường hiện nay.
Các trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai minh bạch trong mọi quy định, hoạt động là vấn đề Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ phải có động thái quyết liệt ngay trong thời gian tới. Và đây cũng là những giải pháp quan trọng để khôi phục tính dân chủ trong các nhà trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận