13/06/2013 05:25 GMT+7

Hiệu trưởng đau đầu với thu - chi

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện cơ chế thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác của các trường công lập tại Q.1 và Q.7, TP.HCM ngày 12-6, đại diện ban giám hiệu các trường công lập của các bậc học từ mầm non đến THPT đã đóng góp ý kiến về những bất cập của cơ chế thu - chi trong nhà trường hiện nay.

Ông Ngô Thanh Hải, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Q.7, nêu ý kiến: “Hiện nay mức thu theo quy định của học phí buổi thứ hai là 50.000 đồng/học sinh/tháng không đủ chi trả cho giáo viên và các khoản hỗ trợ. Nhiều trường phải thu thêm khoản tiền tăng tiết để bổ trợ cho hoạt động buổi hai và phải xin ý kiến phụ huynh mới có thể đảm bảo được các hoạt động dạy học buổi hai”.

Tại Q.1, nhiều ý kiến cho rằng việc định biên bảo mẫu tại các trường hiện nay chưa hợp lý, không giữ chân được bảo mẫu. “Cần cân đối định biên bảo mẫu, tăng thêm thu nhập, chế độ cho họ để bảo đảm được hoạt động của nhà trường và sự an toàn cho học sinh. Yêu cầu của nghề bảo mẫu rất cao, thời gian làm việc nặng, đòi hỏi kinh nghiệm, sức khỏe... nhưng số biên chế lại quá ít, số bảo mẫu làm việc hợp đồng thì thu nhập quá thấp do các trường phải tự tìm kiếm nguồn chi trả”, một hiệu trưởng tại Q.1 phân tích.

Nhiều trường cũng phản ứng việc điều lệ ban đại diện học sinh quy định nguồn quỹ thu từ phụ huynh không được sử dụng vào cơ sở vật chất hay hỗ trợ các hoạt động dạy học của nhà trường.

Ông Phạm Văn Tiến, hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong, Q.7 - trường có đầu vào thấp và nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp ý: “Có nhiều hoạt động của nhà trường mà không thể ngồi chờ ngân sách nhà nước (tham quan, giáo viên đưa học sinh đi thi, tham gia phong trào Đoàn, Hội...), những hoạt động này đều phải trông vào nguồn quỹ từ phụ huynh. Nhà trường rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ ban đại diện. Học sinh yếu, không bồi dưỡng thì không lên lớp được, nhưng thu tiền phụ đạo thì lại sai quy định”. Một hiệu trưởng khác cũng băn khoăn: “Tổ chức dạy phụ đạo, không dạy thì không được, mà dạy thì cũng... run, vì phụ đạo cũng là dạy thêm, cũng bị cấm. Xin thêm quỹ ban đại diện để hỗ trợ việc dạy học cũng phải “lách” bằng một cái tên khác để không vi phạm quy định. Cần có hành lang pháp lý để hiệu trưởng có thể tổ chức những hoạt động cần thiết trong nhà trường một cách “hiên ngang”.

Tại Q.7, nhiều trường có mức thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh là 200.000 đồng/năm, nhưng nhiều trường có mức thu cao hơn nhiều hoặc được hỗ trợ tối đa từ phụ huynh “mạnh thường quân”. Tuy nhiên, những trường tận dụng được nguồn đóng góp từ phụ huynh lại “khó ăn khó nói” với các đoàn thanh tra, kiểm tra khi việc thu, chi quỹ ban đại diện được quy định quá rập khuôn, máy móc.

Ông Hà Thanh Hải, hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh, băn khoăn: “Cho dù đã lấy ý kiến đồng thuận của từng phụ huynh để hỗ trợ các hoạt động giáo dục và hiệu quả thấy rõ, nhưng nếu chiếu theo văn bản này, thông tư kia thì các trường vẫn làm sai quy định. Quy định bó buộc các trường rất nhiều. Học phí tăng cường tiếng Anh mức 50.000 đồng/học sinh/tháng đã áp dụng quá lâu, trong khi trên thực tế hiếm có trung tâm Anh ngữ nào thu học phí dưới 1 triệu đồng/tháng dù chỉ tám buổi học (hai buổi/tuần). Cơ chế hiện nay vừa lỏng vừa chặt, chưa tạo điều kiện để các trường được sáng tạo, mạnh dạn đầu tư cho các hoạt động. Hiệu trưởng tuân theo quy định, không dám làm gì thì học sinh rất thiệt thòi, còn đổi mới, đầu tư quá thì cũng vấp phải rào cản của những quy định còn bất cập”.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên