Thỏa thuận này báo hiệu cam kết lâu dài của Mỹ với Ukraine vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba. "Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe đáng tin cậy cho Ukraine trong dài hạn", ông Biden phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Zelensky.
Nhà lãnh đạo Ukraine gọi đây là thỏa thuận lịch sử và là cầu nối hướng tới việc cuối cùng kết nạp Ukraine vào NATO. Việc Ukraine ký được thỏa thuận an ninh 10 năm với Mỹ là thắng lợi lớn của Kiev sau thời gian dài vận động, bởi Ukraine muốn có sự bảo đảm an ninh từ Mỹ trong đường dài, bất kể có sự thay đổi quyền lực tại Nhà Trắng.
Thỏa thuận với Ukraine đòi hỏi chính quyền ông Biden phải làm việc với Quốc hội Mỹ để có được nguồn tài trợ dài hạn. Theo báo New York Times, với những tranh cãi gay gắt kéo dài hàng tháng về khoản viện trợ 60 tỉ USD cho Ukraine mà Quốc hội Mỹ đã thông qua vào mùa xuân năm nay, hiện tại không có mấy ai muốn đưa vấn đề này ra thảo luận thêm cho đến năm sau. Do đó nếu ông Biden không còn tại nhiệm vào năm tới, một số ý kiến cho rằng cam kết của ông với Ukraine không nhiều ý nghĩa.
Thỏa thuận mới không cam kết Mỹ sẽ gửi lực lượng vào lãnh thổ Ukraine để bảo vệ quốc gia này. Theo hai quan chức trong chính quyền ông Biden, thỏa thuận này chỉ yêu cầu Mỹ "tham vấn" với Kiev về nhu cầu của Ukraine trong vòng vài giờ sau khi bị tấn công. Người Ukraine cũng hoài nghi về thỏa thuận nêu trên, bởi lẽ nếu không có nguồn tài trợ được Quốc hội Mỹ thông qua, cam kết ủng hộ nhìn chung chỉ là lời nói suông.
Thỏa thuận an ninh Mỹ - Ukraine không phải là một hiệp ước, do đó không yêu cầu Mỹ phải đảm bảo an ninh cho Kiev như các hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Và do đây là thỏa thuận "hành pháp", một số người cho rằng nếu đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ông Donald Trump có thể rút khỏi cam kết, tương tự những gì đã làm với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tổng thống Biden cam kết Mỹ và các đồng minh sẽ hỗ trợ Ukraine "cho đến khi họ thắng thế" trong cuộc chiến với Nga. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm để Tokyo hỗ trợ lâu dài cho Kiev.
Tuy nhiên, những thỏa thuận an ninh nói trên dường như chưa đủ để khiến nhà lãnh đạo Ukraine hết băn khoăn về sự ủng hộ lâu dài từ Mỹ và các đồng minh, đối tác của Kiev.
Ông Zelensky nói câu hỏi cần đặt ra lúc này là liệu "sự đoàn kết trên thế giới, sự đoàn kết ở Mỹ, cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ duy trì được bao lâu", và sự đoàn kết đó sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ kết quả bầu cử ở nhiều nước trong năm nay. Ông tiếp tục đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về cuộc tấn công của Nga, nói rằng: "Nếu Ukraine không chống cự được thì tôi chắc chắn nền dân chủ của nhiều quốc gia cũng sẽ không chống cự được".
Trong khi đó, phản ứng trước việc Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận hợp tác an ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi thỏa thuận này "chỉ là mảnh giấy, không có hiệu lực pháp lý".
Loạt hành động ủng hộ Ukraine
Hôm 13-6, các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cũng đã nhất trí về thỏa thuận cho Ukraine vay 50 tỉ USD từ tiền lãi thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga. Mỹ và các nước châu Âu nhất trí đóng băng tài sản của Nga cho đến khi Matxcơva trả tiền bồi thường cho cuộc tấn công Ukraine, dọn đường cho gói vay 50 tỉ USD dành cho Kiev.
Kết hợp với các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga được công bố trong tuần này, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố hàng loạt hành động ủng hộ Ukraine cho Tổng thống Nga Putin thấy rằng "ông ấy không thể chia rẽ chúng tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận