Em Lê Hữu Hiếu ở thôn Châu Thôn II, xã Yên Lạc, huyện Yên Định (Thanh Hóa) - thí sinh đạt 30/30 điểm khối B - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Sinh ra Hiếu bị tật nguyền ở chân trái, với chứng teo cơ nên chân to, chân nhỏ, nhưng may mắn là còn có thể đi lại được. Hiếu lớn lên trong hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, rồi cận nghèo ở thôn Châu Thôn II, xã Yên Lạc, huyện Yên Định.
Bố mẹ Hiếu làm 5 sào ruộng nước nơi vùng quê nghèo lấy gạo ăn nuôi ba đứa con ăn học. Hết mùa cấy, mùa gặt lúa, ông Lê Hữu Hưng - bố của Hiếu - lại xa vợ con, ra Hà Nội đi làm phụ hồ, dọn dẹp ở các công trình xây dựng kiếm tiền phụ giúp vợ trang trải cuộc sống, lo cho con đến trường. Cái nghèo khó cứ bủa vây gia đình Hiếu với năm miệng ăn hết năm này đến năm khác.
Kể lại những ngày tháng khốn khó của gia đình, bà Lưu Thị Châm (41 tuổi) - mẹ của Hiếu - không cầm được nước mắt: “Tài sản của gia đình có 5 sào ruộng nước gieo cấy mỗi năm hai vụ lúa lấy gạo ăn. Nhiều năm mất mùa, bán lúa lấy tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho Hiếu và hai đứa em thì thiếu gạo ăn lúc giáp hạt. Mà không bán lúa lo cho con đến trường thì tụi nhỏ lại thất học. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, bữa đói bữa no, nên bà dì ở huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) đưa Hiếu lên nuôi, cho ăn học suốt bốn năm THCS. Mấy năm gần đây, bố Hiếu đau ốm thường xuyên, không đi làm thêm được nhiều, nên gia đình càng thêm khốn khó. Hai năm học lớp 10 và lớp 11, đến kỳ nghỉ hè, Hiếu lại xin bố mẹ ra Hà Nội đi giúp việc vặt như thu dọn vôi vữa, nấu ăn cho công nhân ở các công trường xây dựng. Nhìn con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, lo việc học hành mà phải đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, vợ chồng tôi đau xót lắm, nhưng Hiếu cứ động viên bố mẹ yên tâm”.
Chiều 6-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Hải - hiệu trưởng Trường THPT Yên Định I - cho biết dù hoàn cảnh gia đình từ hộ nghèo nhiều năm trước, đến hộ cận nghèo hiện nay, cuộc sống thiếu thốn nhưng Hiếu chưa bao giờ có ý định bỏ học giữa chừng. Suốt ba năm học tại Trường THPT Yên Định I, Hiếu đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Thầy Hải nói về niềm đam mê môn hóa học, toán học và sinh học mà hiếm có học sinh nào có được của Hiếu. Trong những năm học tại trường, ngoài chính sách miễn giảm học phí dành cho con hộ nghèo, cận nghèo, nhà trường luôn dành suất học bổng hoặc tiền hỗ trợ từ quỹ khuyến học nhà trường để giúp Hiếu mua sách vở, đồ dùng học tập. Thành tích học tập của Hiếu là đoạt nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh môn hóa học và môn toán.
Đạt số điểm tuyệt đối 30/30 điểm của ba môn thi khối B là thành quả, phần thưởng xứng đáng dành cho Hiếu - cậu học trò nghèo, khuyết tật luôn có ý chí, nghị lực vươn lên. Cánh cửa Trường ĐH Y dược TP.HCM đã mở đón Hiếu. Ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa của Hiếu đang dần trở thành hiện thực.
Hiếu chia sẻ về kế hoạch của mình sau khi biết điểm thi THPT quốc gia: “Kết quả hôm nay, em dành tặng bố mẹ, người thân trong gia đình và các thầy cô giáo Trường THPT Yên Định I - nơi chắp cánh cho ước mơ, hoài bão của em suốt những năm qua. Em biết các thầy cô giáo rất thương em, không bao giờ lấy tiền học thêm của em.
Hiểu cho biết sau khi nhận bằng tốt nghiệp THPT khoảng ngày 20-7 sẽ vào TP.HCM để tìm việc làm thêm, phụ giúp bố mẹ lấy tiền nhập học và chờ đến ngày nhập học Trường ĐH Y dược TP.HCM”.
Còn bà Lưu Thị Châm ngồi nhẩm tính với những lo toan phía trước, khi lại phải chạy vạy, vay mượn anh em họ hàng một vài triệu đồng cho con trai trước khi vào TP.HCM nhập học.
“Khoản nợ ngân hàng 30 triệu đồng mà nhiều năm nay gia đình tôi chưa trả được. Bây giờ Hiếu đỗ ĐH, gia đình tính bán con trâu đi lấy tiền cho em nó nhập học, rồi mua cho con trai chiếc xe đạp để Hiếu còn chạy đi làm thêm. Nhưng Hiếu động viên bố mẹ đừng bán trâu, nên để lại vì trâu còn giúp gia đình làm năm sào ruộng nước, còn có gạo ăn” - bà Châm buồn rầu chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận