26/05/2021 15:24 GMT+7

Hiểu Phật: từ quán chiếu đến bình tâm

NGUYỄN PHONG
NGUYỄN PHONG

TTO - Với người Việt Nam, tư tưởng Phật giáo hiện diện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong cách suy nghĩ và ứng xử, đối đãi nhân sinh thường nhật.

Hiểu Phật: từ quán chiếu đến bình tâm - Ảnh 1.

Sách vừa ra mắt tập 1 và chuẩn bị phát hành tập 2 - Ảnh: NGUYỄN PHONG

Một sự gặp gỡ trong đời, người Việt gọi là duyên; một mối nợ nần thì xem là nghiệp và luôn sống với tâm thế "từ bi hỉ xả" bằng niềm tin "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo".

Triết lý Phật giáo thấm nhuần trong tâm thức dân gian một cách sâu đậm và tự nhiên đến đỗi, nhiều khi, chúng ta không nhận ra cội nguồn tư tưởng Phật giáo trong các hoạt động đời sống. Chính vì vậy, sự tìm tòi để thấu hiểu tư tưởng đạo Phật luôn là điều cần thiết, bởi nhờ đó, dân tộc Việt hiểu linh hồn, bản sắc của mình hơn.

Quyển sách Nghiên cứu Phật giáo (NXB Khoa Học Xã Hội) đã góp một bước đi trên hành trình tìm tòi ấy với những khám phá mới mẻ, riêng biệt về hệ tư tưởng tôn giáo này.

Ở phần thứ nhất, 10 tác giả mang lại 10 vấn đề khác nhau, bổ khuyết vào nền tảng tri thức về tư tưởng Phật giáo.

Các quan niệm về thời gian, vô ngã, luân hồi được đào sâu, giải thích cặn kẽ bằng cách truy tầm về Phật giáo nguyên thủy. Đặc biệt, bài viết phân tích quan điểm của Mahatma Gandhi mang lại những hiểu biết thú vị về mối quan hệ giữa Phật giáo và Hindu giáo trong bối cảnh văn hóa, lịch sử của Ấn Độ.

Trên nền tảng tư tưởng ấy, ở phần thứ hai, quyển sách bộc lộ tinh thần hành đạo của triết lý nhà Phật trong các hoạt động văn hóa, xã hội cụ thể. Đây cũng là điểm nổi bật của ấn phẩm, mang lại sự tương tác liên ngành giữa triết học, tôn giáo học, văn hóa học, xã hội học, nhân học, nghệ thuật học… khi cùng quy tụ vào tâm điểm tư tưởng Phật giáo.

Độc giả sẽ có dịp hành hương bằng trang sách đến các ngôi chùa ở Sài Gòn, Bến Tre, Đồng Nai, Tây Nguyên, Đà Nẵng; tham dự lễ hội tín ngưỡng Thiên Hậu, lễ Dâng y Kathina của người Khmer… để hiểu biết các hoạt động Phật giáo ở những vùng miền, những cộng đồng dân tộc khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Thêm nữa, sức hấp dẫn của những trang viết còn nằm ở sự mở rộng không gian tôn giáo trên lĩnh vực nghệ thuật. Yếu tố Phật giáo trong sân khấu kịch Noh (Nhật Bản), trong bộ phim Bước chân an lạc (do Max Pugh và Marc J. Francis làm đạo diễn), tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh và thơ ca Hàn Quốc vừa uyển chuyển với tính thẩm mỹ, vừa thâm sâu uyên áo với tính triết lý.

Từ đó, công trình nghiên cứu này còn giúp chúng ta hiểu thêm về đạo Phật ở các quốc gia lân cận trong khu vực châu Á.

Giữa những ngày xáo động lo toan vì đại dịch, tinh thần an nhiên, tự tại của Phật giáo sẽ giúp con người thấy bình yên. Có thể, những trang sách này sẽ là một miền an trú tĩnh tâm để chúng ta có cảm giác nhẹ lòng hơn, dễ dàng vượt qua những bất trắc của cuộc đời khi đã thấu hiểu trí huệ và trái tim đức Phật.

Những hình ảnh trong Đại lễ Phật đản, người dân cầu cho dịch COVID-19 qua mau Những hình ảnh trong Đại lễ Phật đản, người dân cầu cho dịch COVID-19 qua mau

TTO - Thực hiện chỉ thị trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Lễ Phật Đản tại các chùa ở TP.HCM năm nay không đông đúc như các năm. Một số chùa tạm ngưng hoạt động, nhưng từ sáng sớm người dân đã ghé ngang, đứng bên ngoài chùa cầu bình an.

NGUYỄN PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên