13/11/2013 06:43 GMT+7

Hiểu nhau sẽ hợp tác tốt

LÊ NAM (từ Tokyo, Nhật Bản)
LÊ NAM (từ Tokyo, Nhật Bản)

TT - Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã có được thông tin bổ ích cho việc kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực M&A (mua bán và sáp nhập) tại VN. Các doanh nghiệp VN cũng đã tìm được đối tác và cơ hội đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

1Cddq6DT.jpgPhóng to

Ông Võ Quốc Thắng (thứ hai từ phải sang) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long - trao đổi với các đối tác Nhật Bản tại hội nghị - Ảnh: Hải Triều

Hội nghị “M&A tại VN: sức hút từ thị trường Nhật Bản” do báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi phối hợp tổ chức ngày 12-11 tại khách sạn New Otani, Tokyo (Nhật Bản) với sự tham dự của hơn 90 doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 30 doanh nghiệp VN thuộc nhiều lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Thời điểm tốt để M&A

Những tín hiệu tốt

Ngay từ sáng 12-11, các cuộc gặp tìm hiểu giữa các đối tác VN và Nhật Bản đã bắt đầu với nhiều kết quả tốt đẹp. Ông Trần Kim Chung, chủ tịch HĐQT Tập đoàn C.T Group, cho biết đối tác Nhật Bản chuyên kinh doanh nhà hàng đã đồng ý sẽ sang VN để tìm hiểu thêm về khả năng đầu tư một nhà hàng Nhật tại khu phố Nhật (đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM) trong thời gian tới. Ông Thái Tuấn Chí, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, cho biết đã tìm được đối tác mở rộng kênh phân phối sản phẩm dệt may của tập đoàn ngay tại buổi hội thảo này.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Xuân Hưng - đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Nhật Bản - khẳng định đây là thời điểm thích hợp để gia tăng hợp tác thương mại giữa hai nước. Theo ông Hưng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp hóa với sự tham gia của phía Nhật Bản. VN và Nhật Bản thống nhất triển khai giai đoạn 5 sáng kiến chung Nhật Bản - VN thực chất là hàng loạt biện pháp mới nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước.

“Trong những lần gặp gỡ đại diện các tỉnh thành VN đều mong chờ người Nhật Bản đến tìm hiểu làm ăn, kinh doanh, đầu tư, du lịch ở VN - ông Hưng thông tin thêm - Xu hướng M&A trong đầu tư, kinh doanh rất tiết kiệm và hiệu quả. Đây đang là thời điểm tốt đẹp cho các doanh nghiệp Nhật Bản quyết định đầu tư kinh doanh tại VN thông qua M&A”.

Theo ông Trần Đình Khoa - ủy viên thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài cơ sở hạ tầng thuận lợi, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chuẩn bị một lực lượng lao động có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật. Năm 2013, tiếng Nhật đã được đưa vào giảng dạy trong ba trường dạy nghề nhằm cung cấp một lực lượng lao động có thể giao tiếp được tiếng Nhật chuẩn bị cho việc đón các luồng đầu tư Nhật Bản vào địa phương này. Theo ông Khoa, đến năm 2020 tiếng Nhật sẽ là ngoại ngữ bắt buộc bên cạnh tiếng Anh được giảng dạy trong trường trung học và dạy nghề.

Ông Nguyễn Trung Dũng - tham tán công sứ Đại sứ quán VN tại Nhật - cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ xếp sau Pháp trong danh sách các thương vụ M&A thành công ở VN. Trong năm 2012, với 12 vụ M&A có tổng số vốn 743 triệu USD, các nhà đầu tư Nhật Bản được xếp đầu bảng các vụ M&A tiến hành thành công trong năm, nâng tổng số vụ M&A do doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện chiếm đến 34% tổng số vốn đầu tư M&A vào VN.

Theo ông Dũng, có nhiều yếu tố để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành các thương vụ M&A vì hiện nay cơ hội tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản rất thấp. Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng muốn giảm tỉ trọng đầu tư vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, kinh tế VN đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi cùng các yếu tố pháp lý cản trở quá trình M&A tại VN đang trở nên thông thoáng hơn. “Trong thời gian tới Nhật Bản sẽ đẩy mạnh M&A trong các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ và các ngành có sản phẩm bán chạy” - ông Dũng dự đoán.

Theo ông Lê Hải Trà - phó tổng giám đốc HoSE, trong hơn 300 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán mới chỉ có chín doanh nghiệp đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài, một số khác chỉ mới đầu tư đến 25% (dưới mức cho phép của Chính phủ) nên thị trường VN vẫn còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

U5ci0NbN.jpgPhóng to
Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda - Ảnh: Hải Triều

Thiếu thông tin nên dè dặt

Ông Hirokazu Yamaoka - nguyên giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho rằng ngoài các lĩnh vực kinh doanh tại VN như gia công xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu, kinh doanh theo nhu cầu nội địa, M&A sẽ là một xu hướng mới được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Theo ông Hiroshi Nishiyama - tổng giám đốc Quỹ đầu tư Iwakaze, nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, nhà hàng, sản xuất đồ uống, chăm sóc sức khỏe, hệ thống bán lẻ, dịch vụ, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ ôtô, hạ tầng xây dựng đường cao tốc. Trong đó lĩnh vực dịch vụ, đào tạo và công nghiệp phụ trợ sẽ thu được nhiều quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Hiroshi Nishiyama cho rằng vì thiếu thông tin và chưa hiểu văn hóa doanh nghiệp VN, nhiều doanh nghiệp VN không có báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch nên đã cản trở quá trình tìm hiểu của các nhà đầu tư Nhật Bản khiến họ còn dè dặt bước chân vào lĩnh vực M&A ở VN. Ngược lại, theo ông Lê Hải Trà, doanh nghiệp VN vẫn còn e dè với các cuộc “kết hôn” trong M&A vì họ chưa chủ động tìm kiếm các đối tác và đôi khi mục tiêu của các doanh nghiệp VN rất mơ hồ. Ông Trà cũng cho rằng doanh nghiệp VN chưa thể chia sẻ hết thông tin của mình cho đối tác nếu họ không nhận thấy một cam kết rõ ràng trong quá trình thương thảo M&A.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội nghị, ông Toshiyuki Kamada, tổng giám đốc Công ty chuyên kinh doanh thực phẩm Sagami - cho biết đang có xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản chuyển vốn từ Trung Quốc sang ASEAN và VN là quốc gia được ưu tiên hàng đầu. Ông Hiroshi Nishiyama cho biết thêm dòng vốn trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp phụ trợ sẽ dịch chuyển mạnh nhất.

Bà Judy Fan, đại diện Công ty Cook Foods, cho biết trước đây công ty của bà đầu tư dây chuyền chế biến thịt vịt tại Trung Quốc và có đặt mua từ VN, nhưng sắp tới công ty đang có kế hoạch tìm đối tác VN có thế mạnh trong lĩnh vực này để hợp tác đầu tư theo hình thức M&A.

Theo ông Lê Hải Trà, ngoài lĩnh vực tài chính ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tối đa 30%, một số lĩnh vực có thể lên đến 49% thì những lĩnh vực như đầu tư bất động sản, logistics...sẽ là những lĩnh vực để nhà đầu tư Nhật có thể tham gia. Ông Trần Quang Nghị, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết Vinatex đang lên kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Theo ông Nghị, hằng năm VN phải nhập khẩu 8-9 tỉ USD nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và nếu kết quả đàm phán TPP kết thúc tốt đẹp, đây cũng sẽ là một cơ hội đầu tư lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda:

Ý tưởng hay cho các doanh nghiệp Nhật Bản

Tôi hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng hợp tác tổ chức hội nghị về M&A nhằm cung cấp thêm thông tin về thị trường tiềm năng của VN cho các nhà đầu tư, kinh doanh Nhật Bản mà báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi thực hiện. Tôi hi vọng đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho các hợp tác giữa doanh nghiệp VN và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực M&A. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, VN có tiềm năng nhất. VN là đất nước đang phát triển với thị trường nội địa tiềm năng, dân số đông, con người thân thiện, chăm chỉ, hạ tầng đang phát triển... Đó chính là những điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi mà các doanh nghiệp Nhật Bản nên quan tâm và nghiên cứu tìm hiểu cơ hội kinh doanh đầu tư trong thời gian tới.

LÊ NAM (từ Tokyo, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên