23/12/2018 09:06 GMT+7

Hiểu nhầm về... thước đo khoa học

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đây là nhận định của các nhà khoa học và xếp hạng ĐH, do trường ĐH Tôn Đức Thắng Tổ chức hôm 22-12.

Hiểu nhầm về... thước đo khoa học - Ảnh 1.

GS Nguyễn Hữu Đức - phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng không nên phân biệt ISI hay Scopus vì các nhà khoa học xã hội rất ít bài ISI mà chủ yếu trên Scopus - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hội thảo thu hút gần 100 lãnh đạo các trường ĐH, chuyên gia nghiên cứu giáo dục đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước cùng chia sẻ kinh nghiệm trong thúc đẩy khoa học, công bố quốc tế, hợp tác quốc tế và xếp hạng ĐH.

Đo lường khoa học - xác định chất lượng

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn - ĐH New South Wales (Úc), cố vấn cao cấp về nghiên cứu khoa học Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đo lường khoa học có nghĩa đo lường năng suất khoa học, chất lượng khoa học của một quốc gia, một trường ĐH và của cá nhân. 

"Nhiều trường ĐH VN hiện đang bàn rất nhiều về vấn đề nghiên cứu khoa học, công bố khoa học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người đang ngộ nhận, hiểu lầm về các thước đo, quy ước, ngôn ngữ các ĐH quốc tế đang dùng" - GS Tuấn cho biết.

Theo GS Tuấn, việc đánh giá uy tín của nhà khoa học là một đề tài nóng trong khoa học và báo chí phổ thông. Ở các ĐH phương Tây, người ta thường dùng ba chỉ số chính để đánh giá năng lực một nhà khoa học: số lượng ấn phẩm khoa học; hệ số ảnh hưởng (impact factor - IF) và chỉ số Hirsch (H index). 

Một số lớn các trường ĐH phương Tây thường dựa vào số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn để xét duyệt đề bạt các chức danh khoa bảng. 

Tuy không có quy định nào cụ thể về số lượng nhưng thông thường trong ngành y, những con số được "hiểu ngầm" là giáo sư dự khuyết phải có từ 5 bài báo trở lên, phó giáo sư ít nhất là 30 và giáo sư ít nhất 50, nhưng thường là 100.

"Các viện nghiên cứu khoa học, trường ĐH, các trang mạng chuyên về khoa học như Research Gate, Google Scholar... thường dùng tổng số trích dẫn mà một nhà khoa học khác trích dẫn như là một thước đo vàng về "giai cấp" trong khoa học. 

Áp dụng các chỉ số trên đây để đánh giá hoạt động khoa học của một ĐH hay trung tâm nghiên cứu cũng là một hình thức giúp khoa học nước ta hội nhập quốc tế" - ông Tuấn nói.

ĐH lựa chọn hệ thống xếp hạng nào?

Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, tại VN, việc phân tầng xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH đã được quy định trong Luật giáo dục ĐH. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến những ý kiến trái chiều về tính khả thi và độ giá trị của hoạt động phân tầng xếp hạng.

Hiện nay, ở VN chưa có hệ thống xếp hạng ĐH cấp quốc gia, nên các trường ĐH áp dụng theo các bảng xếp hạng quốc tế như: Academic Ranking of World University (ARWU), Times Higher Education Supplement (THES), QS World University Ranking, QS Asia University Ranking. 

"Với ARWU, nếu không có giải Nobel, giải Fields là không thể tham gia được; trong khi THES và QS là hai bảng xếp hạng ĐH gần tương đương nhau, nhưng THES khó hơn một chút vì tiêu chí cứng nhiều hơn, tiêu chí mềm đánh giá ít hơn. Vì vậy, các trường ĐH VN chưa thấy xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Chỉ còn bảng QS là phù hợp với các trường ĐH VN.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã chọn QS Asia Ranking và tập huấn cho cán bộ hiểu về bảng xếp hạng này, đồng thời phân tích rõ về lâu dài phải nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng trước mắt phải chăm sóc khách hàng tốt hơn, nâng cao uy tín học thuật" - ông Chính nói.

Ông Chính cho rằng hiện không có hệ thống xếp hạng ĐH nào hoàn hảo. Mục tiêu quan trọng nhất của đảm bảo chất lượng là không ngừng cải tiến chất lượng để đảm bảo sự hài lòng của các bên liên quan. 

Tham gia xếp hạng giúp các trường có cơ sở đối sánh mình với các trường khác để có thể cải tiến chất lượng tốt hơn. Tương tác tốt với các bên liên quan như đối tác học thuật, nhà tuyển dụng là yêu cầu cơ bản của công tác đảm bảo chất lượng, đồng thời có tác dụng tích cực đến kết quả xếp hạng.

"Tuy nhiên, tham gia cuộc chơi này không có nghĩa là phải chạy theo xếp hạng, mà cần xem việc này giúp gì cho trường mình. Với cơ quan quản lý nhà nước, nên xây dựng hệ thống xếp loại hay xếp hạng; hệ thống này nên do cơ quan quản lý nhà nước quản lý hay do đơn vị độc lập quản lý. 

Với cơ sở giáo dục ĐH, nên chọn hệ thống xếp loại, xếp hạng phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, nên triển khai các hoạt động để đáp ứng yêu cầu của các hệ thống xếp loại, xếp hạng" - ông Chính kiến nghị.

Nhà khoa học Việt... viết không đúng tên trường

Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra thực tế công bố quốc tế ở các trường ĐH VN hiện nay có tình trạng giảng viên viết tên tác giả bài báo khoa học không chuẩn, thậm chí tên trường ĐH mình đang làm việc cũng... không chuẩn. TS Lê Văn Út cho rằng các trường ĐH VN cần yêu cầu giảng viên khi công bố trên các tạp chí quốc tế phải chọn một tên duy nhất và cách viết phải chuẩn để không lẫn lộn với các tác giả khác.

Ví dụ tên Nguyễn Văn Tuấn hiện nay có rất nhiều người trùng tên này, có người viết Tuấn Văn Nguyễn, Tuan Van Nguyen... nên cần phải viết một tên thống nhất để khi tìm kiếm thuận lợi hơn. Tương tự, tên trường ĐH cũng nên sử dụng tên tiếng Anh duy nhất và yêu cầu nhà khoa học phải tuân thủ nghiêm chỉnh cách viết tên trường ĐH.

Hiện ở VN có trường ĐH sử dụng... 120 tên tiếng Anh. Nhiều nơi viết bài báo cho tạp chí quốc tế tiếng Anh nhưng tác giả lại viết tên trường ĐH bằng tiếng Việt không dấu. "Chính tình trạng này khi thống kê, xếp hạng nhiều bài báo không được tính cho đơn vị trường ĐH của tác giả. Nên thường xuyên truy cập cơ sở dữ liệu Web of Science để theo dõi và đánh giá tình hình nghiên cứu" - ông Út nói.

Dữ liệu nào uy tín?

Theo TS Lê Văn Út - trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ ĐH Tôn Đức Thắng, về bài báo khoa học, hiện đang có quan điểm khác nhau ở các nước nhưng đối với các ĐH phát triển, quan niệm bài báo khoa học là những bài báo được đưa vào cơ sở dữ liệu uy tín của thế giới như ISI, Scopus.

Hầu hết tạp chí được liệt kê vào cơ sở dữ liệu Scopus cũng nằm trong ISI, cho nên cơ sở dữ liệu ISI uy tín hơn Scopus. "ISI (Institute for Scientific Information) là cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS), được xem là cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới về thông tin khoa học.

WoS được Clarivate (Mỹ) sở hữu, hiện thống kê 16.257 tạp chí uy tín hàng đầu thế giới từ tất cả các chuyên ngành. Thông qua cơ sở dữ liệu này có thể đánh giá năng lực các nhà khoa học dễ dàng" - ông Út cho hay.

Chắt chiu niềm đam mê khoa học

TTO - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã từng bước chắt chiu, nuôi lớn niềm đam mê khoa học của hàng chục ngàn bạn trẻ theo thời gian.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên