PGS.TS Đỗ Văn Đại - Ảnh: H.Điệp |
- Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, án lệ từng được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật và ví dụ điển hình cho việc ghi nhận này chính là điều 396 Bộ luật Hồng Đức (thế kỷ 15).
Ở giai đoạn hiện nay, án lệ chỉ được ghi nhận một cách gián tiếp trong Luật phá sản năm 2014 (khoản 14 điều 19 yêu cầu “tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao”) và chính thức trong Luật tổ chức tòa án năm 2014 (từ “án lệ” đã được sử dụng hai lần tại điều 22 và hai lần tại điều 27).
* Theo ông, hiệu lực của án lệ ra sao?
- Điểm đặc thù của án lệ là xuất phát từ một vụ việc trong quá khứ, tòa án thiết lập một hướng giải quyết cho cả những vụ việc tương tự trong tương lai.
Thực tế cho thấy có những hướng giải quyết của tòa án (án lệ) sau này được các nhà lập pháp đưa vào luật, tức luật hóa hướng giải quyết của án lệ. Lúc này có sự thống nhất giữa văn bản luật và án lệ.
* Thực tế có thể xảy ra trường hợp văn bản luật thay đổi có nội dung khác án lệ thì án lệ có còn giá trị nữa không?
- Về mối quan hệ giữa án lệ với văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nghị quyết số 03/2015 quy định tại khoản 3 điều 8 rằng:
“trường hợp do có sự thay đổi của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ”.
Điều đó có nghĩa hiệu lực của án lệ là dưới luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hướng giải quyết như vậy phù hợp với thông lệ của các nước theo hệ thống pháp luật thành văn như Pháp: văn bản luật có hiệu lực cao hơn án lệ.
* Trong hệ thống văn bản Việt Nam, chúng ta còn có những văn bản khác như thông tư của một bộ hay cơ quan ngang bộ, hay thông tư liên ngành, nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh... Khi có sự thay đổi văn bản loại này thì án lệ có giá trị nữa không?
- Nghị quyết chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng chúng ta có thể vận dụng khoản 4 điều 8. Theo đó: “Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ”.
Lúc này án lệ không đương nhiên hết hiệu lực, mà tùy vào hoàn cảnh để xem xét hiệu lực của án lệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận