03/07/2014 01:07 GMT+7

Hiểu khác nhau

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Rà soát lại từng câu chữ trong nghị định 171 về xử phạt vi phạm giao thông áp dụng từ ngày 1-7 thì không thấy điều khoản cụ thể nào quy định rõ ràng về việc xử phạt người đi môtô, xe máy đội mũ bảo hiểm dỏm.

Quy định này vốn có tại thông tư 06 của liên bộ liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm, nhưng bị bãi bỏ cách đây một năm bởi phản ứng của dư luận. Và mới đây thôi, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định việc xử phạt theo nghị định 171 chỉ áp dụng với hai hành vi: không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm cài dây an toàn không đúng quy cách. Ông Nên còn nói: “Thông tin thời gian qua có chỗ chưa chuẩn xác khiến người dân bất an”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cảnh sát giao thông (CSGT) ở một số địa phương đã tuyên bố sẽ xử phạt người đi môtô, xe máy đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, nói nôm na là mũ bảo hiểm kém chất lượng hay mũ bảo hiểm dỏm. Cụ thể, trước ngày 1-7, lãnh đạo CSGT Hà Nội cho rằng dù có những vấn đề vướng mắc nhưng vẫn triển khai kế hoạch kiểm tra, xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm. Lãnh đạo CSGT TP Cần Thơ còn biểu thị thái độ cứng rắn hơn: phạt nghiêm. Lãnh đạo CSGT hai địa phương này đều nêu rõ biện pháp xử phạt là không dừng xe tràn lan, chỉ kiểm tra kết hợp khi người tham gia giao thông có biểu hiện vi phạm khác. Theo vị lãnh đạo CSGT TP Cần Thơ, mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn phải đủ ba bộ phận gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ, đồng thời phải có tem hợp quy CR và nhãn “mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy” phù hợp quy chuẩn Việt Nam, đây là cơ sở để xử phạt những ai đội mũ bảo hiểm dỏm.

Khác hẳn với lãnh đạo CSGT Hà Nội và Cần Thơ, lãnh đạo CSGT TP Đà Nẵng cho biết không xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm. Vị lãnh đạo này nói CGST không thể lật mũ của dân ra kiểm tra từng chi tiết để phân tích xem có phải là mũ dỏm hay không. Theo lãnh đạo CSGT TP Đà Nẵng, phải xử phạt nặng các đối tượng sản xuất - kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, không nên xử phạt người đội mũ dỏm.

Lãnh đạo GSGT TP.HCM cũng nói đơn vị này chưa xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm, vì không có căn cứ kết luận đâu là mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, biện pháp chủ yếu trước mắt chỉ là nhắc nhở người dân.

Dẫu có quan điểm chưa nhất quán nhưng lãnh đạo CSGT ở các TP lớn đều có chung một cách hiểu là có thể xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Tại sao lại như vậy? Theo một số chuyên gia pháp luật, ở điểm i, khoản 3 điều 6 nghị định 171 về xử phạt vi phạm giao thông có quy định phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi “chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” không cài quai đúng quy cách”. Giải thích quy định này, nhiều ý kiến cho rằng không đội “mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” đồng nghĩa với việc xử phạt người có đội mũ nhưng mũ không thuộc loại dành cho người đi môtô, xe máy, như mũ leo núi, mũ bảo hiểm khi đi xe đạp hay các mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn. Đúng là điều luật này quá mập mờ, rất dễ dẫn đến cách hiểu nêu trên nhưng cũng có thể hiểu đơn giản là chỉ xử phạt người không đội mũ bảo hiểm.

Chẳng rõ cả hai cách lập luận có chính xác không, nhưng làm luật mà để người thi hành hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì sẽ phát sinh những rối ren trong xã hội. Đây chỉ là một điển hình, không phải vô cớ mà ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phải thốt lên trước Quốc hội rằng: “Hệ thống pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới”, nguyên chánh án TAND tối cao Trịnh Hồng Dương cũng nói: “Luật nước ta xử thế nào cũng được”. Hai câu nói này cách nhau hơn cả chục năm, từ ngữ có khác nhau nhưng nội dung tương tự. Thế mới biết cái bệnh làm luật kiểu không rõ ràng sao mà khó sửa đến vậy.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên