22/10/2024 10:00 GMT+7

‘Hiểu đúng để tránh tàn phế do đột quỵ’

QUỲNH NGHI
và 1 tác giả khác

Đó là chủ đề của chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Đột quỵ thế giới 29-10.

‘Hiểu đúng để tránh tàn phế do đột quỵ’ - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng - trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh BV ĐHYD - tư vấn về các biến chứng do đột quỵ - Ảnh: BV ĐHYD

Ngày 19-10, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) phối hợp Chương trình Angels của Công ty Boehringer Ingelheim và Công ty Medtronic Việt Nam tổ chức chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ với chủ đề ‘Hiểu đúng để tránh tàn phế do đột quỵ’.

Đột quỵ là bệnh xảy ra do tổn thương một động mạch cấp máu cho não, khiến một phần não không có máu nuôi. Các tế bào não bị thiếu máu nuôi sẽ không có oxy và dưỡng chất nên sẽ ngưng hoạt động ngay lập tức và sau đó nhanh chóng chết đi.

Tại Việt Nam, đột quỵ là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế và cộng đồng. Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc đột quỵ, trong đó từ 10 đến 30% người bệnh diễn biến xấu và tử vong. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là nhiều người sống sót sau đột quỵ phải đối mặt với các di chứng nghiêm trọng, không thể tự sinh sống độc lập, suy giảm nặng chất lượng cuộc sống.

Tại chương trình, TS.BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV ĐHYD - chia sẻ: "Đột quỵ là một tình trạng y khoa khẩn cấp. Mỗi phút trôi qua khi người bệnh chưa được cấp cứu kịp thời, hàng triệu tế bào não có thể bị tổn thương không thể phục hồi".

BS CKI. Đào Duy Khoa - Khoa Thần kinh - giúp khán giả nhận diện đúng các triệu chứng đột quỵ và xử trí qua hoạt cảnh minh hoạ sống động. Dấu hiệu FAST "Méo cười, ngọng nói, xuội tay - Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ" là cách giúp mọi người dễ nhớ hơn các triệu chứng của đột quỵ.

Người bệnh đột quỵ thiếu máu não khi tới bệnh viện sẽ được cấp cứu tổng lực để thông mạch máu càng sớm càng tốt, có thể bằng thuốc tan cục máu tiêm vào tĩnh mạch, hoặc bằng can thiệp nội mạch lấy huyết khối, hoặc phối hợp cả hai.

Bên cạnh thuốc tan cục máu hay thuốc tiêu sợi huyết, BS CKI. Trần Quốc Tuấn - Khoa Ngoại Thần kinh BV ĐHYD - trình bày về kỹ thuật và hiệu quả của phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ.

Ngoài việc cấp cứu và điều trị kịp thời, phòng ngừa đột quỵ là một yếu tố không thể bỏ qua. BS CKII. Phạm Thị Ngọc Quyên - Khoa Thần kinh - đã chia sẻ về những biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ.

Nếu đã từng bị đột quỵ, ngoài việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ này, cần phải tìm và điều trị chính xác nguyên nhân gây bệnh, sử dụng các thuốc dự phòng lâu dài để ngăn ngừa tái phát.

‘Hiểu đúng để tránh tàn phế do đột quỵ’ - Ảnh 2.

Sự kiện thu hút đông đảo người dân tham dự và tương tác với chương trình - Ảnh: BV ĐHYD

Với những tiến bộ trong việc cấp cứu và điều trị đột quỵ, Đơn vị Đột quỵ của BV ĐHYD đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu về điều trị đột quỵ tại Việt Nam, đạt được chứng nhận Kim cương, mức chứng nhận cao nhất về chất lượng điều trị đột quỵ từ Tổ chức Đột quỵ Thế giới.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cam kết tiếp tục đồng hành cùng người bệnh trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này, giúp mọi người có thêm kiến thức và kỹ năng để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

BV ĐHYD TP.HCM tổ chức chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên