TTCT - Không rõ có là thậm xưng hay không khi cảm nhận rằng chưa bao giờ cúng kiếng, lễ bái, lễ hội... lại phát triển như ở cuối thập niên thứ nhì thế kỷ 21 này. Đêm 18 rạng sáng 19-2 (rằm tháng giêng), hàng nghìn người chen chúc kín sân đền Thiên Trường, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và nhà giải vũ đền Cố Trạch, thuộc Khu di tích đền Trần (Nam Định) để chờ nhận lộc ấn. Ảnh: Nam Trần Có phải do “phú quý sinh... lễ nghĩa” để nay “người dân có nhiều điều kiện hơn để thực hành niềm tin tín ngưỡng”, để “hồi sinh nhiều nét văn hóa, lễ hội truyền thống từng bị bỏ rơi, thậm chí bị tàn phá một thời gian dài trong thời kỳ bao cấp” như có người nhận xét? Hay đấy cũng chính là báo động về sự “trục lợi tâm linh”, và là những chỉ dấu cho những vấn đề còn nghiêm trọng hơn có thể phát tác trên bình diện xã hội? Cú sốc tâm linh? Trên báo mạng vài năm qua, không hiếm những chuyện kể “ly kỳ” kiểu nhiều người dân đổ xô tìm đến mộ một “bà ăn mày” để thắp hương thờ cúng, quỳ lạy một cặp rắn được “phong thần” xuất hiện trên ngôi mộ, hay “cúng thần trên thân cây cổ thụ ở Hà Nội”. Vài năm gần đây là những dấy lên ồn ào của tượng lớn chùa to, của những lễ nghi cầu cúng bạc tỉ, của những lễ hội dân gian giẫm đạp lên nhau giành chút “lộc Thánh”, của chuyện dùng xe công đi lễ... Những chuyên gia và cả giới chức chính quyền đã phải nhiều phen vất vả lập lại trật tự, dẹp bỏ nhiễu loạn đối với xã hội sinh ra từ những vụ “linh thiêng” đột ngột và đầy chất mê tín dị đoan kia, ban hành những văn bản nghiêm khắc chấn chỉnh đủ loại lộn xộn nọ. Nhưng tựu trung, vẫn cần có một cái nhìn sâu hơn nữa vào điều mà ta tạm mượn cách dùng từ của Samuel P. Huntington, tác giả cuốn sách Sự va chạm của các nền văn minh để gọi đó là những cú sốc tâm linh. Vấn đề nằm ở chỗ đã và đang có một sự thiếu hiểu biết, thiếu tri thức về những gì được gọi là thờ cúng, là tâm linh, là tín ngưỡng, là tôn giáo... Có lẽ là bởi đã có một thời gian dài, dễ đến hơn nửa thế kỷ tất cả đều “đóng cửa”, các sinh hoạt tâm linh hay tôn giáo thường thức khá hạn chế, những hoạt động mang tính “đóng” trong thuyết giáo, tu học nghiêm túc, “đóng” trong thực hành... khiến cánh cửa tri thức bị khép. Hậu quả là, không nhiều người hiểu sâu sắc tôn giáo mình đang theo hay mình đang “quản lý” theo thực sự là gì, như thế nào, và không phải là gì. Cho đến lúc tất cả được “mở toang”, và từ thái cực này qua thái cực khác, người ta ùn ùn “tâm linh” như thể “ăn trả bữa”. Chưa kể những trục lợi tâm linh sinh ra từ thời buổi trọng kim tiền, những ngấm ngầm dùng nơi linh thiêng để “rửa chuộc tội lỗi” của những người tay trót nhúng chàm... Sự thiếu/kém hiểu biết tối thiểu về điều đang được gọi chung là “tâm linh” như vậy đã làm dấy lên những cách nghĩ, cách thờ phụng và thực hành tín ngưỡng méo mó. Vì sao một xã hội thế tục, tiếp cận cởi mở với đa tôn giáo, tín ngưỡng như lâu nay chúng ta tự biết về mình, lại vẫn thấy những người quay lại Bái vật giáo (animisme), hay có các quan niệm và thực hành tín ngưỡng mà không thể gọi là gì khác ngoài “buôn thần bán thánh”? Biến chuyển đó nhất định đi ngược thời gian, thậm chí ngược dòng lịch sử và càng cho thấy sự thiếu hiểu biết vẫn đang tồn tại, thậm chí còn tác quái, và chẳng cứ trong một bộ phận dân chúng mà còn cả với không ít quan chức. Tại sao lại có tình trạng “cái gì cũng tin thờ” dễ dàng và đông đảo như bây giờ? Phải chăng do thiếu một hành trang tối thiểu những hiểu biết về các vấn đề lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục và văn hóa? Nhu cầu giáo dục công dân Nhà chức trách, ở tầm mức quốc gia và các địa phương đã có những phản ứng, nỗ lực giải quyết tình hình, cùng những cố gắng giải thích, nâng cao hiểu biết và nhận thức văn minh cho người dân. Trên truyền thông, những tiếng nói thẳng thắn vẫn vang lên: “Nhiều nước không đốt vàng mã, xem ngày giờ sao vẫn thịnh vượng?” - “Ông bà tổ tiên không nhận được gì khi chúng ta đốt vàng mã” - “Đốt vàng mã: Giáo lý đạo Phật không dạy thế!” - “Cần loại bỏ tập tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc”... Hoặc những khuyến cáo nghiêm khắc về một giáo phái “lạ”: “Bộ Giáo dục - đào tạo đã yêu cầu các trường phải tăng cường công tác quản lý đối với học sinh, sinh viên, thông tin tới học sinh, sinh viên bằng nhiều kênh khác nhau để chủ động tránh bị dụ dỗ, lôi kéo...”, hay “Hội Sinh viên Việt Nam khuyến cáo sinh viên không nên nghe, làm theo những thông tin không chính thống...”. Nhưng rõ ràng, khó có thể giải thích, thuyết phục, thậm chí răn đe một cách quá giản lược như thế. Trong một xã hội đậm dấu tích của thế giới Tam giáo (đạo Khổng, Phật giáo, Lão giáo) vốn đã định hình cả ngàn năm, với những chùa đền, kiến trúc và sinh hoạt văn hóa, lễ nghi lồng ghép, đan xen với cuộc sống thường nhật, một mặt bằng hiểu biết tối thiểu cho đại đa số người cắp sách đến trường là điều cần được cung cấp đầy đủ thông qua giáo dục và thông qua thông tin khách quan, toàn diện. Những học sinh trung học tối thiểu cũng phải được biết thế nào là Tam giáo, rằng cúng kiếng, vàng mã... là gì từ những thoát thai của “Lão giáo” (như có thể thấy trong các “chùa Tàu”), được hiểu biết về các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đã và đang tồn tại đa dạng trong đời sống hiện đại. Nói chung, là để xã hội được trang bị một kiến thức tổng quát tối thiểu về lĩnh vực này. Hiểu biết tối thiểu về các tôn giáo, về tín ngưỡng không đồng nghĩa với “nhồi sọ” tôn giáo hay lan truyền đức tin mà là góp phần vào kiến thức tổng quát của các công dân tương lai. Chính nhờ sự hiểu biết đó, tổng quát nói chung trong xã hội, và chi tiết cặn kẽ thấu đáo với các tín đồ các tôn giáo, mà xã hội hành xử hầu như không lệch lạc so với nền tảng của các tôn giáo, tín ngưỡng đó, mà giảm bớt cái tâm thế u mê hoang mang “gặp gì thờ đó”. Tuổi nhỏ được dạy dỗ và có hiểu biết về tôn giáo và đức tin đúng mực thì lớn lên không rủ nhau đi sờ đầu rùa Văn Miếu để mong thi đậu, chen nhau mua vàng ngày “Thần tài”, đổi tiền lẻ nhét tay tượng thánh, công khai lập bàn thờ cúng chốn công sở hoặc giành nhau “lấy ấn” để thăng quan tiến chức. Các công dân tương lai khi được cung cấp tối thiểu hiểu biết đúng đắn về thế giới tâm linh, về các tôn giáo sẽ bớt đi lạc bước mà cứ ngỡ là đang được tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Hiểu biết về tôn giáo không có nghĩa là để theo tôn giáo này hay tôn giáo kia. Hiểu biết về tôn giáo để tránh hoặc rơi vào thái cực “cái gì cũng thờ” hoặc thái cực ngây thơ cả tin ngay từ tiếp xúc đầu tiên, hoặc bị những thế lực tôn giáo méo mó dẫn dắt u mê và trục lợi. Hiểu biết về tôn giáo để có những cái nhìn đúng, hành xử đúng, nhất là khi đã và đang nở rộ “du lịch tâm linh”, nơi nhiều người vì lợi nhuận kinh doanh sẽ ra sức làm cho sự thiếu/không hiểu biết càng nặng nề hơn, lan truyền sai lạc rộng khắp hơn trong xã hội, với hậu quả càng lúc càng phức tạp. Sau cùng, trên bình diện xã hội, một kiến thức tối thiểu sẽ giúp cho nhận thức sau này có một nền tảng, một hiểu biết về lẽ thường phổ quát và lành mạnh, sẽ giúp cộng đồng theo tôn giáo này hiểu biết cộng đồng theo tôn giáo khác, giữa những người không theo tôn giáo nào với những người theo tôn giáo nào đó, tránh đi cái nguy cơ khi sự không hiểu biết lẫn nhau có thể dẫn tới sự phủ định lẫn nhau. Đấy là sự hiểu biết vô cùng cần thiết, góp phần tạo dựng và duy trì được một xã hội, cộng đồng hài hòa và đoàn kết - nền tảng cốt yếu cho bất cứ một quốc gia văn minh, thịnh vượng nào.■ Tags: Tôn giáoGiải hạnCúng báiĐức tin
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.