Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp và nông dân còn đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu - Ảnh: TRẦN MẠNH
Đó là ý kiến được Hiệp hội Lương thực Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cũng như đại diện các địa phương sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công thương về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo tại TP.HCM chiều 26-3 tại TP.HCM.
Theo ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cho biết lượng gạo tồn kho cũng như lúa trong dân khá lớn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bình thường. Doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị Bộ Công thương đề nghị Chính phủ sớm mở cửa trở lại cho xuất khẩu gạo.
"Tất nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, việc ký mới hợp đồng cũng cần có những kiểm soát chặt chẽ hơn để vừa đảm bảo xuất khẩu được gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước", ông Nam cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho hay Cục Trồng trọt vẫn giữ quan điểm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong các báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình sản xuất và khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020. Theo đó, năm nay Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo các loại.
"Bộ căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế, đánh giá tác động của hạn mặn đến sản xuất để ra con số nói trên. Vì vậy, đề xuất của các doanh nghiệp cho xuất khẩu trở lại là hợp lý", ông Tùng nói.
Bộ Công thương cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để báo cáo lên Thủ tướng vào ngày 28-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận