Bộ truyện Doraemon là một hiện tượng tại Việt Nam - Ảnh chụp màn hình
Theo Đài BBC, những ngày này, Bảo tàng Anh ở London đang tổ cuộc triển lãm manga (truyện tranh Nhật Bản) lớn nhất thế giới. Sự kiện một lần nữa nhắc lại sức lan tỏa toàn cầu của manga - một hiện tượng thú vị xảy ra trước khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) xâm chiếm thế giới.
Tại Việt Nam, từ đầu những năm 1990, trẻ con thế hệ 8x đã được làm quen với chú mèo máy Doraemon đến từ Nhật Bản. Có thể nói, trước khi được nhìn thấy nước Nhật, cư dân toàn cầu đã có một khái niệm về văn hóa Nhật thông qua manga (và anime - hoạt hình).
Nhà làm hoạt hình người Hàn Quốc Yeon Sik Hong nêu cảm nghĩ về manga: "Khi tôi nghĩ về văn hóa Nhật, điều đầu tiên nảy ra trong đầu là manga và anime. Nhiều người Hàn không có kiến thức về truyện tranh và hoạt hình cũng nghĩ như thế. Tôi cho rằng hai thứ đó đại diện cho văn hóa Nhật".
Xa khỏi châu Á, di sản thời kỳ thuộc địa ảnh hưởng đến sự đón nhận manga ở những nơi khác, ví dụ như châu Phi. Bà Alexandra Gueydan Turek, giáo sư chuyên ngành Pháp học tại Đại học Swarthmore (Mỹ), nhận xét manga đã được sử dụng như một công cụ hữu ích giúp các quốc gia hậu thuộc địa giữ lấy bản sắc văn hóa riêng.
"Đội trưởng Tsubasa" là loạt manga nói về môn bóng đá nổi tiếng ở Algeria và trong thế giới Ả Rập. Từ đây, Dz-manga, hay manga của xứ Algeria, ra đời như một thay thế cho thuật vẽ phương Tây và nghệ thuật truyền thống Hồi giáo.
Nhật Bản đủ xa, cả về lịch sử chung và địa lý, để giải phóng giới trẻ khỏi sức ảnh hưởng chủ đạo của Pháp tại Algeria. Giáo sư Gueydan Turek cho đây là một điều tích cực.
"Dz-manga không hẳn nghiêng về sức hút của văn hóa Nhật Bản, nó như một sản phẩm văn hóa toàn cầu phổ biến được địa phương hóa" - bà nhận xét.
Chi’s Sweet Home là tựa manga được yêu thích nhất tại Pháp - Ảnh chụp màn hình
Trong chừng mực nào đó, sự quan tâm của Algeria với manga cũng ảnh hưởng bởi sự cuồng nhiệt của người Pháp dành cho văn hóa Nhật.
Từ cuối thế kỷ 17, các nhà sưu tầm Pháp phát hiện nhiều món hàng Nhật như tủ sơn mài, tranh in gỗ (ukiyo-e - tiền thân của manga hiện đại)… giúp đẩy "cơn cuồng Nhật" lên cao ở châu Âu.
Tại Pháp ngày nay, tình yêu manga song hành với luồng văn hóa truyện tranh Pháp và Bỉ khá mạnh mẽ. Một series manga được yêu thích nhất tại Pháp là Chi’s Sweet Home (Ngôi nhà ngọt ngào của Chi) của tác giả Kanata Konami nói về một chú mèo đi lạc tìm thấy ngôi nhà mới.
Nếu như manga là sự thay thế tại Algeria, sự tiếp nối tại Pháp, thì tại Nga nó giúp chống lại các giá trị được coi là "nề nếp" và cả tư bản, lai căng Mỹ... Manga lan tỏa từ thời Liên Xô trong một bộ phận giới trẻ có học thức. "Thủy thủ Mặt trăng" là cái tên lẫy lừng một thời.
Nhìn chung, ảnh hưởng của manga đối với người đọc và thế giới quan của họ được phóng đại bởi thực tế là phần lớn tiếp cận manga ở độ tuổi rất trẻ, dễ bị ảnh hưởng.
Nhiều năm trước, một khảo sát ở 4 nước châu Âu phát hiện 15% độc giả làm quen với manga trước 10 tuổi, 45% từ 10-14 tuổi, và 29% là trước tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách.
Tính năng động về văn hóa là một lý do giúp manga vượt xa khỏi nước Nhật theo nhiều hình thái đến như vậy. "Manga ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế" - giáo sư Nicole Coolidge Rousmaniere, chuyên gia về văn hóa Nhật Bản thuộc Đại học East Anglia (Anh), nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận