Tuy nhiên, hiện nay đang có hiện tượng học sinh “trượt dốc” theo cấp bậc đào tạo. Càng ở cấp dưới (cấp tiểu học) tỷ lệ học sinh giỏi (theo đúng nghĩa) càng nhiều, nhưng khi bước tới thời trung học, đặc biệt là trung học phổ thông con số đó rơi rụng rất nhiều.
Học ngày càng kém dần!
Thống kê số liệu kết quả loại học lực học kỳ 1, năm học 2009-2010 của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, số học sinh lớp 9 đạt khá giỏi 57,67% (ở năm học 2008-2009) nhưng khi vào lớp 10 năm học này chỉ còn khoảng 38% (giảm gần 20%). Đặc biệt, số học sinh lớp 9 yếu kém ở năm học trước là 9,3%, khi vào lớp 10 đã tăng lên gần 25%.
Đặc biệt nhiều em có thành tích học tập đáng nể thời phổ thông, đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học (thậm chí tuyển thẳng đại học vì có thành tích đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia) nhưng khi vào giảng đường đại học cũng trượt dốc. Nhiều em hụt hẫng, thất vọng, không tin vào chính mình khi thành tích học tập mỗi ngày một sa sút thời sinh viên. Rất nhiều ngành học ở các đại học công lập lớn, số sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt chưa tới 50% (dù các em cũng rất khó khăn để đậu vào trường).
Điều gì khiến cho sức học của học sinh - sinh viên càng lên cao càng đuối: thời phổ thông học rất giỏi, nhưng thường không thể duy trì thành tích đó khi đặt chân vào giảng đường đại học?
Học “nhồi”, học “nhét”!
Phóng to |
HS tham gia cuộc thi vẽ tranh cổ động vì môi trường của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước |
Nhiều người thừa nhận rằng, một nguyên nhân không nhỏ tác động đến khả năng tiếp thu tri thức về lâu dài là dạy cho trẻ biết chữ quá sớm. Khoa học đã kiểm nghiệm, chỉ nên cho trẻ từ sáu tuổi trở lên mới được học chữ; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định “không dạy cho trẻ biết chữ trước khi bước vào lớp một”, song có những bậc cha mẹ thấy con mình mới ba, bốn tuổi đã có khả năng ấy nên không ngần ngại đầu tư cho “cục cưng” của mình, thậm chí cho đó là “thần đồng” cần phải bồi dưỡng sớm.
Ở nhà đã vậy, lên trường các cháu lại được cô giáo rèn chữ, ghép vần phụ đạo thêm cho “cứng cáp”. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện lo cho con mình như thế, nên có những trẻ nhỏ khi vào lớp một không biết chữ đã chịu nhiều áp lực tâm lý tự ti, mặc cảm vì kém chúng bạn, khó khăn trong tiếp thu kiến thức, bởi cô giáo phải dạy theo số đông học sinh đã biết chữ. Quả thật, khó cho cả cô lẫn trò!
“Dạy ngày không đủ, tranh thủ dạy đêm”!
Nạn dạy thêm, học thêm, thi cử góp phần làm trầm trọng thêm. Có lẽ, sáu tuổi mà trở thành “sĩ tử” chỉ có ở Việt Nam, cửa ải này vô hình trung tập cho bé phải làm quen với áp lực thi cử ngay từ ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Quá trình này kéo dài lê thê suốt mười hai năm phổ thông, nạn “dạy ngày không đủ tranh thủ dạy đêm” kéo theo phụ huynh phải kiếm thật nhiều tiền đầu tư cho con đi học, rồi học sinh phải quay cuồng điên đầu với “học và thi” như lao vào cuộc chiến “sống còn”.
Thay vì “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui” (GS Hồ Ngọc Đại), thì sự thật bây giờ, nhiều đứa trẻ đến trường với một tâm lý nặng nề, đôi khi cả sợ hãi. Trạng thái tâm lý đó xuất phát bởi áp lực từ những thành tích học tập, thi cử được “số hóa” đến từ hai phía nhà trường và gia đình, nếu không muốn nói đến cả từ chính Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình, sách giáo khoa quá nặng và ôm đồm đủ thứ nên các em không thể có thời gian và khoảng trống cho sự vui chơi, tư duy, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu. Trong cuốn “Thời đi học của những người nổi tiếng” cho thấy phần lớn những phát minh khoa học của các nhà khoa học lại xuất phát từ những trò chơi, ý tưởng rất ngộ nghĩnh thuở thơ ấu.
“Ở các nước phương Tây, học sinh các lớp dưới vừa học vừa chơi, vừa mở mang tâm trí bên ngoài sách vở, biết dưỡng sức sau này đi xa, rất xa, đến 60-70 tuổi vẫn còn tiến thủ” (GS Hoàng Tụy). Phải chăng chương trình quá nặng, ôm đồm khiến các em kiệt sức ngay thời phổ thông là nguyên nhân chính cho việc tiếp thu tri thức cũng như khả năng sáng tạo cho sinh viên sau này?
“Học là một quá trình gây mê không hồi sức”!?
Cách dạy, cách học, cách thi hiện nay rất khó phát huy khả năng sáng tạo cho người học. Thời học sinh còn nhỏ - giai đoạn não phát triển rất mạnh - lẽ ra nó phải tự do bay bổng, tư duy sáng tạo thì lại nhường chỗ cho học thuộc bài vì lối dạy đọc chép của thầy cô, từ đó tạo đường mòn cho học sinh tiếp thu theo kiểu “ghi âm tri thức”.
Một số sinh viên truyền miệng nhau rằng: “học là một quá trình gây mê không hồi sức?”. Thật là hài hước! Khi chúng tôi hỏi tại sao lại có khái niệm kỳ quặc thế, họ trả lời rằng “suốt thời sinh viên chúng tôi được thầy đọc cho chép, vào lớp thầy ru cho ngủ mệt muốn chết, lên cao học tưởng khác, ai ngờ cũng gặp toàn sư phụ năm xưa của mình, họ chuyển từ “đọc chép” sang “chiếu chép”. Câu nói có hơi quá, song phản ánh phần nào thực trạng và học thi hiện nay.
Học với mục đích chỉ để đối phó với thi cử, học máy móc góp phần thui chột sự sáng tạo tự nhiên của sinh viên. Xã hội chuộng bằng cấp nên tấm “giấy thông hành” này lên ngôi trở thành thước đo cho giá trị con người và cửa ngõ để được tiếp nhận việc làm. Vì vậy phải đạt điểm “tối đa” bằng mọi cách nhằm sau khi tốt nghiệp đi “tiếp thị” bản thân với cơ quan, doanh nghiệp là đủ còn việc học thì chẳng cần quan tâm đến sáng tạo, sáng chế, phát minh.
Hãy trả lại tuổi thơ cho các em!
Đã đến lúc, từ cấp mầm non đến phổ thông phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc thúc đẩy các trường dạy học theo phương pháp tích hợp để phát huy tính tích cực học tập và sáng tạo của học sinh. Cần xây dựng lại chương trình, tăng cường thời gian nghỉ hè, nghỉ tết, giảm bớt các tiết học để trả lại tuổi thơ cho học sinh.
Các phương tiện dạy học tại các trường cấp 1 vẫn cần phải chú ý phát triển các kênh hình hơn kênh chữ để các em dễ tiếp thu bài học. Thầy cô có thể dễ dàng chuyển tải các mục tiêu dạy học đến học sinh.
Các trường cấp 2, 3 ngoài việc củng cố đội ngũ giáo viên, thì trang bị cơ sở vật chất là vô cùng quan trọng vì chúng ta muốn cải cách giáo dục, muốn thay đổi phương pháp giảng dạy thì chúng ta phải thay đổi phương tiện giáo dục, song không phải cứ ứng dụng và lạm dụng công nghệ thông tin là đổi mới giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ bằng cách cải tiến cách giảng bài, mà còn cải tiến cả tổ chức quá trình giảng dạy: tăng số giờ thực hành, dành thời gian hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc sách, tham khảo tài liệu, tập thuyết trình, thảo luận, tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ,...
Giảm tải chương trình là nhiệm vụ bức thiết của giáo dục hiện nay.
Kỹ năng sống, không tự dưng mà có!
Đưa các chương trình giáo dục kỹ năng sống vào trường học từ bậc mầm non đến đại học là điều tối quan trọng. Một điều nghịch lý bất cập trong giáo dục là chúng ta cung cấp cho học sinh rất nhiều kiến thức môn học mang tính chất “hàn lâm” thiếu tính thực tiễn, nhưng lại không có môn nào dạy cho học sinh phải làm gì khi họ vấp ngã, thất bại trong cuộc sống.
Dạy cho học sinh cách phát hiện khả năng của mình cũng như định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội trong tương lai. Các trường sư phạm cũng nên chú trọng bồi dưỡng các kiến thức về giáo dục kỹ năng sống cho giáo sinh để họ có thể giáo dục học sinh.
Đợt đổi mới chương trình và sách giáo khoa năm 2000 đã cho thấy chương trình này đang quá nặng và cần được thay đổi theo hướng giảm tải. Nên tham khảo chương trình phổ thông của một số nước như Mỹ, Úc, Canada. Ở cấp tiểu học nên tập trung vào một đến hai môn và ở trung học cơ sở từ ba đến bốn môn thi kiểm tra có điểm, còn lại cho học sinh tự chọn một số môn mang tính chất rèn kỹ năng cuộc sống.
Phân ban vẫn mang ý nghĩa tích cực vì giúp học sinh được học tập trung vào môn ưa thích, không phải dàn đều sức học cho tất cả các môn, tăng khả năng sáng tạo cho học sinh. Nhưng học sinh hiện nay hầu như chỉ chọn ban A và bây giờ thì chủ yếu là ban cơ bản vì các lý do: dạy và học chỉ vì mục tiêu tập trung cho thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh vào đại học, cách thức đánh giá và kiểm tra thi cử khiến học sinh lựa chọn ban thi dễ đậu nhiều hơn các ban khác.
Có nhiều yếu tố bất cập kìm hãm sự sáng tạo trong học tập của học sinh, sinh viên khiến họ đuối sức khi học lên cao. Đổi mới giáo dục cần tiến hành đồng bộ ở tất cả cấp học nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo cho người học sao cho những người bình thường sau khi học xong tự kiếm được cơm ăn, những người tài năng thì không chỉ có khát vọng thành đạt cho bản thân mà còn có trách nhiệm với tương lai tổ quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận