Tác phẩm điêu khắc Vườn ươm của nghệ sĩ Trần Thức là cái nhìn trực diện về những tranh cãi trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua - Ảnh: MAI THỤY
Diễn ra từ ngày 14 đến 20-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 14 họa sĩ, nhà điêu khắc của nhóm đem đến cho người xem 63 tác phẩm về thiên nhiên và đời sống con người Việt Nam.
Các tác phẩm được sáng tác trong năm 2018 với phong cách hiện thực rõ nét từ kỹ thuật tạo khối, lên màu cho đến cách lựa chọn đề tài.
Nếu ở căn phòng này của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, những gam màu sắc lạnh tạo không khí tù túng trong những bức tranh của họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh, Nguyễn Văn Bảy thì ở một gian phòng khác, tác giả Trịnh Minh Tiến lại cho người xem một cảm nhận khác về hiện thực.
Với những bức vẽ được thể hiện trên nắp capô xe hơi, tác phẩm của Trịnh Minh Tiến là sự giao thoa giữa phong cách hiện thực và trường phái ấn tượng: mỗi tác phẩm là một trải nghiệm tức thời của họa sĩ với cơn mưa Hà Nội và cái bóng của những tòa giáo đường hiện lên trên nắp capô.
"Đối với những ai mới tiếp xúc với hội họa, tranh hiện thực có lẽ là dòng tranh dễ xem nhất vì chúng tập trung mô tả sự vật, con người thường ngày. Tuy nhiên, để chúng ta đánh giá đúng đâu là một bức tranh đẹp thì lại vô cùng khó khăn bởi phải tìm ra nét riêng biệt của họa sĩ xen lẫn trong những đối tượng được tả thực" - họa sĩ Phạm Bình Chương, thành viên nhóm Hiện Thực, chia sẻ.
Tranh sơn dầu Cô gái với chiếc lông ngỗng - Họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh
Trong buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân đã nhắc lại lời đề từ của một triển lãm ông và một số họa sĩ Việt Nam từng tham gia vào những năm 1990 ở Singapore: "Hiện thực không phải là cách vẽ mà là một thái độ sống".
Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, nhóm Hiện Thực đã tạo nên một cú hích cho nghệ thuật Việt Nam kể từ khi trào lưu hiện thực sau những năm đổi mới bị thoái trào. "Các họa sĩ của nhóm đã quay lại nhìn thực tại bằng nhiều cách khác nhau, qua đó chứng minh cho công chúng sự khác biệt giữa cách nhìn và cách thấy một tác phẩm nghệ thuật" - ông phân tích.
Vì dám nhìn trực diện vào xã hội, tác phẩm hiện thực cũng thường xuyên va chạm các vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật TP.HCM, sự va chạm này xuất phát từ tâm hồn trong trẻo của người nghệ sĩ với mong muốn xã hội ngày càng tốt đẹp.
Vì vậy, Hội đồng nghệ thuật TP.HCM luôn đưa tiêu chí giá trị tác phẩm lên hàng đầu khi đánh giá một sáng tác chứ không đặt nặng vấn đề trải nghiệm cá nhân của tác giả.
Họa sĩ Phạm Minh Đức chia sẻ kể từ khi nhiếp ảnh xuất hiện, phong cách hiện thực đã trải qua rất nhiều chặng đường thay đổi.
Từ việc phác họa đối tượng ở mức tương đối, các họa sĩ vẽ tranh hiện thực ngày càng chú ý hơn đến việc tạo gờ, khối cho chi tiết để nâng mức độ tả thực của tranh. Bên cạnh đó, thông qua sự biến chuyển của kỹ thuật, nội dung sáng tác hiện thực cũng ngày càng đa dạng và rẽ sang nhiều hướng mới mẻ hơn.
Tranh sơn dầu Tuổi thơ - Họa sĩ Lê Thế Anh
Tranh sơn dầu Tôi lựa chọn - Họa sĩ Mai Duy Minh
Tranh sơn dầu Lối về - Họa sĩ Phạm Bình Chương
Tranh sơn dầu Gia đình - Họa sĩ Lê Thế Anh
Tranh sơn dầu Đêm - Họa sĩ Mai Duy Minh
Tranh màu nước Sau cơn mưa - Họa sĩ Nguyễn Toán
Tranh sơn dầu Sắc xuân - Họa sĩ Phạm Bình Chương
Tranh sơn dầu Ngóng đợi - Họa sĩ Nguyễn Văn Bảy
Tranh sơn dầu Hoài niệm - Họa sĩ Nguyễn Lê Tân
Tranh sơn dầu Hai chị em - Họa sĩ Nguyễn Đình Duy Quyền
Tranh sơn dầu Đàn ông - Họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh
Tranh màu nước Suối bạc - Họa sĩ Nguyễn Toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận