20/05/2024 14:00 GMT+7

Hiến tạng cứu người, gửi lại đời sự sống

Sáu năm trước, câu chuyện của Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc gửi lại 'ánh sáng' của mình cho hai người khác đã chạm đến cảm xúc của cộng đồng.

Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dành phút mặc niệm tri ân người chết não hiến tặng mô, tạng - Ảnh: BVCC

Các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dành phút mặc niệm tri ân người chết não hiến tặng mô, tạng - Ảnh: BVCC

Ở thời điểm ấy, hàng ngàn người đã ký tên vào đơn đăng ký tự nguyện hiến mô tạng khi chết/chết não.

Nếu trước kia, người suy gan, suy thận, suy tim... coi như đã nhận "án tử", chờ đợi sự sống có thể chấm dứt bất cứ khi nào, thì giờ đây với tiến bộ của y học, ghép tạng đang làm hồi sinh hàng ngàn sự sống.

"Con đã ra đi, nhưng trái tim con vẫn đập"

Năm 2018, cô bé Hải An ra đi sau khi mắc căn bệnh ung thư, em đã hiến tặng giác mạc. Thời điểm ấy, hai người đã nhận được giác mạc của Hải An là một cụ bà 73 tuổi từng nhiều năm sống trong bóng tối và một người đàn ông 42 tuổi bị đục giác mạc di truyền, tám năm qua không nhìn rõ.

Sự cho đi của cô bé Hải An đã giúp hai người khác được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, ngắm nhìn cuộc sống. Và hành động của Hải An và gia đình đã chạm đến hàng triệu trái tim người Việt.

Hàng ngàn người đã ký tên mình vào đơn đăng ký tình nguyện hiến mô, tạng. "Cộng đồng đã phần nào hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp của sự "cho đi" đặc biệt ấy", chị Thùy Dương - mẹ của Hải An - nói.

Tháng 3 vừa qua, nữ điều dưỡng Lộ Thị Thùy Linh (công tác tại Bệnh viện E) mắc bệnh nặng, đột ngột ngừng tim, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Mặc dù các bác sĩ cứu chữa tích cực và tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân trong tình trạng chết não. Gia đình đã đồng ý hiến toàn bộ tạng để cứu sống bốn người mắc trọng bệnh.

Ông L.M.H., cha của chị Linh, chia sẻ quyết định đồng ý hiến tặng mô tạng của con gái là quyết định đúng đắn của gia đình. "Con tôi đã ra đi, nhưng trái tim của con vẫn còn nhịp đập. Ngày gặp lại người được nhận tạng hiến, tôi đã rất xúc động. Tôi nghĩ rằng con gái tôi cũng sẽ mỉm cười nơi chín suối", ông H. xúc động nói.

Cảm ơn những người mang đến "phép màu"

Hằng ngày, hàng ngàn người đang chờ đợi để được ghép tạng. Họ mong chờ một phép màu đến với họ, mà phép màu ấy chỉ đến khi có được nguồn tạng hiến từ người hiến tặng sau khi qua đời hoặc chết não.

Ca ghép tạng đêm 30 Tết Giáp Thìn vừa qua đúng như một phép màu đến với bảy người bệnh cần ghép tạng. Đêm giao thừa, hàng trăm bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các bệnh viện khác đã thực hiện ca lấy - ghép đa tạng từ người cho chết não.

Gia đình nam thanh niên chết não do tai nạn giao thông đã đồng ý hiến tạng của người thân để cứu sống nhiều người bệnh khác. Ca phẫu thuật kết thúc trong ngày cuối cùng của năm cũ, tiếp nối một năm mới và bắt đầu với nhiều cuộc đời được tái sinh.

Là người được nhận phổi từ người hiến tạng, trước đó chị P.A.T. (21 tuổi, quê Bắc Kạn) tưởng chừng sẽ phải khép lại cuộc đời vì căn bệnh hiếm gặp gây xơ phổi.

Mẹ chị T. chia sẻ: "Tôi từng sợ một ngày nào đó, đi làm về gọi con sẽ không còn nghe được lời đáp từ con. Phép màu đã đến với con, ca ghép phổi thành công, con được sống một cuộc đời mới. Cảm ơn người hiến tạng đã cho con tôi sự sống".

Sau hai tháng được ghép phổi, chị T. đã hồi phục và trở về với gia đình. Ngày ra viện, chị T. xúc động chia sẻ về hành trình mình đã trải qua và cảm ơn người hiến tạng cho mình cơ hội được tiếp tục sống.

Còn ông M. (53 tuổi, trú tỉnh Lạng Sơn) - người được ghép tim từ người chết não ngày 30 Tết - cũng đã bình phục sau bốn tuần. Trước đó, ông M. mắc bệnh suy tim, có thể đột tử bất cứ lúc nào. Ngày trở về với gia đình, ông M. vẫn không tin rằng mình đã thoát khỏi tử thần nhờ một người lạ.

Hơn ai hết, chị T., ông M. hay hàng trăm người đã được nhận tạng hiến khác luôn biết ơn nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tạng. Khi ở lằn ranh sinh tử, họ được cứu sống nhờ những phép màu, mà phép màu ấy từ sự cho đi của người đã khuất. Đó có thể là nguồn ánh sáng, nhịp đập trái tim hay hơi thở của những người xa lạ.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế), từng chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp ấy: "Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của tự nhiên, việc hiến mô tạng sau chết rất ý nghĩa. Bằng cách này, không chỉ giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được sống mà việc đăng ký hiến tạng cũng cho chính bản thân họ một niềm hạnh phúc vô bờ bến".

Hiện nay cả nước có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đừng đem nguồn sống vùi vào lòng đất

Là người đã đồng hành với hội vận động hiến tạng nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế - mong mỏi: "Thay vì vùi nguồn sống vào lòng đất hay thiêu cháy thì chúng ta dùng nó để cứu người. Nguồn tạng hiến là niềm hy vọng cho sự sống hồi sinh".

Trong một buổi lễ phát động hiến mô tạng từ người chết/chết não mới đây, bà Tiến kể câu chuyện của một doanh nhân người Brazil nổi tiếng khi ông thông báo sẽ chôn một chiếc xe triệu đô xuống lòng đất. Thời điểm đó, nhiều người đặt câu hỏi về hành động kỳ quặc này, tại sao lại chôn một vật có giá trị như vậy xuống lòng đất và lên án ông.

"Tuy nhiên khi chuẩn bị chôn chiếc xe, ông đã yêu cầu dừng lại. Sau đó, ông nói rằng: Mọi người lên án việc tôi muốn chôn một chiếc xe triệu đô. Nhưng trên thực tế, hầu hết chúng ta đều chôn những thứ có giá trị hơn nhiều so với chiếc xe của tôi. Họ đã chôn những quả tim, gan, phổi, mắt và thận.

Rất nhiều người ngoài kia đang chờ được cấy ghép trong khi bạn chôn những cơ quan còn khỏe mạnh có thể cứu sống họ. Đây là sự lãng phí lớn nhất. Không có tài sản nào giá trị hơn cơ quan cơ thể còn hoạt động, bởi không có gì giá trị hơn sự sống. Câu chuyện ấy đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ và nhân văn trong cộng đồng về ý nghĩa của việc hiến tạng", bà Tiến chia sẻ.

Tại những lễ phát động hiến mô tạng, bà Tiến luôn nhắc đến tình hình hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam đang nằm "đáy" trên bảng xếp hạng của thế giới.

Trong khi đó, đối với người bệnh suy tim, suy gan, suy thận giai đoạn cuối, khi những phương pháp điều trị duy trì không còn hiệu quả, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng. Hiện nay, ước tính có khoảng 5.000 người đang chờ ghép tạng, trong đó chủ yếu là ghép gan và thận.

Luôn trăn trở với người bệnh chờ ghép tạng, ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ mong cộng đồng hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp ấy để có thể hồi sinh những người bệnh đang ngày ngày chờ đợi cái chết.

Ông Hùng chia sẻ dù đã có rất nhiều người hiểu hơn về hiến tạng, thế nhưng rào cản còn rất lớn bởi quan niệm "chết toàn thây". Thực tế, không ít người chết não đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, thế nhưng không phải gia đình nào cũng làm theo di nguyện của người đã khuất.

"Có những trường hợp cha mẹ người chết não hiến tạng đã đồng ý, nhưng sau đó lại đổi ý. Như vậy, chúng tôi cũng không thể thực hiện lấy - ghép tạng để cứu người", ông Hùng trăn trở.

Không khỏi trăn trở khi nói về thực trạng ấy, bà Kim Tiến mong cộng đồng sẽ hiểu hơn giá trị nhân văn "cho đi là còn mãi" của việc hiến tạng. Để mỗi người khi không may mắn phải ra đi thì sự sống vẫn có thể được tiếp nối trong hình hài người ở lại.

Thủ tướng Chính phủ đăng ký hiến mô, tạng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến mô, tạng trong lễ phát động sáng 19-5 - Ảnh: TRẦN MINH

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến mô, tạng trong lễ phát động sáng 19-5 - Ảnh: TRẦN MINH

Ngày 19-5, đúng vào ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Tại lễ phát động, Thủ tướng đã cầm trên tay tấm thẻ đăng ký hiến mô, tạng của mình.

Ông nói, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: "Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái". Truyền thống quý báu đó của dân tộc ta đã ngày càng được phát huy, lan tỏa với biết bao hành động cao đẹp, gương người tốt việc tốt, từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Đặc biệt, truyền thống quý báu đó còn được minh chứng bằng nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người với tinh thần "cho đi là còn mãi", "cứ cho đi là được nhận lại" của hàng nghìn người trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ".

"Mọi người dân Việt Nam trưởng thành - không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền - hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống".

Đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người, phát huy sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân" - Thủ tướng nói.

Ngay tại lễ phát động, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành đã cùng nhau đăng ký hiến mô tạng với một niềm tin và hy vọng về tương lai cộng đồng sẽ hiểu hơn nữa về giá trị nhân văn tốt đẹp, cùng nhau trao sự sống trên khắp cả nước.

Hiện nay cả nước có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạngThủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng

Tại lễ phát động 'Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi', Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não và kêu gọi người dân chung tay tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng cứu sống người bệnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hiến tạng hiến mô