Mặt bằng tổng thể kiến trúc cảnh quan
Vị trí thiết kế của cầu đi bộ nằm ở nút giao giữa rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn, là nơi chuyển tiếp giữa quận 1 và quận 4.
Trong tương lai, khi có nhiều dự án khu đô thị hiện đại được xây dựng, công trình di tích lịch sử như Bến Nhà Rồng và Cột cờ Thủ Ngữ cần có thêm sức hấp dẫn về mặt hình ảnh và không gian sử dụng. Việc bố trí một chiếc cầu đi bộ nối liền hai bên bờ rạch Bến Nghé sẽ tạo điều kiện cho khách du lịch đến tham quan nhiều hơn nhờ vào sự di chuyển thuận lợi.
Hơn nữa, cư dân ven sông giữa hai quận sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn để giao lưu nhờ vào sự kết nối của chiếc cầu. Một lợi thế lớn khi bố trí cầu đi bộ đó là công trình có tiềm năng trở thành biểu tượng nghệ thuật ven sông, góp phần làm đẹp thêm không gian mặt nước, đồng thời trở thành điểm nhấn cảnh quan giúp người đi đường định hướng giao thông tốt hơn.
Xây dựng hình ảnh và không gian văn hóa cầu đi bộ là một bài toán đòi hỏi sự cân bằng giữa xã hội, kinh tế và lịch sử. Dự án cầu đi bộ Bến Nhà Rồng tuy nhỏ nhưng lợi ích mang lại cực kỳ to lớn vì nó thỏa mãn được nhu cầu thực tiễn của con người, đó là vui chơi và ngắm nhìn thành phố, nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng lịch sử vốn có của Bến Nhà Rồng.
Sơ đồ vị trí thiết kế cầu đi bộ
Kết nối du lịch và lịch sử
Việc đề xuất cầu đi bộ qua Bến Nhà Rồng là thực sự cần thiết vì Bến Nhà Rồng là một di tích lịch sử của đô thị, là nơi truyền tải tri thức và văn hóa của sông Sài Gòn đối với du khách và cư dân thành phố.
Người Pháp khi đến miền Nam đã quyết định xây dựng khu thương cảng Sài Gòn. Đồng thời để tiện việc quản lý thương cảng, trụ sở Công ty Vận tải Hoàng Đế được khởi công xây dựng 4-3-1863, dùng để làm nơi ở cho viên tổng quản lý và nơi bán vé tàu.
Sau đó, hãng công ty cho dựng thêm cột cờ hiệu bằng thép cao 40m tại vị trí đồn dinh quan Thủ ngữ để ra hiệu cho tàu bè ra vào cảng, còn được gọi là Cột cờ Thủ Ngữ. Sau năm 1975, công trình trở thành biểu tượng của cảng Sài Gòn và là điểm tham quan du lịch của thành phố, nay còn được gọi là Bến Nhà Rồng.
Tiểu cảnh cầu đi bộ vào ban đêm
Với bề dày lịch sử văn hóa của Bến Nhà Rồng, phương án cầu đi bộ đóng vai trò thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nhờ vào sự thuận tiện và hấp dẫn của không gian trên cầu.
Hình dáng cầu theo đường cong mềm mại của con sông, giúp cho người đi bộ có thể quan sát Bến Nhà Rồng ở nhiều góc độ, đồng thời chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông Sài Gòn một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Bề rộng cầu khoảng 10m, cho phép người đi bộ, người khuyết tật và xe đạp có thể di chuyển an toàn.
Kết nối cộng đồng dân cư
Trong tương lai, sau khi cảng Sài Gòn đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt di dời vào năm 2005, khu vực cảng sẽ dùng làm không gian văn hóa giải trí mặt nước để phục vụ dân cư trong đô thị nhiều hơn.
Hiện tại, dọc theo sông Sài Gòn đi từ quận 1 đến quận 4, đã có các không gian văn hóa ven sông như tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Công trường Mê Linh, công viên Bến Bạch Đằng, cột cờ các nước ASEAN, Cột cờ Thủ Ngữ và Bến Nhà Rồng.
Việc xây dựng cầu đi bộ nối liền giữa Cột cờ Thủ Ngữ và Bến Nhà Rồng giúp tạo ra một chuỗi không gian văn hóa ven sông liên hoàn từ quận 1 đến quận 4. Hơn nữa, cầu đi bộ còn đóng vai trò làm điểm giao lưu văn hóa, làm tăng cường khả năng kết nối cộng đồng giữa hai quận.
Tiểu cảnh cầu đi bộ vào ban ngày
Không gian trên cầu được thiết kế theo hình dạng bông lúa với phần đầu phình to và phần thân nhỏ dần về phía Bến Nhà Rồng. Khu vực sân rộng trên cầu có chức năng như thềm vọng cảnh, cho phép người đi bộ trên cầu quan sát được bờ sông quận 1, quận 4 và bán đảo Thủ Thiêm.
Không gian phình to này còn là nơi nghỉ chân, hóng mát và trò chuyện khi băng qua sông. Sử dụng hoa giấy và giàn leo để tỏa bóng mát, kết hợp với hệ thống bồn hoa có ghế ngồi, không gian nghỉ chân trên cầu đảm bảo sự thoải mái và tiện nghi ở mọi thời điểm, giúp thu hút nhiều người đi bộ hơn và khuyến khích họ ở lại không gian lâu hơn.
Kết nối nghệ thuật và mặt nước
Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của thành phố, hàng loạt dự án khu đô thị hiện đại đã được thành lập dọc theo sông Sài Gòn như dự án khu đô thị Thủ Thiêm, dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.
Vì vậy, khu vực Bến Nhà Rồng rất cần thêm tính hiện đại về mặt nghệ thuật, nhưng vẫn giữ được sự hài hòa về mặt lịch sử.
Mặt đứng kiến trúc cầu đi bộ
Lấy cảm hứng từ lũy tre vươn cao, biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và ý chí của người Việt Nam, hàng loạt các trụ kim loại sơn màu đỏ được bố trí trên thành cầu. Hình ảnh tổng thể của chiếc cầu có dạng hình chóp nhọn thấp dần về hai phía, tạo ra nhịp điệu tương đồng với đỉnh Cột cờ Thủ Ngữ và mái ngói gạch đỏ của Bến Nhà Rồng.
Bên cạnh cấu trúc của cầu, các trụ kim loại còn kết hợp với đèn chiếu sáng nghệ thuật, giúp tạo điểm nhấn lung linh cho không gian cầu về đêm.
Một lợi thế của vị trí thiết kế đó là chiếc cầu đi bộ sẽ trở thành điểm nhấn nghệ thuật cho tuyến đường Mai Chí Thọ ở bán đảo Thủ Thiêm.
Trục đường Mai Chí Thọ kết thúc ngay tại công viên bờ sông Thủ Thiêm có tầm nhìn hướng ra Bến Nhà Rồng, như vậy cầu đi bộ không chỉ kết nối quận 1 với quận 4 về mặt giao thông, mà còn liên kết TP Thủ Đức về hình ảnh cảnh quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận