16/04/2022 09:55 GMT+7

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục 'ban phúc lành cho trăm họ'

NGÔ TUYẾT NHI và nhóm nghiên cứu văn hóa khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội  và nhân văn TP.HCM
NGÔ TUYẾT NHI và nhóm nghiên cứu văn hóa khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

TTO - Sông Sài Gòn là tặng vật của thiên nhiên dành cho TP.HCM và khu vực. Nhưng suốt một thời gian dài, dòng sông đang 'ngủ quên'.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục ban phúc lành cho trăm họ - Ảnh 1.

Bến tàu buýt đường sông Sài Gòn nằm bên bờ sông ở TP Thủ Đức - Ảnh: GIA TIẾN

Chúng ta cần "đánh thức" sông Sài Gòn không phải bằng những khẩu hiệu suông mà phải bằng những kế hoạch bài bản, có trách nhiệm để sông Sài Gòn tiếp tục "ban phúc lành cho trăm họ".

Xây dựng hệ thống công viên đẳng cấp ven sông Sài Gòn

Việc chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng nhận được sự đồng thuận của đông đảo công chúng. Ga tàu thủy Bạch Đằng và hệ thống Saigon Waterbus được người dân hưởng ứng bởi tính kế tục lịch sử và giá trị tiện ích trong giao thông của nó. 

Đây là không gian để thành phố hướng ra với sông nước, để người dân được "chạm tay" và "hít thở" cái phúc lành của dòng sông.

Để không gian phố thị được hòa nhịp đồng điệu hơn nữa với dòng sông, thành phố cần tiếp tục chỉnh trang và xây dựng hệ thống công viên cây xanh đẳng cấp hai bên bờ sông Sài Gòn; phía trung tâm thành phố cần nối kết công viên bến Bạch Đằng với công viên ven sông Thị Nghè, Bến Nghé, Kênh Tẻ... tạo hành lang "xanh" dẫn dắt phố thị ra với dòng sông và nuôi dưỡng sinh khí tốt lành cho thành phố.

Kết nối giao thông thủy - bộ

Bến Bạch Đằng - Bến Nghé trước tiên là một bến thủy, nơi các luồng giao thông thủy - bộ gặp nhau, do vậy thành phố cần xây dựng một triết lý xuyên suốt để chức năng kết nối giao thông thủy - bộ cần được thúc đẩy hơn nữa với số tuyến, điểm và tần suất dịch vụ buýt đường sông được tăng cường hợp lý. 

Ngoài các tuyến ngắn cố định như hiện nay, đơn vị nên nghiên cứu mở thêm các tuyến đến quận 7 và huyện Nhà Bè, đến Thuận An và Thủ Dầu Một, đến Thủ Đức, Tân Vạn và cù lao Phố (Biên Hòa)...

Với mạng lưới rộng khắp này, hành khách dễ dàng đi lại và thưởng ngoạn cảnh quan sông nước hai bên. Phương tiện giao thông ưu việt này giúp giảm lưu lượng giao thông trên bộ, giảm kẹt xe và ô nhiễm môi trường.

Kinh tế du lịch gắn với sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn đẹp, song nó chỉ hữu ích khi chúng ta mang cái đẹp ấy vào cuộc sống. Từ nhiều thế kỷ trước, tổ tiên ta men theo dòng sông này đến vỡ đất lập làng, rồi lúa gạo, sản vật trong vùng theo luồng sông ra biển cả. 

Dòng sông Sài Gòn vẫn hào phóng, chúng ta cần tư duy, cần sáng tạo để khơi thông nguồn mạch kinh tế ấy. Chúng tôi đề xuất một số ý tưởng làm du lịch:

1. Saigon Duck Tour

Hiện thành phố đã có xe buýt hai tầng phục vụ khách tham quan khu vực trung tâm, song có thể nghiên cứu áp dụng thêm mô hình xe Duck Tour vừa chạy trên bộ vừa chạy dưới nước (đoạn bến Bạch Đằng đến dưới chân cầu Sài Gòn) nhằm mang lại cảm giác thú vị, mới lạ cho du khách. 

Cảnh quan thành phố nhìn từ dòng sông thật tráng lệ, về đêm hệ thống đèn chiếu sáng lung linh càng làm cho cảnh quan đẹp hơn bội phần. Có thể tham khảo mô hình Duck Tour của các thành phố Singapore, London, Boston cho loại hình này.

2. Về miền đất phúc

Theo sông Sài Gòn, chúng ta có thể thiết kế hai tuyến du lịch về miền đất phúc thượng nguồn tùy vào phân khúc du khách. 

Khách du lịch sành điệu và khách quốc tế có thể đi tàu thủy đến tham quan địa đạo Củ Chi, lúc về có thể ghé tham quan làng nghề thủ công hay các di sản đình, chùa, miếu ở trung tâm Thủ Dầu Một (Bình Dương). 

Khách có ít thời gian hơn có thể đi tour ngắn từ bến Bạch Đằng đến khu nhà vườn ven sông ở Lái Thiêu (Thuận An) và tham quan cụm di sản ở trung tâm Thủ Dầu Một, hay nhất là vào mùa lễ hội đất Thủ ngay tháng giêng hằng năm.

3. Biển gọi

Theo sông Sài Gòn ra hướng biển, du khách có thể tham quan ngã ba Nhà Bè, được lắng nghe tích cổ Thủ Huồng lập nhà bè giúp dân, hệ thống cảnh quan sinh thái các xã đảo Cần Giờ, di tích lăng Ông Nam Hải ở Cần Thạnh (Cần Giờ). Trên đường quay về lại bến Bạch Đằng, du khách có thể ghé thăm di tích Nhà lớn Long Sơn (Vũng Tàu) hoặc khu sinh thái Thiềng Liềng (Thạnh An).

4. Hào khí Đồng Nai

Từ sông Sài Gòn rẽ vào sông Đồng Nai đi về hướng thượng nguồn, du khách có thể dừng chân tham quan cụm chùa cổ Hội Sơn (Phật giáo Bắc Tông) và chùa Bửu Long (Phật giáo Nam Tông), sau đó lên cù lao Phố để cùng hòa mình vào hào khí Đồng Nai và trải nghiệm các di sản lịch sử - văn hóa trên cù lao Phố (đình thần Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Đại Giác, miếu Quan Đế) và mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm văn hiến (đình Tân Lân, Văn Miếu Trấn Biên, các làng nghề đá - rèn - mộc - gốm sứ).

Ở tuyến dài hơn, du khách có thể đến tham quan cù lao Rùa, tham quan di chỉ khảo cổ Gò Rùa 3.000 năm hay đạp xe quanh cánh đồng lúa mênh mông trên đảo.

5. Theo dấu chân người xưa

Theo các dòng kênh Tẻ, kênh Ruột Ngựa... tàu thủy có thể đến kênh Chợ Đệm, ra sông Vàm Cỏ Đông rồi từ đó đi xuôi xuống cửa sông Soài Rạp tìm hiểu các di sản lịch sử văn hóa ở Cần Giuộc và Cần Đước như chùa Tôn Thạnh (nơi Nguyễn Đình Chiểu soạn Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), đồn Rạch Cát, nhà cổ Trăm Cột. 

Hoặc có thể theo kênh Chợ Gạo ra đến tận sông Tiền. Tuyến du lịch này có thể giúp khơi gợi ký ức con đường lúa gạo nối thông Đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn xưa.

Để tài nguyên sông nước trở thành sản nghiệp, thành phố phải tích cực chỉnh trang, tôn tạo lòng sông và cảnh quan đôi bờ, xây dựng bến tàu và các dịch vụ tiện ích đi kèm, đặc biệt phải xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông.

Tiếp cận giao thông đường sông ngoài giá trị kinh tế còn mang lại ý nghĩa giáo dục trong nhận thức và bảo vệ sinh thái.

Đi từ cửa biển Cần Thạnh về bến Bạch Đằng, hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng nước lợ rồi hệ thống cây xanh nước ngọt lần lượt hiện ra đôi bờ; mỗi loại hình sinh thái đều có quy luật phát triển riêng, song chúng có điểm chung là bảo vệ con người trước sự tàn phá của tự nhiên (sóng biển, dông bão, biến đổi khí hậu...).

Có đi với dòng sông mới hiểu dòng sông khỏe mạnh hay suy yếu, để biết chúng ta cần làm gì để bảo vệ thành phố thân yêu này.

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục ban phúc lành cho trăm họ - Ảnh 3.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Kinh nghiệm từ sông Hàn Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Kinh nghiệm từ sông Hàn

TTO - Người ta thường ví dòng sông là "dải lụa mềm" và đô thị nào có dải lụa ấy vắt qua thì quả là điều may mắn, trước tiên là cho chính những cư dân nơi đó. TP.HCM hay Đà Nẵng là những thành phố có được diễm phúc ấy.

NGÔ TUYẾT NHI và nhóm nghiên cứu văn hóa khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên