Tình nguyện viên hỗ trợ người dân quét mã khai báo y tế trước khi vào mua sắm bên trong siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngoài ra, thay vì chờ xếp hàng hàng giờ ở siêu thị, thực phẩm được giao về tận nơi ở, hạn chế người dân ra đường, chính quyền làm việc với siêu thị để cân đối hàng, tránh xảy ra nơi thừa chỗ thiếu như hiện nay. Để đi chợ bớt nhọc nhằn, Tuổi Trẻ ghi lại một số giải pháp được doanh nghiệp và người dân gợi ý.
* Ông Nguyễn Nguyên Phương (phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM):
Khuyến khích bán hàng đăng ký trước
Toàn thành phố chỉ còn 27/237 chợ hoạt động. Áp lực mua sắm dồn lên hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử trong khi số điểm bán này có khi bị giảm do liên quan đến F0, thời gian hoạt động bị giới hạn, thời gian mua sắm của người dân ít hơn...
Một giải pháp mà Sở Công thương đang triển khai là khuyến khích các nhà bán lẻ tổ chức bán hàng theo đăng ký trước, người dân có thể mua theo combo, đặt hàng hoặc mua theo cụm. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương triển khai đi chợ theo "phiếu đi chợ".
Tuy nhiên, để đảm bảo được cung cầu, các điểm bán hàng và địa phương phải làm việc với nhau, chia ngày, giờ đi mua thực phẩm cho người dân phải hợp lý với nguồn cung hàng hóa trên địa bàn.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu các siêu thị cung cấp thông tin về năng lực hàng hóa tại các khu vực, trong khi địa phương rà soát quy mô dân số để cân đối nguồn cung.
* Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ (giám đốc truyền thông và đối ngoại AEON VN):
Tăng cường bán hàng lưu động, giá bình ổn
Chúng tôi vẫn thực hiện khoảng 20 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng chục tấn hàng thiết yếu đến với hàng trăm hộ dân tại nhiều quận huyện ở TP.HCM. Ước tính mỗi điểm bán hàng lưu động phục vụ trung bình từ 300 lượt mua sắm, tiêu thụ khoảng 3 tấn hàng/điểm. Ở nhiều khu vực, người dân được chính quyền nhắn tin thông báo trước giờ bán nên tổ chức rất thuận tiện.
Các mặt hàng chủ yếu gồm thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, cá, thịt, thực phẩm khô và một số sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn. Giá bán của các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động cam kết luôn bằng giá bán tại siêu thị, được niêm yết cụ thể ngay tại mỗi điểm bán để người dân có thể dễ dàng tham khảo và an tâm mua sắm.
Dù siêu thị cũng muốn tăng thêm chuyến bán hàng nhưng năng lực thuê xe và hạn chế về nhân viên do tuân thủ quy định chống dịch. Nếu được tạo điều kiện, việc bán hàng lưu động rất phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Người dân quận 4, TP.HCM xếp hàng mua rau trên xe buýt bán rau củ quả lưu động sáng 31-7 - Ảnh: T.T.D.
* Ông Vòng A Lộc (tổ trưởng một tổ dân phố, quận Tân Phú):
Phường và điểm bán lẻ cần có phối hợp
Theo tôi, trước khi phát phiếu đi chợ, phường cần tính toán đến năng lực cung ứng của điểm bán, làm việc với cửa hàng để xem có khả năng cung cấp bao nhiêu thực phẩm, rau, cá, thịt cho người dân, khả năng phục vụ trong từng thời điểm. Trên cơ sở đó, có thể phân chia khung giờ hợp lý, tránh xếp hàng chờ đợi.
Hơn nữa, cơ quan quản lý nghiên cứu mở lại chợ truyền thống có kiểm soát với quy mô chừng 10-20% số sạp, đảm bảo giãn cách theo 5K, hạn chế tình trạng một số hộ tại các chợ truyền thống như Tân Hương, Tân Phú 1, Tân Phú 2 đôi lúc có mua bán lén lút.
* Ông Nguyễn Tiến Huy (tổng giám đốc DigiPencil MVV):
Dùng công nghệ điều phối hoạt động đi mua sắm
Có rất nhiều nhóm cư dân đã được hình thành và thông tin truyền tải qua những nhóm này rất hiệu quả, cần mời người dân tham gia trong nhóm. Chính họ là người tự điều phối sau khi có hướng dẫn từ chính quyền và thực hiện một cách khoa học nhất.
Phương án phát phiếu đi chợ là cách thức hay nhưng khó có thể áp dụng chung cho tất cả cộng đồng, do phân bổ chợ, siêu thị, cửa hàng trên mỗi địa bàn là khác nhau.
Các công ty công nghệ với nguồn dữ liệu lớn, có giải pháp khoa học sẽ tổ chức tốt hơn nếu được tham gia vào quá trình này. Như đã có phường ở Gò Vấp sử dụng bản đồ kiểm soát các điểm phong tỏa.
Tương tự, chúng ta có thể dựa trên những bản đồ số này để tính toán được đâu là thời gian tốt để người dân khu vực nào đi mua sắm, đánh số thứ tự ra sao. Bởi bản thân người dân cũng không muốn phải xếp hàng, chen lấn khi mua hàng nên sẽ rất hợp tác.
* Ông Đặng Thanh Phong (trưởng phòng truyền thông Bách Hóa Xanh):
Bán hàng theo combo giao tận nhà
Nhiều điểm bán hết hàng sớm, không kịp phục vụ người dân chủ yếu do các địa phương không làm việc với siêu thị, cửa hàng, phát phiếu mua hàng với ngày, giờ theo tính toán của phường, dẫn đến "lệch pha" trong cung cầu. Điều này dẫn đến tình trạng có thời điểm người dân đến xếp hàng nhưng không có hàng.
Chúng tôi sẽ làm việc lại với phường, tổ dân phố để có thể linh động giải quyết nhu cầu người dân nếu cần. Sau khi nắm được nhu cầu, siêu thị sẽ xem xét giao hàng dưới dạng "combo" theo đơn đặt hàng, theo từng khung giờ cho mỗi khu vực để tránh việc tập trung đông, địa phương có thể hỗ trợ vận chuyển và giao hàng đến tay người dân.
Nhân viên siêu thị kiểm tra phiếu mua hàng trước khi vào mua sắm ở siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Ông Nguyễn Văn Sinh (trưởng ban quản lý chợ Xã Tây, quận 5):
Tổ chức họp chợ dã chiến
Do chưa mở được chợ nên hiện ban quản lý đang liên kết với phường để tìm phương án tổ chức các mô hình chợ "dã chiến" trong khu phố. Với mô hình này, ban tổ chức sẽ tìm nguồn cho tiểu thương tham gia được chích vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm định kỳ.
Người dân có nhu cầu sẽ đăng ký đơn hàng trước, chính quyền sẽ làm việc với tiểu thương để cân đối lượng hàng, chia lượt đi chợ, địa điểm tổ chức những con đường rộng, phong tỏa 2 đầu để giãn cách người bán từ 5m trở lên, di chuyển một cổng vào và đi một hướng... Nguồn cung thịt, rau, củ, quả... dồi dào, nhà cung cấp sẵn sàng chở đến nơi, điều quan trọng là khâu tổ chức. Nếu ổn, mô hình này nên nhân rộng.
Nhóm mua chung: hàng ngon, giá mềm
Ngay trong sáng 31-7, người dân ở nhiều địa bàn tại TP.HCM tiếp tục phản ảnh khó mua thịt, cá, rau vì các điểm bán nhanh hết hàng nhưng không thể qua điểm khác vì vướng quy định chỉ mua hàng trong khu vực tổ, phường được ghi trên phiếu đi chợ được phát.
Sau nhiều lần đến siêu thị nhưng hết hàng sớm, bà Nguyễn Thị Mộc (TP Thủ Đức) đã tham gia group mua chung trong chung cư. "Cư dân đứng ra gom đơn hàng đặt từ Đà Lạt, khoảng một ngày sau hàng được giao đến chung cư, bảo vệ phát đến từng nhà. Rau được giao tươi ngon mà giá rất tốt" - bà Mộc cho biết.
Ngoài ra, một số địa phương triển khai mô hình khá hợp lý là xe buýt thực phẩm lưu động. Xe chở rau củ và được bài trí như ở trên kệ siêu thị, mỗi lần chỉ 1-2 người lên xe lựa hàng. "Với thiết kế nhỏ gọn, xe có thể len lỏi vào những khu vực chợ bị đóng cửa, siêu thị, cửa hàng thực phẩm hạn chế" - bà Mộc nói.
Đại diện phường 11 (quận 5) cho biết đang phối hợp với tiểu thương triển khai mô hình giao hàng đến khu phong tỏa. Người dân có thể đặt mua trực tiếp hoặc qua khu phố, tiểu thương sẽ thu mua hàng và giao lại cho người dân sau đó một ngày dưới dạng đóng bịch "combo", ghi thông tin khách hàng.
"Các siêu thị có thể giao nhận hàng kiểu này, người dân đăng ký mua chung cho khu phố và chính quyền là đầu mối đặt hàng, nhận hàng từ siêu thị, cửa hàng và chia lại cho người dân để hạn chế xếp hàng chờ ở siêu thị" - vị này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận