05/12/2024 15:24 GMT+7

Hiến kế để Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ pháp lý

Hiện chưa có quy định bắt buộc các tổ chức trong hoạt động du lịch ban hành và niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở lưu trú.

Việc phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt - một địa phương có tiềm năng lớn về du lịch - không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương mà còn là cách giải quyết các vấn đề xung quanh của thành phố như môi trường, văn hóa, sinh kế. 

Vừa qua, Đà Lạt được công nhận trở thành Thành phố Sáng tạo của UNESCO về âm nhạc càng cho thấy tiềm năng của thành phố trong việc thúc đẩy phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.

Nhiều chính sách cho sự phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt

Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ từ pháp lý - Ảnh 1.

Hiện đã có nhiều chính sách ủng hộ Đà Lạt phát triển xanh - Ảnh chụp tại khu du lịch dã ngoại Suối Tía: QUANG ĐỊNH

Du lịch xanh không phải là một khái niệm mới và đã được nhắc đến cả trong nước và quốc tế. Pháp luật Việt Nam hiện không có quy định cụ thể về du lịch xanh, thay vào đó là định nghĩa về "phát triển du lịch bền vững" trong Luật Du lịch 2017.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: "Du lịch xanh là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Việc phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt có tiềm năng rất lớn với sự ủng hộ xuyên suốt về mặt chính sách từ trung ương đến địa phương.

Từ phía trung ương, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững:

Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-1-2020 phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu quan điểm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-2-2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Về phía địa phương, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25-7-2022 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có quan điểm tương tự về việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn tự nhiên, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, nâng cao sinh kế người dân.

Các chính sách trên cho thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đề ra các chính sách để phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện phát triển cho ngành du lịch. Vì vậy, phát triển du lịch xanh là phù hợp với chính sách và quan điểm của Nhà nước nói chung và địa phương nói riêng.

Các vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc phát triển du lịch xanh tại thành phố Đà Lạt

Hiến kế để Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ pháp lý - Ảnh 3.

Khách du lịch tăng trưởng vừa là thời cơ, vừa đặt ra thách thức cho Đà Lạt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các vấn đề pháp lý điều chỉnh du lịch xanh dựa trên chính các vấn đề xoay quanh. Du lịch xanh, theo nghiên cứu Doods & Joppe (2001), được hiểu theo bốn nội dung, bao gồm:

Trách nhiệm đối với môi trường

Bảo vệ, bảo tồn và nâng cao vai trò của thiên nhiên và môi trường vật lý để đảm bảo tính bền vững lâu dài của hệ sinh thái.

Đối với ngành du lịch, sức ép lớn nhất đến môi trường là phát sinh chất thải rắn và nước thải sinh hoạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021), số lượng khách du lịch đến tỉ lệ thuận với lượng CO2 thải ra môi trường (ví dụ phương tiện đi lại), việc đầu tư khai thác các tài nguyên thiên nhiên bừa bãi phục vụ hoạt động du lịch.

Nội dung này đặt ra câu hỏi: Liệu các bên liên quan trong hoạt động du lịch đã có trách nhiệm với môi trường hay chưa? Pháp luật điều chỉnh vấn đề này như thế nào? 

Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Điều 8, 23 Luật Du lịch 2017 quy định việc bảo vệ môi trường trong du lịch cũng như các điều kiện công nhận điểm du lịch trong đó có yếu tố môi trường.

Tuy nhiên, vẫn có một số bất cập như việc (i) các quy định này còn khá chung chung, (ii) chưa có các quy định thúc đẩy trách nhiệm với môi trường (ngoài các nghĩa vụ đối với môi trường theo luật định).

Để minh họa, hiện chưa có quy định bắt buộc các tổ chức trong hoạt động du lịch ban hành và niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở lưu trú.

Khả năng phát triển lâu dài của kinh tế địa phương

Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ từ pháp lý - Ảnh 3.

Chợ đêm Đà Lạt là điểm đến thu hút khách du lịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lượng khách du lịch đổ về tạo nguồn thu cho nền kinh tế của thành phố, góp phần tăng sinh kế cho người dân bản địa. Doanh thu du lịch lữ hành của tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là 55,8 tỉ đồng (Niên giám thống kê Việt Nam 2023). 

Đây cũng là cơ sở thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực du lịch và các dịch vụ kèm theo.

Với các cam kết quốc tế Việt Nam ký kết về thúc đẩy đầu tư và bảo vệ môi trường như Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (ví dụ về Net Zero), các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là cơ sở thúc đẩy đa dạng hóa các mô hình kinh tế mới thích ứng với biến đổi khí hậu và tôn trọng tự nhiên, ví dụ dịch vụ lưu trú gắn với thiên nhiên.

Việc thu hút khách du lịch cũng đặt ra vấn đề về việc gia tăng phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, về mặt chính sách và quy định chưa có quy định bắt buộc áp dụng mô hình này, trên thực tế ESG chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam.

Tính đa dạng sinh học

Trân trọng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; và thứ tư, làm giàu thêm sự trải nghiệm cho khách du lịch thông qua việc tham gia tích cực tại điểm du lịch thiên nhiên, giao lưu với cư dân bản địa và tìm hiểu văn hóa địa phương.

Trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch, nhiều cơ sở còn chưa đặt việc tôn trọng văn hóa bản địa và thiên nhiên vào trong mô hình kinh doanh.

Tồn tại thực trạng doanh nghiệp (i) khai thác rừng bừa bãi cũng như lấn chiếm khu vực sống của người đồng bào địa phương, (ii) sử dụng đất không đúng mục đích, hay (iii) sử dụng lao động cưỡng bức. Từ góc độ pháp lý, những thực trạng này là hành vi vi phạm quy định pháp luật đất đai, lao động cũng như luật bảo vệ môi trường.

Đề xuất để thúc đẩy phát triển du lịch xanh từ góc độ pháp lý

Đà Lạt phát triển du lịch xanh: Cần thêm hỗ trợ từ pháp lý - Ảnh 5.

Khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo là một cách thúc đẩy du lịch xanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thứ nhất, khuyến khích người dân cũng như tổ chức sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010, các doanh nghiệp thực hiện sẽ có những ưu đãi về thuế, đất đai, vay vốn (Điều 41). 

Tuân thủ các quy định pháp luật như về môi trường, đất đai, lao động một cách chủ động. 

Trong chiến lược kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động lồng ghép chiếc "kiềng ba chân" môi trường - xã hội - quản trị (ESG), phát triển không quên tự nhiên cùng các giá trị văn hóa, xã hội.

Thứ hai, về phía cơ quan nhà nước cấp địa phương có thể đặt ra các bộ tiêu chí nhận diện du lịch xanh, có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển du lịch xanh, các doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả với các lợi ích cụ thể, rõ ràng. 

Bên cạnh đó, có quy hoạch địa phương thống nhất, hiệu quả, góp phần nâng cao lợi thế thương hiệu và sức cạnh tranh không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho thành phố, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch xanh tại Đà Lạt có đầy đủ lợi thế và tiềm năng. Chính sách và quy định pháp luật hiện tại là cơ sở để phát triển du lịch xanh, cũng đặt ra những thách thức các bên liên quan cần lưu ý và tuân thủ để đảm bảo phát triển theo hướng bền vững.

Diễn đàn "Phát triển du lịch Đà Lạt từ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên"

Bạn có ý tưởng, đề tài khoa học giúp du lịch Đà Lạt tiếp tục phát triển theo hướng du lịch xanh và bền vững, phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đến đa dạng sinh học và văn hóa địa phương? Mời bạn gửi bài viết, ý kiến, chia sẻ về hòm thư [email protected] từ nay đến ngày 14-12-2024. Các ý kiến đóng góp của độc giả sẽ được gửi tới lãnh đạo thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Vui lòng cung cấp thông tin liên lạc, thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Khung pháp lý nào giúp Đà Lạt phát triển du lịch xanh? - Ảnh 1.Hiến kế cho Đà Lạt xanh và bền vững: 5 trụ cột phát triển mới là gì?

Đà Lạt cần một chiến lược phát triển toàn diện hơn, xây dựng thêm các trụ cột bổ trợ nhằm đảm bảo tính bền vững và sự thịnh vượng lâu dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên