05/10/2016 10:13 GMT+7

Hiến kế “cải tạo lại đồng bằng sông Cửu Long”

 KS LÊ QUANG CẢNH - KS HOÀNG ĐÌNH KHẢM
KS LÊ QUANG CẢNH - KS HOÀNG ĐÌNH KHẢM

TTO - Ngày xưa tạo hóa đã ban tặng cho đồng bằng rộng lớn của Nam bộ Việt Nam sự giàu có về lúa gạo, trù phú cây trái và dồi dào tôm cá.

Máy bơm nhả khói nghi ngút nhưng không lên được giọt nước nào vì kênh trơ đáy - Ảnh: DUY KHANG
Máy bơm nhả khói nghi ngút nhưng không lên được giọt nước nào vì kênh trơ đáy - Ảnh: DUY KHANG

 

Từ ngàn đời, sông Mêkông là nguồn lợi, là tài nguyên chung của sáu quốc gia có dòng sông chảy qua.

Nhưng ngày nay, một số nước nằm ở thượng nguồn sông Mêkông đã xây dựng nhiều đập lớn chặn nước lại để sử dụng nước ngọt cho canh tác và làm thủy điện, nên lượng nước chảy xuống hạ lưu bị giảm rất nhiều, càng về sau càng thiếu hụt lớn hơn!

Như vậy, chúng ta chẳng còn hi vọng gì vào sự thay đổi, cải thiện tình hình cung cấp nước cho sông Cửu Long từ dòng Mêkông được nữa rồi!  

Mùa mưa không có lũ về, mùa nắng hạn dòng sông Cửu Long khô cạn, lại gánh thêm tình trạng biến đổi khí hậu đã làm cho cả đồng bằng Nam bộ bị thiệt hại rất nặng nề trong năm vừa qua. Kinh tế, sinh hoạt, đời sống dân cư bị đảo lộn.

Chỉ còn cách duy nhất là chúng ta phải tự cải tạo lại đồng bằng sông Cửu Long để trả lại sự trù phú và phồn vinh như nó từng có. Đề xuất cải tạo bao gồm 2 việc lớn:

1- Sông Cửu Long trước đây có chức năng thải nước lũ ra biển Đông; nay không còn lũ nữa nên cải tạo làm chức năng trữ nước ngọt. Chỉ để lại con sông Hậu làm nhiệm vụ xả lũ là đủ, các sông còn lại nên xây đắp đập ở cửa sông để giữ nước ngọt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.  

2- Hai vùng trũng lớn trước đây trồng lúa là Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên sẽ cải tạo thành hồ sinh thái, trữ nước ngọt giống như chức năng Biển Hồ của Campuchia. 

Thực tế đã chứng minh nhờ có Biển Hồ dự trữ một lượng nước ngọt khổng lồ, Campuchia đã thoát được tình cảnh khó khăn trong mùa khô hạn, dù có bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, dù dòng nước ở sông Mêkông chảy về đã bị giảm thiểu. 

Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia có diện tích thay đổi từ 10.000km2 trong mùa khô và 16.000km2 vào mùa lũ.

Diện tích của tứ giác Long Xuyên (4.890km2) và Đồng Tháp Mười (6.970km2) cộng với diện tích cải tạo 8 con sông thành hồ chứa, thì sau cải tạo ở đồng bằng Nam bộ sẽ xuất hiện các hồ lớn trữ nước ngọt, được phân bố nhiều nơi, tổng khối lượng nước ngọt tương đương Biển Hồ, nếu không muốn nói là nhiều hơn. 

Nếu chúng ta thực hiện kế hoạch như trên sẽ giải quyết, khắc phục được các khó khăn cùng những tồn tại lớn sau đây:  

- Đủ nước ngọt cho canh tác và sinh hoạt của cư dân đồng bằng Nam bộ, kể cả trong mùa hạn hán. 

- Nhờ có các hồ lớn trữ nước ngọt phân bố rất rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long, giúp cho nguồn cung và dự trữ nước ngầm (nước dưới đất) trong vùng vô cùng phong phú, không bao giờ cạn kiệt, dễ khai thác khi cần. 

- Những hồ nhân tạo lớn trữ chứa khối lượng nước ngọt khổng lồ, tạo ra áp lực vô cùng lớn trên khu vực rộng, sẽ cản chặn có hiệu quả sự xâm nhập mặn vào nội đồng. 

- Thủy sản, hải sản được phát triển đa dạng và phong phú trên các hồ sinh thái nước ngọt.  

- Các hồ sinh thái nước ngọt lớn được phân bố trên nhiều vùng của đồng bằng Nam bộ, tạo ra trữ lượng nước ngầm vô cùng lớn. Nước mặt cùng với nước ngầm phong phú sẽ giúp phát triển cây trồng cùng thảm thực vật, tạo ra khí hậu trong lành, môi trường thiên nhiên tốt cho cả vùng đồng bằng này. 

- Nếu ý tưởng cải tạo lại đồng bằng sông Cửu Long theo cách này được thực hiện thành công thì sẽ là bài học lớn, là tấm gương điển hình cho việc xây dựng các hồ trữ nước ngọt nhân tạo những nơi trọng yếu ở vùng Tây nguyên và miền Trung Việt Nam luôn chịu cảnh khô hạn.

Bằng việc cải tạo một số dòng sông ngắn và dốc chỉ làm mỗi nhiệm vụ tiêu thoát nước, “thải kiệt hết nước ngọt, rất lãng phí” xuống biển Đông trong mùa lũ, có thêm được chức năng mới là dự trữ nước ngọt cho mùa nắng hạn. 

Xuất phát từ lòng yêu thương đồng bào Nam bộ ruột thịt, mặc dù đã suýt soát tuổi 80, chúng tôi cũng muốn đóng góp chút sáng kiến nhằm góp phần giúp khắc phục, tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Qua phương tiện truyền thông điện tử, chúng tôi kính chuyển đến các cơ quan chức năng, đến những cán bộ làm khoa học kỹ thuật trẻ tuổi và đến những người dân Nam bộ - lực lượng trực tiếp thực hiện ý tưởng khi đã đồng tình và hưởng ứng.

KS LÊ QUANG CẢNH - KS HOÀNG ĐÌNH KHẢM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên