Quên hết lo sợ, bỏ qua hiểm nguy, bác sĩ trẻ lần đầu tình nguyện ra đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) Nguyễn Trọng Duy (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) cùng điều dưỡng Bùi Thanh Sơn thay nhau người tát nước, người che chắn cho bệnh nhân khỏi ướt và rọi đèn pin tìm đường vào đất liền. "Không thấy đường luôn rồi", giọng tài công run run vang lên giữa tiếng máy kêu và gió rít.
Cấp cứu giữa biển trời mênh mông
Ca cấp cứu đặc biệt này là vào một ngày cuối tháng 5-2024. Khi vừa kết thúc ca trực tại trạm y tế, Duy nghe giọng hô hoán của người dân báo có ca cần cấp cứu. Bệnh nhân là một người đàn ông hơn 40 tuổi được đưa đến trạm với triệu chứng suy hô hấp nặng. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử xơ gan cổ trướng kèm theo tăng huyết áp và đái tháo đường.
Cần lắm tàu cấp cứu cho xã đảo Thạnh An, Cần Giờ
Bác sĩ Duy nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxy. "Không được rồi" - Duy thở dài trước dấu hiệu nguy kịch của bệnh nhân và quyết định chuyển viện gấp. Từ Trạm y tế xã đảo Thạnh An cách đất liền gần 5 hải lý (8km), Duy lập tức bật báo động cho trạm cấp cứu thuộc Trung tâm cấp cứu 115 (đặt tại Cần Giờ) sẵn sàng đón người bệnh tại bến đò Tắc Suất.
Tại bến đò Thạnh An, vừa đưa bệnh nhân lên ca nô, cơn mưa ập đến kèm theo dông lớn, sóng bắt đầu nổi lên. Trước tình trạng thập tử nhất sinh của người bệnh, Duy và đồng nghiệp không còn đường lùi, cả hai cùng với tài công nhanh chóng leo lên ca nô lao ra giữa biển tối đen như mực.
Dông ngày càng lớn, chiếc ca nô chao đảo dạt vào gần bãi đá ven bờ. Sau hơn 20 phút vật lộn trên biển, chiếc ca nô đã cập bờ bên kia an toàn. Khi người bệnh được chuyển vào Bệnh viện huyện Cần Giờ cấp cứu, Duy cùng điều dưỡng trở về xã đảo cũng đã rạng sáng.
Ở đất liền, khó ai hiểu hết được cấp cứu trên biển hiểm nguy thế nào. Không chỉ bác sĩ Duy được "trải nghiệm", cách đây không lâu bác sĩ Ngô Trí Thành (28 tuổi) cùng đồng nghiệp Mai Thị Ngọc Hà (30 tuổi), đến từ Bệnh viện Nhân dân 115, cũng đã trực tiếp vận chuyển nhiều ca cấp cứu thót tim như thế...
Vốn quen với công việc điều trị bệnh nhân trên đất liền, việc vận chuyển cấp cứu trên biển với Thành là một thách thức lớn. Chàng bác sĩ quê xứ Nghệ này cũng không thể ngờ ngay ngày đầu đặt chân ra đảo anh lại nhận ngay nhiệm vụ chuyển cụ bà 69 tuổi vào đất liền cấp cứu trong điều kiện đêm khuya đầy sóng gió.
Cũng bởi lo ngại trước các chỉ số nhịp tim và huyết áp của bà cụ, cộng với kinh nghiệm được "rèn" tại bệnh viện tuyến cuối, Thành thừa hiểu tuổi cao sức yếu và mang nhiều bệnh nền như bà cụ thì điều gì sẽ ập đến nếu chậm trễ cấp cứu.
"Giữa đêm khuya, tôi cùng bác sĩ Hà khoác vội áo mưa, người xách dụng cụ y tế, người kia nhanh chóng hỗ trợ quấn tấm ni lông quanh người bà cụ để khỏi ướt rồi bế lên cáng chở ra bến đò. Chiếc ca nô chở năm người chẳng khác gì một chiếc lá nhỏ tròng trành theo con sóng" - bác sĩ Thành nhớ lại và cười thú thật lúc bấy giờ anh chột dạ "có khi nào là lần cuối cùng của mình".
"Tôi sợ có điều gì bất trắc xảy ra với bệnh nhân khi vận chuyển. Bởi ca nô chật chội rất khó xoay trở khi gặp sự cố cần xử trí, nhất là khi bệnh nhân ngưng tim ngưng thở dọc đường" - Thành kể và thở phào cho biết những lo lắng ấy may mắn đã không xảy ra, ca nô cuối cùng cũng đã cập đất liền an toàn sau gần một tiếng di chuyển thót tim trên biển.
Có những người không đợi được...
Nằm tách biệt giữa bốn bề biển nước, bao năm qua điều người dân sống trên xã đảo Thạnh An nặng lòng nhất không phải là chuyện thiếu ăn, thiếu mặc mà là khi bệnh tật ập đến phải đi cấp cứu. Do phương tiện đi lại còn quá thô sơ, có những người may mắn được cứu sống, nhưng nhiều người đã mất giữa đường, ngay trên ghe hoặc ca nô cấp cứu.
Ánh mắt đượm buồn nhìn về phía chiếc ca nô đang neo đậu trên xã đảo, thầy Quãng Hữu Tường (32 tuổi), giáo viên Trường THCS - THPT Thạnh An, không khỏi xót xa khi nhớ đến người đồng nghiệp của mình qua đời ngay trên đường đi cấp cứu. Năm 2020, thầy T.T.T. (44 tuổi), giáo viên bộ môn thể dục vừa mới về trường, khi đang dạy thì bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim.
Sau khi sơ cứu, thầy Tường cùng các giáo viên khác và y bác sĩ vội vàng đưa thầy T. lên ca nô vào đất liền cấp cứu. Giữa đường mưa bắt đầu giội xuống, biển động sóng đánh liên tục khiến thời gian cấp cứu kéo dài thêm. Trên ca nô mọi người cố gắng hết sức để sơ cứu cho thầy T. nhưng không có phép màu nào cả khi được nửa đường thầy T. đã không còn đáp lại.
"Tất cả mọi người đã theo chân thầy T. đến Bệnh viện huyện Cần Giờ, ở ngoài phòng cấp cứu chúng tôi biết mình đã mất đi một người đồng nghiệp yêu quý.
Tôi sinh ra và lớn lên ở xã đảo Thạnh An, là con dân nơi này không ít lần chứng kiến bà con bị tai biến hay cấp cứu khẩn cấp đã mất trước mặt do không chờ di chuyển đến bờ bên kia, hoặc qua rồi cũng mất thời gian vàng điều trị. Thật mong có được phương tiện tốt hơn, lớn hơn để khi có tai nạn khẩn cấp mọi người có cơ hội khỏe mạnh quay về", thầy Tường trải lòng.
Những ngày gần cuối tháng 5-2024 khi mùa mưa bắt đầu, chúng tôi ra đảo càng thấu hiểu sự khó khăn của người dân nơi đây khi cần đi cấp cứu. Và khó khăn nhân lên gấp nhiều lần nếu cấp cứu trong điều kiện gió bão.
Hiện cả xã đảo chỉ có phương tiện cấp cứu duy nhất là chiếc ca nô thay thế cho chiếc ghe gỗ thô sơ lạc hậu. Và cũng có lúc bất đắc dĩ, nhân viên y tế tại đây buộc phải cứu bệnh nhân bằng phương pháp thô sơ nhất như hà hơi, ấn tim, ép ngực như sơ cứu cho bệnh nhân đuối nước.
Nằm giữa xã đảo, phía trong căn nhà nhỏ mái tôn đã thủng nhiều lỗ li ti là nơi ở của vợ chồng ông Mai Thanh Bình (52 tuổi) và bà Đặng Thị Mười Ba (51 tuổi). Nhiều năm đánh bắt cá ngoài biển, thế nhưng giờ đây bà Ba phải bỏ công việc này vì chăm chồng bị liệt nửa người.
Năm 2023, khi đang đánh bắt cá trên biển Cần Giờ, ông Bình bất ngờ ngã gục. Bà Ba nhanh chóng gọi điện cho các ghe đánh bắt cá xung quanh hỗ trợ đưa chồng vào đất liền cấp cứu.
Trời tối mịt, chiếc ca nô cấp cứu nhỏ không thể đi xa vì khó tìm được phương hướng, các ngư dân gần đó đành để ông Bình nằm trên mui chiếc ghe gỗ rồi di chuyển từ từ vào đất liền.
Thời gian di chuyển lâu dẫn đến ông Bình bị xuất huyết não nghiêm trọng, các bác sĩ bắt buộc phải mổ sọ não.
Dù được cứu sống nhưng biến chứng để lại cho ông Bình là liệt nửa người, thụt lưỡi, tinh thần không tỉnh táo, mất sức lao động. "Giá như lúc đó có phương tiện cấp cứu hiện đại, chồng tôi được đưa đi cấp cứu nhanh hơn có lẽ đã không rơi vào cảnh như hôm nay", bà Ba rưng rưng nước mắt.
Cũng thuộc xã đảo Thạnh An, người dân ấp Thiềng Liềng gần đó cũng luôn sống trong lo sợ, ám ảnh khi có ca cấp cứu hay cần đi khám bệnh. Mắc bệnh đau dạ dày từ nhiều năm nay, bà Đinh Thị Tuyết Nga (52 tuổi) phải thường xuyên vào đất liền thăm khám và bốc thuốc. Mỗi lần muốn đi khám, bà Nga bắt buộc phải thuê vỏ lãi với giá 300.000 đồng/lượt cả đi lẫn về, chưa tính tiền ăn uống.
Nhớ lại một lần từng lên cơn đau bụng dữ dội phải đi cấp cứu, bà đã thuê vỏ lãi đến xã đảo Thạnh An để đi ké ca nô vô đất liền. Lúc trở về Thiềng Liềng bằng vỏ lãi, trời bất ngờ đổ mưa kèm dông lớn, vỏ lãi nhỏ bé như muốn lật xuống biển khiến bà khóc hoảng loạn, hai chân run lên cầm cập tưởng chừng đã bị nước biển cuốn trôi.
"Chúng tôi mang ơn Tài"
Huỳnh Tấn Tài, một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở xã đảo Thạnh An, đã qua đời ngày 31-5 sau một thời gian chống chọi với bệnh suy thận, suy tim.
Tin buồn này được gia đình, các bác sĩ trực tiếp theo dõi hành trình chạy thận của Tài thông báo với Tuổi Trẻ. Câu chuyện "gian nan hành trình đi chữa bệnh" của người dân xã đảo Thạnh An từng gây sự chú ý bởi nhân vật đặc biệt là Huỳnh Tấn Tài (34 tuổi) - một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên xã đảo này.
Hành trình vào đất liền chạy thận với Tài là cực hình. Từ chiều hôm trước, người thân phải bế anh lên ghe vào đất liền thuê trọ. Trắng đêm, chàng trai 34 tuổi thấp thỏm chờ trời sáng để kịp đón xe đò lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) chạy thận.
Cả đi lẫn về, anh mất ròng rã 25 tiếng, nếu tính ngày thì mất hai ngày. Một tuần ba lần, anh mất đến sáu ngày đi chạy thận và chẳng khác nào hành xác với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, cho biết gần cả tháng nay, Tài không còn đủ sức chạy thận ở Cần Giờ mà phải lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương điều trị dài ngày.
Còn theo bác sĩ Từ Kim Thanh - trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), Tài chưa phải là bệnh nhân suy thận nặng nhất trong số các bệnh nhân chạy thận ở Cần Giờ. Tuy vậy, anh lại là bệnh nhân bị suy tim nặng nhất và chỉ cần quá tải dịch hoặc nhiễm trùng viêm phổi chút xíu là bị phù phổi cấp.
"Chúng tôi rất buồn trước sự ra đi của Tài. Chúng tôi mang ơn Tài, các bệnh nhân chạy thận mang ơn Tài. Nhờ câu chuyện của Tài mà hơn 20 bệnh nhân được hưởng lợi khi có đơn vị chạy thận ở Cần Giờ", bác sĩ Từ Kim Thanh xúc động chia sẻ.
Mở rộng mạng lưới cấp cứu đường thủy, thêm cơ hội phát triển
Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Trong đó, TP sẽ đa dạng hóa các loại hình vận chuyển cấp cứu đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu đa dạng của người dân và phù hợp với địa lý của TP như bổ sung phương tiện cấp cứu bằng đường bộ, bổ sung loại hình cấp cứu bằng đường thủy và bổ sung mô hình cấp cứu bằng đường hàng không.
Trong đó nhấn mạnh đến việc bổ sung loại hình cấp cứu bằng đường thủy để phù hợp với đặc điểm địa lý nhiều sông ngòi, kênh rạch của TP, đặc biệt có huyện Cần Giờ giáp biển.
Hiện nay, Cần Giờ đang được đầu tư trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, xây dựng cảng nước sâu làm trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Chính vì vậy, hệ thống giao thông đường thủy sẽ phát triển đa dạng với lưu lượng lớn tàu thuyền neo đậu và vận chuyển hàng hóa, có nhiều người dân đến sinh sống, làm việc và thu hút đông đảo khách du lịch trong, ngoài nước.
"Việc triển khai mô hình cấp cứu bằng đường thủy là thật sự cần thiết nhằm cung cấp dịch vụ cấp cứu kịp thời cho người dân, đảm bảo phát triển bền vững cho Cần Giờ và khu vực lân cận" - đề án nêu rõ.
Cụ thể, trong giai đoạn 1 từ năm 2023 - 2025, TP sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ với vị trí bến đỗ là cảng đóng quân Bộ đội biên phòng huyện Cần Giờ, đầu tư một tàu cứu thương được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng.
Trong giai đoạn 2 từ năm 2025 trở về sau sẽ mở rộng mô hình cấp cứu đường thủy tại khu vực trung tâm TP với bến đỗ tại Bạch Đằng, bổ sung thêm một tàu cứu thương chuyên dụng từng bước hình thành mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo nhu cầu phát triển của TP.
Bác sĩ "bó tay" vì không đủ phương tiện hồi sức
Hơn 20 năm thăm khám và trực tiếp cấp cứu cho hàng trăm người dân trên đảo, bác sĩ Luân Thanh Trường, trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An, cho biết phương tiện cấp cứu nơi đây rất khó khăn.
Trước đó chỉ có ghe gỗ, hiện nay là chiếc ca nô nhỏ do UBND xã Thạnh An mới trang bị. Khi thời tiết thuận lợi có thể đưa người bệnh đi cấp cứu bằng ca nô, nhưng khi gặp thời tiết xấu, dông lốc thì chuyến đi trở nên rất nguy hiểm.
Theo ông Trường, nhu cầu cấp cứu của người dân xã đảo rất lớn. Cả ghe gỗ và ca nô cấp cứu đều không có điện để đem theo máy móc hỗ trợ hồi sức cho bệnh nhân như các bé hen suyễn cần phun khí dung, bệnh nhân tắc nghẽn phổi mãn tính... các bác sĩ đều "bó tay". Thậm chí, những ngư dân đang đánh bắt cá cần cấp cứu nhưng không tiếp cận được cấp cứu sớm.
Nếu có phương tiện cấp cứu chuyên nghiệp, chúng ta có thể giữ được thời gian vàng cho người bệnh, kể cả cấp cứu cho ngư dân đánh bắt ngoài khơi. Đồng thời không chỉ người dân xã đảo Thạnh An mà còn giúp cho cả người dân ấp Thiềng Liềng và khu vực xã lân cận thêm hy vọng. "Bác sĩ có giỏi đến mấy khi đã lãng phí thời gian vàng thì tỉ lệ rủi ro tính mạng rất cao", bác sĩ Trường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận